Nơi đây máy bay thay thế cho cả ô tô, xe buýt đưa đón học sinh, xe tải và xe cứu thương.
Alaska là khu vực đang vận hành hệ thống hàng không lớn nhất của nước Mỹ, tạo ra hơn 35.000 việc làm và 3,8 tỷ USD cho bang thứ 49 của đất nước này.
Vùng đất đặc biệt này có những dải đất hoang dã rộng lớn, ngăn cách 82% cộng đồng của nó với hệ thống đường xá của tiểu bang. Điều này đã tạo ra những thách thức cho các thị trấn nông thôn, nhưng hàng không đã trở thành một giải pháp thiết yếu và là một cách sống quan trọng ở nơi đây.
Nhiều phi công ở Alaska được gọi là “phi công đi bụi” (Alaskan bush), họ chịu trách nhiệm lái những chiếc máy bay nhỏ vào khu vực địa hình gồ ghề, hoặc địa hình rậm rạp. Hầu hết các chuyến bay của họ được thực hiện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không có sự giúp đỡ.
Do vị trí xa xôi và hầu hết là các bãi đáp không được chuẩn bị trước, nhiều chỗ đáp chỉ được làm bằng đất, cát hoặc băng, do đó các phi công đi bụi phải cực kỳ tháo vát và có tay nghề cao.
Thống kê năm 2013 cho thấy cứ trên 100 cư dân của bang thì có một người là phi công. Ngày nay, Alaska có số phi công và số máy bay bình quân đầu người nhiều gấp 6 lần cả nước Mỹ. Số máy bay thì nhiều gấp 16 lần.
Kể từ khi những phi công bụi đời đầu tiên đến đây sau Thế chiến thứ nhất, họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển lãnh thổ Alaska, cả trước và sau khi nó trở thành một tiểu bang của Mỹ vào năm 1959.
Các phi công này đã làm rất nhiều việc trong những năm sau chiến tranh, vận chuyển các nguồn tài nguyên quý giá của Alaska như vàng, lông thú và dầu mỏ.
Tuy nhiên, ngành hàng không Alaska chỉ thực sự “cất cánh” sau khi thành lập Hãng hàng không Wien Alaska vào năm 1927. Đây là hãng hàng không thương mại đầu tiên của bang, chịu trách nhiệm đưa đón người và thư trên các tuyến đường giữa các thị trấn nông thôn như Nome, Candle và Point Hope.
Wien được thành lập bởi phi công người Alaska nổi tiếng Noel Wien, người được gọi là “cha đẻ của các phi công đi bụi ở Alaska”. Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp ông ấy có một vị trí trong Đại sảnh Danh vọng ngành Hàng không Quốc gia Mỹ.
Tiếp tục trong thế kỷ 20, phi công là cứu cánh cho những ngôi làng xa xôi. Họ thường xuyên bay tiếp liệu, thực phẩm và đưa người dân đến và đi từ những nơi khó tiếp cận trên khắp tiểu bang. Trong ảnh là cảnh các em nhỏ đi học bằng máy bay.
Các phi công đi bụi không chỉ vận chuyển hàng hóa đi khắp vùng mà còn đóng vai trò như những người cứu hộ. Họ giúp những người leo núi mắc kẹt từ các sườn núi và tìm kiếm máy bay bị rơi trong các vùng hoang dã.
Họ cũng làm công việc hướng dẫn săn bắn và cung cấp thông tin liên lạc cần thiết cho các cộng đồng nhỏ, bởi nhiều nơi có đường điện khá yếu và không phải lúc nào cũng hoạt động.
Ngày nay, các phi công này vẫn tiếp tục là những người hùng thầm lặng của Alaska. Họ vận chuyển người và hàng hóa, đóng góp cho du lịch, điều hành các sứ mệnh cứu hộ, khảo sát đường dây điện, đưa trẻ em đến trường, đưa phụ nữ mang thai đến bệnh viện để sinh nở an toàn, cùng nhiều trách nhiệm khác.
Nếu không có các phi công, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ sẽ bị hạn chế và thông tin liên lạc giữa các cộng đồng cũng sẽ gặp khó khăn.
Hơn nữa, 402 cộng đồng ở Alaska phụ thuộc vào máy bay để đi lại quanh năm. Vì vậy phần lớn tiểu bang này sẽ bị cô lập và cư dân ở xa các dịch vụ thiết yếu. Ở những vùng nông thôn này, máy bay thường xuyên thay thế cho xe buýt, xe tải, ô tô và xe cứu thương.
Mặc dù phi công là một công việc vinh quang, nhưng nó đi kèm rủi ro cao. Theo thời gian, các quy định đã được đặt ra để nâng cao sự an toàn, như về tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng đường băng.
Các phi công bụi thường phải bay trong vùng trời không được kiểm soát với điều kiện thời tiết thay đổi nhanh chóng, địa hình đồi núi và các bãi hạ cánh có ánh sáng kém. Ngay cả những phi công giàu kinh nghiệm nhất cũng phải đối mặt với những thách thức trong môi trường không khoan nhượng của Alaska.
Theo Cafebiz