Cáo buộc “uy hiếp trạm không gian” Trung Quốc tung ra với vệ tinh SpaceX phản ánh nguy cơ va chạm từ cuộc đua vũ trụ ngày càng khốc liệt.
Năm 2021 đầy khó khăn của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk ở Trung Quốc chuẩn bị kết thúc bằng một nốt trầm khác. Vệ tinh SpaceX của Musk đang trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận nước này, sau khi Bắc Kinh phàn nàn rằng hai vệ tinh của tỷ phú Mỹ từng uy hiếp an toàn các phi hành gia trong trạm không gian Trung Quốc.
Trong báo cáo hồi đầu tháng gửi tới Văn phòng các Vấn đề Ngoài vũ trụ của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc cho rằng vệ tinh SpaceX đã hai lần bay quá gần trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này trong năm nay, buộc trạm phải chuyển hướng để tránh va chạm.
“Hai lần chạm trán ở khoảng cách gần đe dọa tính mạng và sức khỏe của các phi hành gia trên trạm vũ trụ Trung Quốc”, báo cáo cho biết, thêm rằng các sự cố xảy ra vào tháng 7 và tháng 10. Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc nhưng sự việc không gây chú ý cho tới tuần này, khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt lên tiếng.
Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 27/12 dẫn lời một chuyên gia nhận định rằng SpaceX có thể đang muốn “thử năng lực cũng như khả năng phản ứng trong không gian của” Bắc Kinh.
Bài viết thu hút khoảng 90 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo với hàng nghìn bình luận chỉ trích các vệ tinh Mỹ, cho rằng Washington đang “khuấy động rắc rối”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/12 kêu gọi Mỹ “lập tức có biện pháp ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn”. “Mỹ đang có tiêu chuẩn kép khi đặt ra khái niệm ‘ứng xử có trách nhiệm trong không gian vũ trụ’ nhưng lại phớt lờ nghĩa vụ của mình theo các hiệp ước quốc tế và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và an toàn của các phi hành gia”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.
Những vệ tinh hứng chỉ trích của dư luận Trung Quốc nằm trong Starlink, dự án đầy tham vọng của Musk nhằm phủ Internet tốc độ cao trên toàn hành tinh. Mạng lưới Starlink của SpaceX hiện có khoảng 2.000 vệ tinh, nhưng sẽ nhanh chóng mở rộng khi SpaceX phóng thêm nhiều vệ tinh hơn và mở rộng dịch vụ của mình sang các quốc gia mới ngoài Mỹ.
Nhưng số vệ tinh này, cùng các dự án tương tự khác và hoạt động ngày càng tăng của chính phủ các nước trong không gian đang đặt ra một vấn đề cấp bách: Làm thế nào để quản lý giao thông ngoài vũ trụ.
Các vụ vật thể suýt va chạm trong không gian thường xuyên xảy ra. Hai lần “chạm trán gần” giữa vệ tinh SpaceX với trạm vũ trụ Trung Quốc dường như chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm: Thế giới hiện chưa có một giải pháp hiệu quả để theo dõi và điều phối các vật thể trong không gian.
Nga và Trung Quốc còn được cho là đã tiến hành nhiều vụ thử vũ khí chống vệ tinh, hay còn gọi là ASAT, phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo và tạo ra vô số mảnh vỡ trong không gian. Những mảnh vỡ này lơ lửng vô định, đe dọa bất kỳ tàu vũ trụ, trạm không gian hay vệ tinh nào có thể xuất hiện trên đường đi của nó.
Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) những năm gần đây không ít lần phải chuyển hướng để né các mảnh vỡ do vụ thử nghiệm ASAT năm 2007 của Trung Quốc tạo ra.
“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên không gian bận rộn hơn nhiều”, ông nói.
“Rủi ro lớn nhất với hàng nghìn vệ tinh mới là chúng có thể va chạm, tạo ra nhiều mảnh vỡ di chuyển nhanh hơn, sau đó mảnh vỡ có thể va chạm với vệ tinh khác. Hiện chỉ có khoảng 3.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo. Với hàng chục nghìn vệ tinh mới được phóng lên trong tương lai, va chạm rõ ràng sẽ dễ xảy ra hơn”, Samantha Lawler, phó giáo sư thiên văn học tại Trường Campion thuộc Đại học Regina, Canada, cho hay.
Kịch bản này được gọi là hội chứng Kessler, đặt theo tên nhà khoa học NASA Donald J. Kessler. Vào năm 1978, ông đã đặt ra giả thuyết rằng không gian ngoài Trái Đất trở nên đông đúc đến mức nguy cơ va chạm giữa các vật thể rất dễ xảy ra, tạo ra hàng loạt mảnh vỡ, tiếp tục làm gia tăng nguy cơ sự cố.
Tháng 10 năm ngoái, một vệ tinh “chết” của Liên Xô suýt va chạm với một thân tên lửa bị loại bỏ của Trung Quốc. Nếu va chạm, chúng có thể tạo ra vụ nổ mạnh ngang 14 tấn thuốc nổ TNT, theo McDowell.
Gần đây hơn, vào ngày 15/11, 7 phi hành gia và nhà du hành trên ISS đã buộc phải trú ẩn trong tàu vũ trụ vận tải của họ sau khi Nga thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh, tạo ra một cụm mảnh vỡ trên quỹ đạo thấp của Trái Đất.
NASA đã phải hủy một chuyến đi bộ ngoài không gian vào ngày 30/11, sau khi nhận được thông báo rằng những mảnh vỡ đó có thể đe dọa phi hành gia bên ngoài ISS.
“Chúng tôi đã phải thay đổi quỹ đạo một số vệ tinh Starlink nhằm giảm xác suất va chạm. Không tuyệt vời, nhưng cũng không quá khủng khiếp”, Musk lúc bấy giờ tweet.
Công ty cho biết các vệ tinh Starlink được thiết kế để có thể tự hạ quỹ đạo và bốc cháy trong khí quyển Trái Đất nếu hệ thống đẩy bị lỗi, song quá trình phát triển cơ chế này có thể mất tới 5 năm, theo trang web của SpaceX.
Vì các vệ tinh này không thể tự điều hướng, nguy cơ va chạm sẽ tăng lên. Một quỹ đạo đông đúc như vậy “sẽ khiến việc triển khai các nhiệm vụ không gian trở nên khó khăn hơn khi bạn phải tìm một khoảng không an toàn, không có nguy cơ va chạm vệ tinh trong quá trình phóng lên quỹ đạo”, McDowell nói.
Các nhà thiên văn học cũng lo ngại hệ số phản xạ cao của vệ tinh có thể khiến bầu trời toàn ánh sáng nhân tạo, cản trở hoạt động quan sát những vì sao.
“Nghiên cứu thiên văn phụ thuộc vào hoạt động chụp ảnh phơi sáng trong thời gian dài để khám phá các vật thể mờ nhạt, như những thiên hà xa xôi hoặc các tiểu hành tinh. Nếu một loạt vệ tinh sáng rực bay qua trong quá trình này, kết quả sẽ bị hủy hoại”, Lawler giải thích. Musk và công ty SpaceX chưa bình luận về thông tin.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Hindustan Times)