Để ghi lại kỷ niệm về chuỗi ngày cho con bú, nhiều phụ nữ Mỹ tìm đến dịch vụ biến sữa mẹ thành đá làm trang sức.
Hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của Alma Partida kết thúc vào tháng 6/2021. Cô đã cho con gái là Alessa bú gần 18 tháng, lâu hơn hầu hết các bà mẹ ở Mỹ.
Khi sinh Alessa vào tháng 2/2020, Partida phải đẻ mổ khẩn cấp. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, người phụ nữ 29 tuổi chật vật cho con bú. Đến khi xuất viện, Partida vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi con.
“Đó là một hành trình dài”, Partida, hiện làm nghiên cứu bệnh lý ngôn ngữ ở Watsonville, California, giãi bày.
Muốn làm gì đó để đánh dấu những thử thách mình đã vượt qua, Partida lướt mạng xã hội và tình cờ phát hiện ra một món đồ kỷ niệm lạ lùng: Chiếc dây chuyền mặt đá trắng với thành phần chính là sữa mẹ. Partida quyết định mình phải có một cái.
Đây không phải lần đầu tiên một phần của con người được dùng làm trang sức. Thế kỷ 19, hoa tai và trâm cài áo bằng tóc người rất phổ biến. Những năm gần đây, các nước phương Tây nổi lên dịch vụ chế tác kim cương từ tro cốt.
Để làm chiếc dây chuyền cho bản thân, Partida gửi 10 ml sữa mẹ đến công ty tên Keepsakes by Grace. Khoảng một tháng sau, cô nhận được chiếc dây chuyền mặt hình trái tim màu trắng qua đường bưu điện.
Freda Rosenfeld, chuyên gia tư vấn cai sữa ở Brooklyn cho biết bà hiểu sự thôi thúc của việc ghi lại trải nghiệm cho con bú. “Với nhiều người, cho con bú là quãng thời gian đặc biệt quan trọng nên khi con cai sữa, họ cảm thấy buồn”, Rosenfeld nhận định.
Sarah Castillo, chủ công ty Keepsakes by Grace, cho biết khách hàng của cô thường đặt trang sức kỷ niệm vì trải qua nhiều khó khăn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.
“Họ cũng có thể chưa sẵn sàng cho con cai sữa”, Castillo 25 tuổi sống ở Tucson, Arizona, tiết lộ.
Castillo mở công ty làm trang sức từ sữa mẹ từ tháng 3/2021 sau khi thấy những sản phẩm tương tự trên Instagram. Trải qua nhiều tháng tự thử nghiệm bằng sữa của mình, cô tìm ra công thức biến sữa mẹ thành bột rồi trộn với nhựa thông tạo thành đá. Giá mỗi sản phẩm do Castillo làm ra có giá từ 60 đến 150 USD (khoảng 1,3 đến 3,4 triệu đồng).
“Vốn dĩ trang sức đã chứa đựng nhiều tình cảm. Khi làm từ sữa mẹ, chúng thực sự là một món kỷ niệm”, Castillo nói.
Ann Marie Sharoupim có bằng tiến sĩ dược, hiện sống ở Rutherford, New Jersey. Cô lập công ty Mamma’s Liquid Love chuyên bán hoa tai, dây chuyền, vòng tay, nhẫn làm từ sữa mẹ, giá từ 90 đến 1.500 USD. Năm 2021, mỗi ngày, Sharoupim bán được gần 4.000 sản phẩm.
“Giờ đây, mọi người muốn những món trang sức có ý nghĩa”, Sharoupim 34 tuổi đánh giá.
Sharoupim khuyến cáo khách hàng chăm sóc trang sức làm từ sữa mẹ như ngọc trai, tức là để ở nơi khô ráo và tránh tiếp xúc với hóa chất. Khi nhận được đơn đặt hàng, Sharoupim cũng gửi hướng dẫn vận chuyển sữa mẹ cho khách để nguyên liệu giữ được chất lượng tốt nhất.
Với một số phụ huynh, trang sức làm từ sữa mẹ là cách đối phó với nỗi mất mát.
Rebecca Zuick, nữ sinh viên ngành phát triển phần mềm ở San Antonio mua một chiếc nhẫn làm từ sữa của mình hồi tháng 2/2017 để kết thúc thời kỳ cho con bú đồng thời tưởng nhớ đứa con mất tháng 7/2015 trước khi kịp chào đời.
“Với tôi, trang sức làm từ sữa mẹ giúp lưu giữ ký ức về đứa trẻ tôi không có cơ hội nuôi dưỡng. Bởi sữa mẹ là thứ con được hưởng nếu như con còn sống”, Zuick 31 tuổi trải lòng.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)