Những đứa trẻ mắc kẹt khi bố mẹ ly hôn

36

 

Năm năm sau ngày bố mẹ chia tay, Thanh Hương viết trong nhật ký “con không biết nghiêng về phía nào cho phải. Về phía mẹ thì ba giận dữ, về phía ba, nước mắt mẹ lưng tròng”.

Thanh Hương, 12 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, là cô bé ngoan ngoãn, học giỏi. Chỉ có điều, em ít nói, thích ngồi một mình.

Gần đây, mẹ Hương, chị Mai Thanh, phải đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý vì thấy con không tập trung học và rất dễ khóc. Khi được hỏi chuyện, cô bé kể, cuối tuần được đón sang nhà bố em thường xuyên phải nghe lời chì chiết của bà nội: “Làm gì thì làm, đừng khốn nạn như mẹ mày”. Rồi bố liên tiếp hỏi dạo này mẹ có gặp gỡ ai không? Nếu sau này mẹ lấy chồng về sống với bố không?…

Bố mẹ ly hôn, trẻ sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ảnh minh họa: New York Times.

Vợ chồng chị Mai Thanh chia tay năm con gái mới 7 tuổi, sau chuỗi dài những trận cãi vã, chửi bới, thượng cẳng chân hạ cẳng tay…. Để giành quyền nuôi con, Thanh từng dọa tự tử nên chồng đành giao con gái duy nhất cho vợ. Sau ly hôn, Thanh không hợp tác trong việc thăm nom nên hai cha con mất liên lạc thời gian dài.

Nhớ con, chồng chị luôn tìm cách được gặp. Nhiều lần, trong giờ ra chơi ở trường, Hương lại được gọi đến văn phòng trường gặp bố. Vài lần, người đàn ông này gửi đơn kiện lên tòa Thanh mới nới lỏng cho bố con gặp nhau. Kể từ đó cô bé thường xuyên nghe những lời chỉ trích mẹ từ bố và bà nội.

Với nhiều phụ nữ như Mai Thanh, ly hôn là giải pháp cuối cùng để chấm dứt quan hệ gia đình khi không còn hạnh phúc. Ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, tương đương 0,75 vụ trong mỗi 1.000 dân, có nghĩa cứ bốn đôi đăng ký kết hôn có một đôi ra tòa, theo Tổng cục thống kê năm 2019. Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2009, từ 1,4% lên 2,1%, trong đó 70% vụ do phụ nữ nộp đơn.

“Hậu ly hôn, bố mẹ có thể có nhiều bạn đời mới, nhưng con mãi chỉ có một người cha và một người mẹ. Đó chắc chắn là sự thiếu hụt lớn trong cuộc đời đứa trẻ sau này”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết.

Hai nhà tâm lý Joan B.Kelly ở Corte Madera (California, Mỹ) và Robert E. Emery, trường Đại học Virginia, trong một bài báo đã kết luận, những người lớn lên trong cảnh cha mẹ ly hôn, có xu hướng gặp khó khăn với các mối quan hệ, khó thân thiết với người khác khi còn trẻ, dễ thất vọng với hôn nhân, tỷ lệ ly hôn cao hơn và ít gần gũi với cha mẹ hơn. Trong cuốn “How to tell the kids” (Nói với con về ly hôn) của tác giả Vikki Stark, xuất bản năm 2015 khẳng định: “Ly hôn không phải nguyên nhân chính khiến trẻ bị tổn thương nhiều nhất mà là xung đột giữa cha và mẹ trong thời gian dài”.

Tuấn Anh, 13 tuổi, sống ở quận Tây Hồ, từng là nạn nhân của xung đột giữa cha mẹ hậu ly hôn. Bảy năm trước, bố cậu hùn vốn làm ăn và say nắng với người phụ nữ khác. Để giành quyền chủ động ly hôn, ông bố dùng sim rác, giả làm người đàn ông khác nhắn tin tán tỉnh vợ sau đó dựng kịch bản bắt quả tang. Họ chia tay trong sự ghen tuông của người chồng và sự ấm ức vì oan uổng của người vợ.

Điều khiến người mẹ đau lòng nhất chính là không giữ được quyền nuôi con vì người bố cho rằng cô “hư hỏng, không đủ tư cách nuôi dạy con”. Mẹ Tuấn Anh cũng chỉ là thợ may, kinh tế kém hơn chồng nên không thể theo đuổi kiện cáo đòi con.

Dù đã giành con trai từ vợ cũ nhưng bố Tuấn Anh không hề yêu quý con, thường xuyên đánh mắng, đặc biệt sau khi ông đón con riêng của người tình về nuôi và có con chung sau một năm chung sống. Ông cũng ngăn cản vợ cũ đến gặp con, nên dù thương nhớ, người mẹ chỉ có thể đứng nhìn con từ xa. Thậm chí, để vợ cũ không thể tìm con ở trường, người bố còn sẵn sàng chuyển con hết trường này qua trường khác.

Ở nhà, Tuấn Anh thường bị bố đánh tím mông, có lúc cậu bị bắt bê cơm nguội ngồi cạnh cửa ăn như trẻ ăn mày. Bị bố ngược đãi, bị tước đoạt quyền gặp mẹ nên lúc nào cậu cũng ngơ ngác, buồn rầu, không lanh lợi, tươi cười như bạn bè cùng tuổi.

Dù không yêu con, nhưng khi ra toà phân xử, đòi lại quyền nuôi con, ông bố vẫn hăng hái thuê hai luật sư cãi cho mình. Người này còn dọa nếu vợ cũ tiếp tục đòi con, anh ta sẽ hành hạ đứa bé nhiều hơn. Giằng co nhiều lần, cuối cùng người vợ bỏ cuộc vì không muốn làm tổn thương đứa trẻ. Sau này chính ông nội vì không chấp nhận nổi việc làm của con trai, đã thuê luật sư cho con dâu cũ đòi con.

Nhiều trẻ trở thành công cụ trút giận của bố mẹ hậu ly hôn, do sự thù địch và căng thẳng nảy sinh khi một trong hai phía gán lỗi cho nửa kia. Ảnh minh họa: Straitstimes.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty luật quốc tế Hồng Thái), người tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho mẹ Tuấn Anh chia sẻ, với một đứa trẻ, không gì đau khổ hơn khi buộc tin rằng cha (hoặc mẹ) chúng là người không tốt, nhất là lại khẳng định từ phía người còn lại.

“Mối quan hệ của cha mẹ là hình mẫu đầu tiên của trẻ về tình yêu, lòng tốt và sự tôn trọng. Khi trẻ mất lòng tin về giá trị, chúng sẽ hành xử không tốt giống như cách cha mẹ đối xử với nhau. Điều này cũng khiến trẻ sợ yêu và sợ kết hôn. Nó cũng làm mất đi lòng tin của trẻ về sự tôn trọng, đặc biệt là với cha mẹ”, luật sư Thái khẳng định.

Một khía cạnh khác, sau ly hôn hoặc cha mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con tôi”, dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái như bỏ mặc, ngược đãi. Hành động này sẽ tác động sâu sắc lên nhận thức non nớt của trẻ, gây ra những bất hòa, tổn thương tâm lý, thậm chí cả tính mạng.

Vụ bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP HCM gần đây bị bạn gái của bố đánh đến chết đã khiến dư luận rúng động vì sự tàn ác, vô cảm không chỉ của thủ phạm mà ngay bố đẻ nạn nhân. Cách đây một năm, bé gái N.N.M.M, sinh năm 2017, ở Hà Nội, qua đời sau khi bị mẹ và cha dượng đánh đập, bạo hành liên tục trong hai ngày. Tháng 2/2021, bé gái N.H.B., 12 tuổi, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội cũng bị mẹ đẻ bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục gây xôn xao dư luận.

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho rằng, việc thường xuyên phải hứng chịu sự thù hằn, ghét bỏ nhau của bố mẹ hoặc bị bạo hành về tinh thần cũng như thể xác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách, tâm lý và sự phát triển của trẻ. Nhiều khả năng trẻ sẽ xuất hiện các vấn đề về sức khoẻ và tâm lý như tự ti, rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm.

Với luật sư Hoàng Thái, sau ly hôn, cha mẹ có thể làm một số việc để giảm thiểu tác động tới con cái. Ví dụ nhắc nhở trẻ, cha mẹ sẽ luôn yêu thương con, dù không còn ở bên nhau. Cố gắng duy trì cuộc sống bình thường cho trẻ. Sau khi ly hôn, không được tước quyền thăm nom của bên kia, mà hợp tác hết mức có thể.

“Không được phép để con tham gia vào cuộc đấu tố của đôi bên. Không nói xấu đối phương, tranh luận vấn đề nuôi dạy trước mặt trẻ”, luật sư Thái khẳng định. Nếu một bên tái hôn, đừng đặt ra quá nhiều yêu cầu và ép trẻ làm những việc chúng không muốn, chẳng hạn như gọi bạn đời mới là “bố” hoặc “mẹ”.

“Chẳng gia đình nào tan vỡ khi bạn vẫn nhận được tình yêu thương của bố mẹ”, đây là bức tranh thứ 16 trong 20 bức tranh do Azka Corbuzier, 9 tuổi, người Indonesia vẽ về cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ mình.

Cách đây hai năm, cậu bé Azka Corbuzier, 9 tuổi, người Indonesia, đã vẽ 20 bức tranh mô tả lại quá trình ly hôn của cha mẹ, nổi tiếng khắp thế giới. Thay vì tâm trạng u tối, màu sắc, hình vẽ, lời tựa tràn đầy màu sắc và sự vui vẻ.

Trong bức ảnh thứ 15, 16, cậu bé viết: “Khi mọi người hỏi cháu muốn bố mẹ quay lại với nhau không, cháu nói: Không. Cháu chỉ muốn tất cả đều hạnh phúc. Không có gia đình nào tan vỡ nếu cháu vẫn có được tình yêu của cả bố và mẹ như trước”.

Hải Hiền

SHARE