Elon Musk – người gây ảnh hưởng trong và ‘ngoài hành tinh’

11

 

Từng bị coi là kẻ lập dị bên bờ thất bại, Elon Musk giờ đây được Time bình chọn là Nhân vật của năm, với kế hoạch đưa nhân loại rời Trái Đất.

Elon Musk sinh ra tại Nam Phi vào ngày 28/6/1971, có mẹ là chuyên gia dinh dưỡng và cha là kỹ sư. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Rolling Stone, Musk hồi tưởng về thời thơ ấu hầu như vắng bóng cha mẹ và dành phần lớn thời gian rảnh để đọc sách và mày mò nghiên cứu.

“Tôi không hẳn là có vú nuôi hay người nào chăm nom, mà chỉ có một quản gia để đảm bảo tôi không làm đổ vỡ gì. Bà ấy không để ý đến tôi. Tôi đọc sách, chế tạo vật liệu nổ, tên lửa và làm những thứ có thể khiến mình mất mạng. Tôi được nuôi dưỡng nhờ sách. Sách, rồi mới đến cha mẹ tôi”, Musk chia sẻ.

Thần tượng thuở nhỏ của Musk là isacc Asimov, một giáo sư hóa sinh và là tác giả của những tác phẩm khoa học viễn tưởng, tạo nên nguồn cảm hứng đối với chủ nghĩa tương lai, trong khi công việc kỹ sư của cha giúp bồi đắp khả năng thiết kế cho Musk.

Năm 17 tuổi, Musk chuyển tới Canada để học về vật lý và kinh tế, trước khi tới Mỹ năm 1992 để học cao hơn, tự trang trải học phí bằng học bổng, các khoản vay và hai công việc làm thêm. 5 năm sau, Musk tốt nghiệp Đại học Pennsylvania của Mỹ với hai bằng cử nhân kinh tế và cử nhân vật lý.

Sau khi tốt nghiệp, Musk chuyển sang chương trình tiến sĩ tại Đại học Stanford danh giá, nhưng quyết định từ bỏ chỉ hai ngày sau khi chương trình bắt đầu, nhằm theo đuổi các kế hoạch kinh doanh.

Dự án khởi nghiệp đầu tiên của Musk là Zip2, công ty cung cấp phần mềm cho các tờ báo, do Musk cùng anh trai và một người bạn sáng lập. Zip2 cuối cùng đã thành công, nhưng mất nhiều thời gian để vươn lên. Musk từng bị rắc rối tài chính bủa vây, phải ngủ trên sofa trong văn phòng và sử dụng phòng tắm công cộng tại Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc giáo địa phương.

Zip2 được bán với giá 307 triệu USD vào năm 1999, khi Musk 27 tuổi, giúp ông thu về 22 triệu USD nhờ 7% cổ phần trong công ty. “Khởi nghiệp không phải con đường dành cho tất cả mọi người. Đầu tiên, bạn phải có sức chịu đựng lớn”, Musk cho hay.

Elon Musk trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ, hồi tháng 1/2020. Ảnh: AP.

Musk dành phần lớn số tiền từ thương vụ này để cùng Harris Fricker, Ed Ho và Christopher Payne thành lập công ty dịch vụ tài chính X.com, một trong những ngân hàng trực tuyến đầu tiên trên thế giới. Năm 2000, X.com được sáp nhập với Confinity, một công ty phần mềm tại Thung lũng Silicon, và đổi tên thành PayPal. Năm 2002, eBay mua lại PayPal với giá 1,5 tỷ USD.

Hàng triệu USD vừa kiếm được từ thỏa thuận này có thể giúp Musk dễ dàng lựa chọn nghỉ hưu. Nhưng thay vào đó, ông quyết định đầu tư gần như toàn bộ tiền vào hai dự án lớn là Tesla và SpaceX.

Tháng 7/2003, Musk cùng hai người khác thành lập Tesla, công ty sản xuất xe điện và năng lượng sạch, sau đó đầu tư 6,5 triệu USD vào dự án, trở thành cổ đông lớn nhất và chủ tịch của Tesla. Năm 2008, ông bắt đầu đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành, một năm trước khi Tesla sản xuất mẫu xe điện đầu tiên.

Công ty không gian SpaceX được Musk thành lập dưới sự hỗ trợ từ kỹ sư tên lửa Tom Mueller, với mục tiêu cách mạng hóa hoạt động du hành vào vũ trụ, cuối cùng là đưa nhân loại đến sinh sống ở các hành tinh khác.

“Tôi thu được 180 triệu USD từ thương vụ mua lại PayPal. 100 triệu USD tôi dành cho SpaceX và 70 triệu USD cho Tesla. Tôi từng phải vay tiền để thuê nhà”, Musk kể lại.

Nhưng đó có vẻ là thời kỳ tồi tệ với Musk, khi SpaceX hứng chịu ba vụ phóng tên lửa thất bại và chi phí tăng cao đe dọa Tesla. Các công ty của ông đạt được nhiều thành tựu kỹ thuật mang tính đột phá và những sáng kiến mới, nhưng liên tục chậm tiến độ và hứng chịu những khoản lỗ lớn.

Một số người khi đó chỉ trích Musk là “lập dị” và hoài nghi năng lực của ông trong điều hành công ty niêm yết trên sàn chứng khoán như Tesla.

Đến năm 2010, SpaceX mới trở thành công ty thương mại đầu tiên đưa được tàu vũ trụ vào quỹ đạo và quay về Trái Đất an toàn.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, Musk tiết lộ rằng ông đã làm việc điên cuồng tới 120 giờ mỗi tuần, đến mức bạn bè phải bày tỏ lo ngại về sức khỏe của ông. “Năm vừa qua là quãng thời gian khó khăn và đau đớn nhất trong sự nghiệp của tôi”, Musk nói lúc đó. “Thực sự kiệt quệ”.

Trong cuộc phỏng vấn, Musk có những lúc dừng lại vì quá xúc động, khi kể rằng ông đã dành trọn cả ngày sinh nhật năm 2017 chỉ để làm việc. “Tôi làm việc cả đêm hôm đó, không bạn bè, không gì cả”, ông cho biết.

Musk cho hay khi không phải làm việc, ông đã phải dùng đến thuốc Ambien để có thể chìm vào giấc ngủ. “Hoặc là không ngủ, hoặc Ambien, chỉ một trong hai lựa chọn”, ông nói.

Tuy nhiên, những ngày làm việc điên cuồng của Musk đã được đền đáp. Hồi tháng 9, SpaceX thực hiện thành công hành trình đưa phi hành đoàn dân sự đầu tiên lên quỹ đạo trên con tàu Crew Dragon. Cùng lúc đó, Tesla Model 3 trở thành mẫu xe điện đầu tiên bán được một triệu chiếc trên toàn cầu, lợi nhuận hàng quý của công ty cũng lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD. Giá trị của Tesla hiện cao hơn cả General Motors và Ford cộng lại, giúp tái định hình thị trường xe điện và xe tự lái.

Hồi tháng 1, Musk lần đầu tiên vượt qua ông chủ Amazon Jeff Bezos để nắm vị trí người giàu nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 10, Musk trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu 300 tỷ USD, giàu gấp đôi Bill Gates, Mark Zuckerberg, hai nhà đồng sáng lập Goolge Larry Page và Sergey Brin, theo Bloomberg Billionaires Index.

Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ và tầm ảnh hưởng toàn cầu, Musk được đánh giá luôn nỗ lực vươn đến những điều lớn lao hơn. Ông vẫn tập trung cao độ vào tầm nhìn của SpaceX là thiết lập cuộc sống bền vững cho con người trên Sao Hỏa.

“Bạn muốn thức giấc mỗi sáng và nghĩ rằng tương lai sẽ rất tuyệt vời. Nền văn minh du hành vũ trụ xoay quanh điều này. Đó là sự tin tưởng vào tương lai và nghĩ rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn quá khứ. Tôi không thể nghĩ tới bất cứ điều gì phấn khích hơn ra ngoài vũ trụ kia và đứng giữa những vì sao”, Musk từng nói.

Tuy nhiên, Musk cũng là người gây nhiều tranh cãi, thường bị chỉ trích vì hành động tùy hứng và phát ngôn bất cẩn. Năm 2018, ông bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) kiện vì dòng tweet gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư, sau đó chấp nhận rời chức chủ tịch Tesla và nộp phạt 20 triệu USD.

Musk còn có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tiền số. Trong năm qua, các nội dung trên tài khoản Twitter của ông về chủ đề này luôn khiến thị trường biến động, khiến ông bị các nhà đầu tư tiền số cáo buộc “thao túng” thị trường và dần không còn tin tưởng vào những tweet của ông.

Bất chấp những ý kiến trái chiều, tạp chí Time hôm 13/12 công bố Musk là Nhân vật của năm. Đây là danh hiệu hàng năm được Time lựa chọn gần một thế kỷ qua, dành cho cá nhân hoặc nhóm, phong trào, ý tưởng đóng vai trò định hình thế giới, dù tích cực hay tiêu cực.

“Nhân vật của năm là người ghi dấu ảnh hưởng, trong khi hiếm có cá nhân nào sở hữu tầm ảnh hưởng lớn hơn Musk đối với sự sống trên Trái Đất, và có thể cả ngoài Trái Đất. Trong năm 2021, Musk không chỉ là người giàu nhất thế giới, mà có thể còn là ví dụ rõ nét nhất về sự chuyển dịch trong xã hội của chúng ta”, tổng biên tập tạp chí Time Edward Felsenthal giải thích.

Theo Felsenthal, “Musk coi sứ mệnh của mình là giải quyết những thách thức toàn cầu khó khăn nhất”, đồng thời tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành công nghiệp trong suốt hai thập kỷ. Chúng bao gồm ngành ôtô động cơ đốt trong, từng là thành tựu chủ chốt của Mỹ, và du hành vũ trụ, từng là khát vọng cốt lõi của Mỹ.

Cùng với đó, tỷ phú giàu nhất thế giới còn tạo dấu ấn mạnh mẽ trong một loạt lĩnh vực đại diện cho hiện tại và tương lai của chúng ta, như xây dựng cơ sở hạ tầng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thần kinh, hệ thống thanh toán và tiền điện tử.

“Chúng ta vẫn chưa rõ Tesla, SpaceX và các dự án Musk chưa nghĩ tới sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào. Nhưng ở tuổi 50, Musk còn nhiều thời gian để viết nên tương lai, của bản thân ông ấy và cả chúng ta. Dù muốn hay không, chúng ta đều đang sống trong thế giới của Musk”, Felsenthal nêu ý kiến.

Ánh Ngọc (Theo CEO Today, Time)

SHARE