‘Tôi đã sai vì tin vào sự ngoại lệ của Texas’

11

 

Trong bài viết đăng trên Washington Post hôm 18/2, cây viết bình luận Karen Attiah đã bàn về khái niệm “chủ nghĩa ngoại lệ Texas”.

Texas, hay còn gọi là Lone Star State (Tạm dịch: Bang Ngôi sao Cô độc), hiện là tiểu bang đông dân thứ hai và có diện tích lớn thứ hai nước Mỹ. Biệt danh Lone Star State phần nào gợi nhớ lịch sử hình thành đặc biệt của bang này.

Vào giữa thế kỷ XIX, Texas từng là một tỉnh rộng lớn của Mexico. Năm 1835, những người Mỹ định cư như Stephen F. Austin hay Sam Houston đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy, chống lại sự cai trị của Mexico và cho ra đời nước Cộng hòa Texas. Đến năm 1846, Texas được sáp nhập và trở thành một tiểu bang của Mỹ.

Một bãi đỗ xe ở thành phố Austin, bang Texas, phủ đầy tuyết trắng. Ảnh: AP.

Đến nay, nhiều người dân vẫn tin vào “chủ nghĩa ngoại lệ Texas”, tức bang Texas hoàn toàn có thể ly khai khỏi hệ thống liên bang Mỹ.

Trong bài viết đăng trên Washington Post hôm 18/2, cây viết bình luận Karen Attiah đã bàn về khái niệm “chủ nghĩa ngoại lệ Texas”, trong bối cảnh toàn bang vừa trải qua đợt giá rét lịch sử và mất điện trên diện rộng. Zing trích dịch bài viết này.

Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô phía nam thành phố Dallas. Dù cha mẹ là những người nhập cư từ Tây Phi, tôi vẫn luôn tin vào chủ nghĩa “ngoại lệ Texas”. Trong những năm trung học, tôi thường tham gia tranh luận về việc Texas có nên ly khai khỏi liên bang hay không.

Tôi nghĩ đây là việc nên làm với lập luận rằng: “Chúng tôi có thể tự xoay xở! Chúng tôi có lưới điện riêng”. Song những gì mới xảy ra ở bang Texas đã chứng tỏ đây là một quan điểm sai lầm.

Trong tuần qua, một cơn bão tuyết kéo đến. Hàng triệu dân ở Texas phải chịu đựng nhiệt độ thấp kỷ lục và tình trạng thiếu điện sinh hoạt. Nhưng những gì thực sự phá hủy bang của chúng tôi là sự vô kỷ luật, sự chia rẽ đảng phái và thất bại ở cấp lãnh đạo.

Người dân ở bang Texas đang trải qua những ngày giá rét kỷ lục. Ảnh: AP.

Theo nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, Ủy ban Ổn định Điện lực bang Texas (ERCOT) đã lên kế hoạch cho việc cắt điện trên diện rộng. Song người dân không hề biết trước thông tin này. Nhiều người ở Dallas đã cố tìm nơi trú ẩn song chỉ tìm thấy những khách sạn kín chỗ hoặc đã mất điện.

Cùng lúc này, đường sá phủ đầy băng tuyết, gây nguy cơ tai nạn chết người. Ở thành phố Fort Worth, người dân được khuyến cáo nên đun sôi nước để sử dụng do nguồn điện, nước đều không còn.

Trong những gia đình có trẻ nhỏ, người già hoặc bệnh nhân Covid-19, bầu không khí tràn ngập sự tức giận và tuyệt vọng. Tại các bệnh viện trên toàn bang, số người nhập viện vì hạ thân nhiệt tăng nhanh chóng mặt.

Ở thành phố Houston, một phụ nữ và một bé gái đã tử vong vì ngộ độc khí carbon monoxide trên xe hơi. Chỉ tính trong tuần trước, bang Texas có hàng chục ca tử vong liên quan đến thời tiết giá lạnh.

Câu hỏi ở đây là: làm sao tình trạng này có thể xảy ra tại bang sản xuất năng lượng lớn nhất nước Mỹ?

Có lẽ, sự vô kỷ luật là một phần nguyên nhân. Từ những năm 2000, các cấp lãnh đạo ở Texas đã loại bỏ nhiều quy định về lưới điện độc lập, khiến các nhà cung cấp năng lượng không có động lực để chuẩn bị cho rủi ro tiềm tàng.

Năm 2011, bang Texas trải qua một đợt rét, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự thời hiện tại. Lúc này, giới chức liên bang đã cảnh báo Texas cần đầu tư vào việc “mùa đông hóa” cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng (tức chuẩn bị khả năng chống chịu mùa đông và thời tiết lạnh cho các hạ tầng này – ND). Song lời khuyên đã không được lắng nghe.

Từ đó đến nay, công tác quản lý điện năng ở Texas không có nhiều bước tiến đáng kể. Giờ đây, giá điện bán buôn ở thành phố Houston tăng phi mã, trong khi 4 triệu hộ dân trên toàn bang vẫn không có điện sinh hoạt (bài viết này đăng tải trên Washington Post ngày 18/2 – ND).

Bên cạnh đó, sự thất bại của các nhà lãnh đạo cũng là nguyên nhân khiến Texas gặp khủng hoảng. Dù thẩm phán Clay Jenkins của hạt Dallas đóng góp tích cực để giải quyết tình hình, một số chính trị gia khác tại Texas lại bận rộn với cuộc chiến đảng phái.

Trong một bài đăng mới xóa trên Facebook, cựu thị trưởng thành phố Colorado, ông Tim Boyd, đã chỉ trích cư dân của mình là những người “lười biếng”, đồng thời yêu cầu họ “dừng khóc và đi tìm sự trợ giúp”.

Một ngày trước khi thông báo tình trạng thảm họa, Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã xuất hiện trên Fox News, khẳng định rằng tình trạng mất điện là bằng chứng cho thấy Thỏa thuận Xanh (Green New Deal) của đảng Dân chủ sẽ không đi đến đâu.

Người dân ở thành phố Houston, bang Texas, xếp hàng mua nhu yếu phẩm. Ảnh: AP.

Ông Abbott tiếp tục đổ lỗi rằng các tuabin gió đóng băng, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng. Song năng lượng gió thực chất chỉ chiếm khoảng 10% nguồn cung cấp điện vào mùa đông tại bang Texas.

Đáng chú ý, cựu Thống đốc bang kiêm cựu Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry là người nhiệt tình ủng hộ chủ nghĩa “ngoại lệ Texas”. Ông tuyên bố: “Người dân Texas sẽ không dùng điện trong hơn 3 ngày để ngăn chính phủ liên bang can thiệp”.

Và đó là những điều đáng buồn trong thời điểm này. Có thể thấy, chủ nghĩa cá nhân đang đặt gánh nặng lên những người dân Texas dễ bị tổn thương. Họ cần đoàn kết để vượt qua những cuộc khủng hoảng do chính hệ thống lãnh đạo tiểu bang gây ra.

Khi viết bài này, tôi vẫn chưa biết khi nào căn hộ của tôi có điện trở lại. Trong khi đó, những người bạn của tôi ở châu Phi, với kinh nghiệm về các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và giảm tải tiện ích, đang gửi cho tôi một vài giải pháp về cách quản lý.

Chủ nghĩa ngoại lệ Texas? Tôi yêu quê hương mình, nhưng đã đến lúc khái niệm hoang đường này bị chôn vùi.

SHARE