Lúc họ làm giàu cho quê hương thì chào đón, giờ có ngày Tết để về quê, họ lại bị coi là mối nguy dịch bệnh sao?
Mong người dân không về ăn Tết, bạc bẽo lắm!
“Thấy một số tỉnh gửi tâm thư mong người dân tỉnh mình đi làm ăn ở nơi khác không về quê ăn Tết, mình thấy bất nhẫn lắm. Thấy cứ bạc bẽo thế nào ấy. Những người dân đó chẳng phải đã giúp cho địa phương giải bài toán việc làm hay sao? Những ngôi nhà khang trang và cuộc sống khấm khá hơn của địa phương chẳng phải được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và sự thắt lưng buộc bụng của họ ở nơi xa xứ hay sao?
Quanh năm đầu tắt mặt tối, làm việc quần quật dồn cho những ngày nghỉ Tết ít ỏi, để bây giờ họ được bảo là đừng về! Dành dụm cả năm để mua đồng quà tấm bánh cho cha mẹ, con em nay biết gửi ai!” – đó là những trăn trở của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng trăn trở nghĩ về những lao động xa quê.
Bà cảm thấy xót xa khi những người lao động xa quê, từ tư cách những người làm giàu cho quê hương, vì dịch Covid-19 mà bỗng dưng bị coi như mối nguy dịch bệnh. Bà này cho rằng, người dân về quê ăn Tết vốn là một hành vi bình thường, tự nhiên, bỗng vì tâm thư động viên đừng về mà bị gán cho trách nhiệm đạo đức. Tức là, nếu trở về quê mà mang theo mầm mống dịch bệnh, nghĩa là họ trở thành gánh nặng cho quê hương.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đồng ý rằng, việc một số địa phương tỏ ra quan ngại về sự bùng phát dịch Covid-19 khi người dân về quê ăn Tết là có cơ sở. Tuy nhiên, bà không đồng tình với việc chính quyền các địa phương gửi tâm thư động viên, khuyến khích người dân ăn Tết tại địa phương họ đang tạm trú.
“Với việc hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người về một địa phương nào đó đón Tết, chắc chắn sẽ kích thích tiêu dùng, mua sắm, đi lại, từ đó góp phần vào phục hồi phát triển kinh tế. Trải qua thời gian bị “tổn thương”, nền kinh tế rất cần những dòng kích cầu như thế.
Nếu tôi là chính quyền ở các địa phương ấy, tôi cũng viết một tâm thư, nhưng nội dung là mong muốn người dân trở về quê hương đón Tết, kèm theo đó là đề nghị bà con tuân thủ các quy định 5K, phòng chống dịch tốt“, nữ Tiến sĩ chia sẻ.
Đại dịch cần kết thúc trong tâm trí người trước đã
Những trăn trở của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng chạm đến tâm tư của nhiều người. Có thể thấy, trong tâm thức nhiều người Á Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, dịp Tết Nguyên đán cực kỳ quan trọng. Với những người đi làm, đi học xa quê, họ luôn có tập quán, nhu cầu trở về nhà mỗi dịp cuối năm.
Ở thời điểm bình thường, không có dịch, người ta sẵn sàng chi hàng triệu để mua vé tàu xe, vé máy bay để trở về nhà đoàn tụ. Khi có dịch, tâm lý muốn hồi hương lại càng thôi thúc, phần vì họ đã phải cầm cự quá lâu suốt bốn làn sóng của dịch bệnh, phần vì những căng thẳng kéo dài cần được làm dịu lại bằng không khí đầm ấm của quê hương.
Ranh giới giữa sợ hãi bệnh dịch và kỳ thị người xa quê, sống ở các thành phố lớn (với nhiều nguy cơ) rất mỏng mảnh. Quê hương cần an toàn và không muốn chịu rủi ro y tế, nhưng người xa quê cũng cần có nơi an trú về tinh thần, cần được hướng dẫn và tạo điều kiện để về nhà an toàn, không phải kiểu “quê hương đang yên ổn, con ơi đừng về”.
Có lẽ, đại dịch sẽ phải kết thúc trong ý nghĩ của con người, chủ động ứng phó để có thể (cho phép) được sống bình thường, trước khi nó thật sự kết thúc trong thực tế.
Nhiều người dân băn khoăn chuyện Tết này có nên về quê.
Một số dân mạng cũng bình luận về câu chuyện này:
– Tôi quyết tâm về quê. Những người xa xứ như tôi mới cần những ngày này để về quê hương thăm mẹ già, ngồi mâm cơm với mẹ, với anh, chị, em và các cháu.
– Với độ phủ các mũi vaccine tiêu chuẩn cao như ở nước ta, theo tôi, nên nghĩ ra nhiều cách tổ chức giao thông phù hợp để đón họ về quê thì hơn. Ví dụ, khách hàng ở vùng xanh đi với nhau, tương tự như vậy với các vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ. Xe chở khách từ vùng đỏ chỉ được phép chở tối đa 1/2 thôi… Nên để người dân về quê trong trật tự hơn là có lời vận động kém nhân văn như chúng ta đã thấy.
– Chúng ta tiêm vaccine là để được sống bình thường, chứ không phải để co cụm sợ hãi. Một năm qua có biết bao biến cố, nhiều người đã chứng kiến người thân quanh mình ra đi, những nỗi đau, sự bí bức trong môi trường chật hẹp, sự tổn thương tâm lý vì bị đứt gãy giao tiếp xã hội… khiến người ta cần được về quê. Người nào về quê cũng đã tự lo cho bản thân và người thân của họ rồi, đừng kỳ thị họ.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 và Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ bỏ mục tiêu zero Covid-19 và chấp nhận số ca mắc tăng nhiều. PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các tỉnh, thành phố và địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, tránh “ngăn sông cấm chợ”. Ngoài ra, một số địa phương vận động hay ra quy định “làm khó” người dân về quê dịp Tết cổ truyền sẽ tạo ra tiền lệ không hay.
Dù vậy, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, PGS.TS Trần Đắc Phu đưa khuyến cáo: Người dân về quê ăn Tết không nên lơ là, chủ quan mà cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch.