Đặt vật nặng lên mặt máy, quên đồ trong túi áo, túi quần… là những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi sử dụng máy giặt.
Đặt vật nặng lên mặt máy giặt
Theo các chuyên gia máy giặt, việc đặt đồ nặng lên trên khiến máy mất cân bằng, lồng giặt dễ bị lệch tâm, gây rung lắc mạnh, ảnh hưởng đến độ bền sản phẩm.
Nếu nhà bạn dùng máy sấy quần áo đặt chồng lên máy giặt, bạn nên mua máy giặt, sấy đồng bộ vì nhà sản xuất sẽ có thể cung cấp các thiết bị đi kèm để gia cố, giúp cố định hai máy lại bằng phụ kiện thích hợp. Nếu hai sản phẩm không đồng bộ, nên sử dụng giá đỡ an toàn, thay vì chồng máy sấy lên máy giặt.
Quên đồ trong quần áo
Chắc chắn ai cũng có lúc quên chìa khóa, đồ nhọn… trong túi áo, túi quần và sau đó, cho thẳng quần áo đó vào máy giặt. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận hành máy, làm xước lồng giặt. Trong trường hợp món đồ rơi khỏi túi áo, lọt vào lồng giặt, chúng có thể làm kẹt lồng giặt, gây cháy máy… Do đó, nên hình thành thói quen kiểm tra mọi túi áo, túi quần trước khi cho quần áo vào máy.
Ngoài ra, bạn nên kéo khóa quần, khóa áo lên và ấn chúng vào chế độ khóa (gập lại), tránh để chúng va đập vào lồng giặt trong quá trình máy chạy. Thao tác này tương tự với đồ lót, đồ có móc khóa hay nhiều dây rợ.
Cắm phích máy giặt vào ổ nối hay phích đa năng
Máy giặt tiêu thụ điện năng lớn hơn so với các thiết bị điện khác trong nhà, do đó, bạn nên cắm trực tiếp phích cắm của máy giặt vào ổ điện độc lập. Không nên sử dụng dây nối hay ô cắm đa năng chịu tải không thích hợp, có thể gây quá tải, chập cháy ổ điện, thậm chí làm ảnh hưởng đến máy giặt.
Sau khi giặt xong, bạn nên rút phích máy giặt để đảm bảo an toàn, nhất là nhà có trẻ em và lồng giặt mở.
Nhồi quá nhiều quần áo vào lồng giặt
Mỗi máy giặt đều có ghi rõ số lượng quần áo có thể giặt trong một mẻ, ví dụ 7 kg, 8 kg, 11 kg… Nếu nhà bạn ít người và bạn không giặt chăn, máy giặt loại 7-8 kg là mức hợp lý. Lưu ý, thông số kỹ thuật của máy ghi là 7 kg tương đương với việc máy có thể giặt tối đa 7 kg quần áo khô. Để máy bền, thông thường, chỉ nên cho tối đa 80% khối lượng giặt tối đa.
Trong trường hợp bạn cho lượng quần áo nhiều hơn mức này, máy sẽ bị quá tải. Nếu bạn để tình trạng này xảy ra thường xuyên, lồng giặt sẽ bị lệch tâm hoặc hỏng trục, khiến máy rung lắc mạnh, không còn thực hiện được chức năng giặt giũ bình thường. Điều này chưa kể đến việc quần áo dễ mắc kẹt trong máy hoặc vắt không được khô, quần áo không sạch…
Sử dụng quá nhiều bột giặt hoặc sai loại bột giặt
Nhiều người có suy nghĩ rằng đổ nhiều bột giặt sẽ giúp quần áo sạch hơn. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm.
Khi bạn đổ nhiều bột giặt hơn mức cần thiết, lượng bột dư thừa tồn đọng trong máy. Độ ẩm sẵn có trong máy khiến bột giặt bị mốc hay thành cặn trong hốc máy, thân lồng, lâu dần gây ảnh hưởng đến chu trình giặt.
Trong trường hợp ngược lại, nếu bạn đổ quá ít bột giặt, quần áo sẽ không sạch. Nên lưu ý rằng các nhà sản xuất luôn có định lượng cụ thể cho các loại bột giặt, viên giặt, nước giặt. Ví dụ, 1 nắp nước giặt có thể giặt một mẻ quần áo 7-8 kg. Do đó, khi đổ bột giặt vào máy, không nên đổ trực tiếp vào khay mà dùng nắp chai hay cốc có trong túi bột giặt/nước giặt để đo định lượng phù hợp trước đã. Cách làm này vừa giúp máy sạch sẽ, không bị lem chất giặt tẩy, còn giúp bạn đo được lượng hợp lý.
Khi chọn loại bột giặt, bạn cũng nên lưu ý bao bì sản phẩm để biết loại bột giặt đó dùng cho máy cửa ngang hay cửa đứng, có nước xả hay chưa… Chọn lựa loại không phù hợp, tạo nhiều bọt quá có thể gây ảnh hưởng đến độ bền của lồng giặt.
Đóng cửa máy giặt sau khi dùng
Nhiều người có thói quen gọn gàng, sau khi giặt đồ xong nhất định đóng nắp máy giặt lại. Đây là việc làm sai, vì sau một chu trình giặt, đáy máy có thể vẫn có một lượng nước nhất định đọng lại. Việc đóng cửa khiến máy giặt không thoát được hơi nước lẫn mùi ẩm mốc, lâu dần làm vành cao su bị mốc, gây mất thẩm mỹ và mất vệ sinh.
Một thói quen khác nhiều người mắc phải là sau khi giặt đồ, bạn không phơi ngay nhưng cũng không mở cửa lồng giặt. Điều này làm quần áo hấp hơi, mất mùi thơm, tích tụ vi khuẩn, trong khi máy giặt ẩm ướt, dễ hư hỏng. Giải pháp tốt nhất là bạn nên mở cửa, bỏ quần áo ra khỏi lồng, cho vào giặt và phơi lúc nào tùy ý.
Làm sạch máy sai cách
Nhiều người cho giấm hoặc kết hợp với tẩy javel… vào lồng giặt để làm vệ sinh, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây là giải pháp không hợp lý nếu dùng thường xuyên, bởi tính axit của giấm có thể ăn mòn kim loại. Trong trường hợp dùng giấm, bạn nên hòa với lượng nước ấm để dung dịch loãng ra rồi bấm chế độ giặt (không tải) để làm sạch máy.
Bạn có thể dùng viên vệ sinh máy giặt để vệ sinh thiết bị định kỳ mỗi tháng. Mỗi lần, bạn cho 2-3 viên vào lồng giặt rồi bấm chu trình giặt dài nhất để máy tự vệ sinh. Sau khi kết thúc chu trình, bạn mở lồng giặt cho thoáng và khô lồng.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)