6 xu hướng kinh tế đáng theo dõi năm 2022

15

 

Lạm phát năm tới sẽ ra sao? Còn cuộc chiến giữa các chính phủ với Big Tech, các ngân hàng trung ương với tiền số liệu sẽ đi đến đâu?

Nếu 2021 là thời điểm thế giới lật ngược tình thế để chống lại đại dịch, năm 2022 sẽ bị chi phối bởi việc nhu cầu được điều chỉnh theo thực tế mới. Đó là nỗi lo lạm phát, xu hướng của thị trường tiền số, và các lĩnh vực được định hình lại bởi cuộc khủng hoảng do đại dịch như môi trường làm việc, tương lai của du lịch.

Dưới đây là những xu hướng đáng được theo dõi trong lĩnh vực kinh tế năm 2022, do The Economist bình chọn.

Nỗi lo lạm phát

Một gian hàng bán trái cây ở Anh. Ảnh: Reuters

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu năng lượng tăng đột biến đã đẩy giá cả lên cao trong năm qua. Các lãnh đạo ngân hàng trung ương nói rằng đây chỉ là tình huống tạm thời, nhưng không phải ai cũng tin vào điều đó. Nước Anh có nguy cơ đặc biệt cao về lạm phát đi kèm tăng trưởng chậm (stagflation), do tình trạng thiếu lao động hậu Brexit và sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên đắt đỏ.

Tương lai của công việc

Giới quan sát có sự đồng thuận rộng rãi rằng tương lai của việc làm là mô hình hỗn hợp (Hybrid Work), và rằng nhiều người sẽ dành nhiều ngày hơn để làm việc tại nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất đồng về chi tiết của phương thức này. Người lao động cần đến văn phòng/ở nhà bao nhiêu ngày? Đó là những ngày nào? Phương thức làm việc này liệu sẽ công bằng?

Các cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ ít muốn quay trở lại văn phòng. Vì vậy, họ có nguy cơ bị mất cơ hội thăng chức. Các cuộc tranh luận cũng diễn ra xung quanh quy định về thuế và giám sát nhân viên làm việc từ xa.

Cuộc chiến với giới công nghệ

Các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu đã cố gắng kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa tác động đáng kể lên tăng trưởng hoặc lợi nhuận của họ.

Trong vấn đề này, Trung Quốc lại đi tiên phong khi triển khai các biện pháp siết chặt quản lý một cách quyết liệt. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn họ tập trung vào “công nghệ sâu” mang lại lợi thế địa chiến lược, chứ không phải những thứ như trò chơi và mua sắm. Nhưng điều này liệu có thúc đẩy sự đổi mới của Trung Quốc hay ngược lại – kìm hãm sự năng động của ngành công nghệ?

Bước trưởng thành của tiền số

Các đồng xu mô phỏng Bitcoin, Dash, Ethereum, Ripple và Litecoin. Ảnh: Reuters

Giống như tất cả các công nghệ đột phá, tiền kỹ thuật số đang được “thuần hóa” khi các cơ quan quản lý thắt chặt quy định. Các ngân hàng trung ương cũng đang tìm cách tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ.

Kết quả là sẽ có một cuộc chiến 3 bên trong tương lai ngành tài chính. Đó là người hâm mộ tiền số – Blockchain – Tài chính phi tập trung (DeFi); các công ty công nghệ truyền thống hơn; và ngân hàng trung ương. Cuộc chiến này dự kiến khốc liệt hơn trong năm 2022.

Rắc rối trong đi lại

Hoạt động kinh tế – xã hội đang tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các quốc gia theo đuổi chiến lược “zero Covid” như Australia và New Zealand phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Đó là chuyển sang chính sách kiểm soát đi lại khi đại dịch biến thành một loại bệnh đặc hữu.

Trong khi đó, giới phân tích dự báo có một nửa số chuyến công tác biến mất. Điều này thân thiện với môi trường, nhưng không tốt cho ngành lữ hành, du lịch, vốn có nguồn thu lớn từ các khách đi công tác được chi trả ngân sách cao.

Cuộc đua vào không gian

2022 sẽ là năm đầu tiên nhiều người lên vũ trụ với tư cách là hành khách trả tiền hơn là nhân viên chính phủ, nhờ các công ty du lịch vũ trụ tham gia kinh doanh. Trung Quốc sẽ hoàn thành trạm vũ trụ mới của mình. Các nhà làm phim thì đang cạnh tranh để làm phim ở chế độ zero-G, tức môi trường không trọng lực. Còn NASA dự định phóng tàu thăm dò vào một tiểu hành tinh, trong một sứ mệnh không khác nào phim Hollywood.

Phiên An (theo The Economist)

SHARE