Thủ phạm nhiều nhất dễ dẫn đến đái tháo đường là béo phì vì vậy bạn cần điều chỉnh thói quen của chính mình và gia đình để tránh béo phì, giảm nguy cơ đái tháo đường.
Cẩn thận với béo phì
Một gia đình tại Trung Quốc có cả 4 thành viên trong gia đình mắc tiểu đường, người cha mới 38 tuổi, con út 8 tuổi. Nguyên nhân được cho là do thói quen nêm nếm nhiều gia vị trong đó có dầu hào, ăn bánh mì tinh chế, thịt hun khói, đồ ăn chế biến sẵn.
Theo TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế và Lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết việc sử dụng gia vị trong nấu ăn hoàn toàn không phải nguyên nhân gây nên đái tháo đường.
Theo BS Hưng, để xác định nguyên nhân cả gia đình mắc đái tháo đường thì cần tìm hiểu thêm rất nhiều về gen, phải xem các thành viên trong gia đình có bị béo phì hay không, đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2. Nếu là đái tháo đường tuýp 1 thì còn có thể đến từ nhiều nguyên nhân như gen, bệnh tự miễn. Còn nếu mắc đái tháo đường tuýp 2 thì mới liên quan tới thói quen sinh hoạt, ăn uống của các thành viên trong gia đình.
TS Hưng cho biết những người bị béo phì dễ mắc đái tháo đường vì thời kỳ đầu mới phát béo, chức năng sản xuất insulin còn bình thường nhưng dần dần do sự đề kháng insulin tăng lên làm hiệu quả hoạt động của chất này giảm sút. Để khắc phục hiện tượng này, tuyến tụy phải hoạt động quá sức dẫn đến chức năng sản sinh ra insulin ở tụy giảm dần, lúc này insulin trong cơ thể sẽ không đủ để duy trì việc chuyển hóa đường trong máu ở mức bình thường nữa. Do vậy bệnh đái tháo đường mới xuất hiện.
Ăn uống không khoa học, thừa cân béo phì có thể gây nên đái tháo đường.
Vì vậy, quy tắc để phòng tránh đái tháo đường là giảm trọng lượng. Cho dù chỉ cần giảm được 5% số cân nặng ở những người béo phì cũng có thể giảm tới 70% nguy cơ bị đái tháo đường. Trung bình chỉ cần giảm được 2-3 kg là đã tránh được nguy cơ một cách đáng kể. Vì thế, hãy kiểm soát lượng tiêu thụ calo mỗi ngày và nên có chế độ ăn uống để có thể giảm cân dù chỉ một chút cũng được.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh đái tháo đường hiệu quả, bạn nên thay đổi lối sống lành mạnh như: chơi thể thao, tham gia các hoạt động giải trí để tránh stress, chế độ dinh dưỡng hợp lý…
Các thông tin về việc nấu ăn dùng nhiều loại gia vị, nước sốt khác nhau đặc biệt là dầu hào, các loại nước sốt đóng chai sẵn, các loại gia vị tổng hợp dùng để nấu hay ăn trực tiếp và các thực phẩm như bánh mì, xúc xích ăn liền, thịt xông khói… gây ra đái tháo đường cho gia đình ông Vương trên cần tìm hiểu kỹ lại.
Việc ăn uống không khoa học, ăn nhiều chất béo, chất bột đường dẫn tới thừa cân béo phì và từ thừa cân mới gây ra đái tháo đường. Bác sĩ Hưng khuyến cáo mọi người nên ăn uống hợp lý không kiêng gì nhưng cũng cần ăn đủ, ăn đa dạng và không lạm dụng bất cứ thực phẩm nào thì sẽ tốt cho cơ thể.
Ăn đường có gây đái tháo đường?
Theo thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên BS Bệnh viện Nội tiết trung ương, một số người còn nghĩ rằng ăn đường gây ra bệnh đái tháo đường nhưng những suy nghĩ như vậy không còn đúng nữa.
Thực tế, nếu bạn ăn khoai tây luộc còn làm tăng đường máu nhiều hơn so với ăn đường kính khi dùng cùng một số calo như nhau. Điều tương tự cũng xảy ra với việc ăn cơm và bột mỳ trắng.
Khi ăn đường từ quả chín, sữa sẽ có ít đường glucose hơn so với ăn cơm, khoai sọ hoặc miến dong. Đường kính là loại đường đôi, được kết hợp bởi 1 phân tử đường glucose và 1 phân tử đường fructose. Đường sữa cũng là loại đường nối đôi gồm 1 phân tử đường glucose và 1 phân tử đường galactose. 75% đường trong quả chín là đường fructose và glucose.
Do vậy dù ăn chất ngọt từ đường kính, đường sữa hay từ quả ngọt, ta cũng chỉ có một nửa lượng đường trực tiếp là đường glucose. Trong khi tinh bột (cơm, mỳ, khoai, ngô, sắn…) khi tiêu hóa xong chúng ta có 100% là đường glucose, vì tinh bột thực chất là các phân tử đường glucose nối với nhau.
Tuy nhiên, mọi người không nên lạm dụng và ăn quá nhiều đường vì đường không phải là thực phẩm có nhiều chất bổ dưỡng. Chúng cung cấp năng lượng nhưng thiếu đi vitamin, khoáng chất và chất xơ. Hơn nữa, thực phẩm có nhiều đường thường đi kèm theo nhiều calo và chất béo.
Với những người trẻ, đặc biệt là những người làm công việc văn phòng, bác sĩ khuyến cáo hãy ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.