Ngành nail ngày càng ‘khó ăn,’ nhưng còn nhiều cơ hội

10

 

Kinh tế khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, luật lệ khe khắt, các cơ quan California Board of Barbering, Cosmetology và IRS thường xuyên đến thanh tra kiểm toán và thẳng tay phạt vạ, là một số lý do khiến ngành nail, nghề kiếm tiền dễ dàng của nhiều người Việt, ngày càng trở nên “khó ăn.”

“Hồi đó mở tiệm đúng địa điểm thì chỉ cần vài năm đông khách là làm giàu. Bây giờ thì không có đâu, mong đủ ăn là may rồi.” Bà Sharon Ng., chủ tiệm Long Beach Unique Nail ca thán.

Tâm sự của bà Sharon có lẽ là tâm trạng chung của giới chủ tiệm nail người Việt trên đất Mỹ. Nhiều người trong vài năm vừa qua hoặc đã đóng cửa tiệm, bỏ nghề, hay trở lại làm thợ.

Phải nhìn những con số thống kê mới thấy giật mình.

Tài liệu của trang mạng Statista cho thấy số tiệm nail trên toàn nước Mỹ giảm từ 129,682 năm 2015 xuống còn 69,738 tiệm trong năm 2016, tụt xuống 47%, tức cứ mỗi hai tiệm nail thì có một tiệm đóng cửa.

Hiện tượng này khiến nhiều người không khỏi đưa ra những nhận định rất bi quan như “ngành nail đang bước vào buổi hoàng hôn”, hay làm nail “không còn dễ ăn nữa.”

Thực tế không đến nỗi quá bi quan.  Vẫn theo trang mạng Statista, tuy số tiệm giảm hẳn đi, ngành nail vẫn có doanh thu khoảng 8.5 tỷ mỗi năm. Điều này cho thấy khách hàng tiếp tục có nhu cầu và sẵn sàng bỏ tiền ra để nhờ chuyên viên săn sóc móng. Mặt khác, giá làm móng bột từ trung bình $40 một bộ cách đây hai chục năm, giờ vẫn nằm yên ở giá đó, trong khi tiền mướn nhà, tiền điện, tiền bảo hiểm tất cả đều tăng.

Doanh thu hàng năm của các tiệm nails trên toàn nước Mỹ theo trang mạng Statista. (Hình: Người Việt)

Như vậy thì hoàng hôn hay bình minh đang chờ những chủ tiệm làm nail người Việt?

Muốn trả lời câu hỏi này, có lẽ phải hiểu tiến trình ngành nail tại Mỹ, vai trò và cách sinh hoạt hiện nay của giới làm nail người Việt trong ngành này.

Trước thập niên 1980s, nước Mỹ hầu như không có nail salon, mà dịch vụ săn sóc móng được cung cấp ở những thẩm mỹ viện, nơi khách hàng đến để làm móng bột và móng bằng gel. Nhu cầu luôn luôn phải đắp thêm bột cho móng khiến khách hàng trung thành với những người thợ quen với bàn tay của mình. Thưở ấy, chủ các thẩm mỹ viện quý người thợ nail như vàng, vì họ là cái cần câu khách: khi phải trở lại chờ làm móng, khách thường hứng lên tiêu tiền vào những dịch vụ khác như cắt, uốn tóc, làm facial, xe da mặt, nhổ lông mày, những thứ họ không cần thường xuyên phải có.

Vào cuối thập niên 1980s đầu thập niên 1990s khi làn sóng người Việt người ào ào đến Mỹ và đổ xô đi tìm một nghề dễ kiếm tiền, chỉ học vài tháng là có bằng, không cần phải rành tiếng Anh, ngành nail đã hoàn toàn thay đổi.

Chẳng bao lâu, một loạt thợ nail người Việt vừa khéo tay vừa chịu khó cần kiệm, để dành tiền mở tiệm, tạo ra hàng chục ngàn tiệm nail hoạt động kiểu gia đình ở khắp nơi trên toàn nước Mỹ.

Tuy không biết tiếng Anh, nhiều tiệm chỉ một người nói được tiếng Anh và thông dịch cho những thợ khác, nhưng nhờ giá rẻ và làm móng đẹp, những tiệm nail nhỏ nhỏ này đã dấn dà thu hút khách làm nail từ các thẩm mỹ viện, cũng như tạo điều kiện làm đẹp cho những phụ nữ từ trước không có tiền để đến mỹ viện. Trở ngại ngôn ngữ ban đầu được dễ dàng vượt qua.

Thợ làm nail người Việt đã khai sinh ra phong trào tiệm nail và thống trị hẳn ngành này. Khách dù có tiền cũng không đến thẩm mỹ viện để làm móng bột nữa, mà đến hẳn những nail salons, nơi họ chỉ phải trả hơn một nửa giá so với thẩm mỹ viện mà vẫn được săn sóc chu đáo. Dần dà những mỹ viện bỏ luôn mấy bàn làm nail, nhường hẳn ngành nail cho người Việt.

Thọat đầu, đa số tiệm nail là những cơ sở gia đình, làm việc theo kiểu mỗi người một tay, có tiền cùng hưởng, không giấy tờ mà cũng không thắc mắc luật lệ thuế má. Khi ngành này phát triển, khi chủ tiệm phải mướn thợ, thì hai bên cũng làm việc với nhau với tính cách “under the table,” chủ không khai thuế mà thợ cũng không khai thuế, hiểu ngầm với nhau là làm như thế có lợi cho cả đôi bên. Cả khách hàng cũng có lợi, vì giá sinh hoạt ngày càng cao mà giá làm nail ngày càng rẻ. Sở dĩ tiệm nail của người Việt có thể “phá giá” vì nhiều tiệm trốn thuế, nên phí tổn thấp, không người Mỹ nào làm ăn đóng thuế đàng hoàng có thể cạnh tranh nổi.

Khi người Việt ngày càng đổ xô đi làm nail thì nạn cạnh tranh lẫn nhau bằng cách phá giá bắt đầu trở nên khốc liệt khiến nhiều chủ tiệm điêu đứng.

Vào năm 2015, loạt phóng sự điều tra của tờ New York Times cho thấy nạn “bóc lột nhân viên” cũng như nguy cơ cho sức khỏe của họ trước những hóa chất độc hại, khiến nhiều tiểu bang thông qua luật lệ khắt khe, đẩy chủ tiệm nail người Việt đến một bước quanh trọng với những thử thách lớn lao, và nhiều cơ hội thường đi kèm với bất cử thử thách nào.

Thống kê về số tiệm nail trên toàn nước Mỹ từ trang mạng Statista. (Hình: Người Việt).

Cơ hội nằm ở đâu?

 

Theo bà Jaya Savannah, một chuyên gia chuyên tư vấn cho ngành thẩm mỹ viện và nail salons của Mỹ, thì cơ hội của người Việt làm nail nằm ngay ở trong thử thách họ đang phải đối diện.

Với thử thách thứ nhất là phải theo đúng phép vệ sinh, trả lương nhân viên và khai thuế cho đúng luật, ba cơ quan California Board of Barbering, Cosmetology, Bộ Lao Động Liên Bang và sở thuế IRS, với những luật mới khe khắt và các cuộc thanh tra thường xuyên đang giúp họ khắc phục.

Thử thách thứ hai là “chủ tiệm nail người Việt phải nhận ra rằng họ đang có chiến thuật cạnh tranh rất sai chiến thuật: đó là cạnh tranh bằng cách hạ giá (hay phải nói là phá giá thì mới đúng), thay vì phải làm cho dịch vụ mình khá hơn, tiệm sạch sẽ hợp vệ sinh hơn, móng bền hơn, và người tiếp khách chuyên nghiệp thân thiện hơn.” Bà Savannah nói.

Đưa ra một thí dụ cụ thể về một dịch vụ mà bà đánh giá là “dưới trung bình”, chuyên gia tư vấn Jaya Savannah kể lại câu chuyện bà vào một tiệm nail do người Việt làm chủ ở Las Vegas.

“Nhiều chủ tiệm nail không có một ý niệm gì về làm sao để chăm sóc khách hàng cho đúng mức. Ở tiệm nail tôi bước vào, người thợ làm móng cho tôi rất thô lỗ. Cô đón tôi với chewing gum nhồm nhoàm trong miệng, toàn thời gian làm móng không hề chào hỏi hay cho tôi biết tên, mà chỉ hất đầu hỏi ‘bà làm móng tay?’ rồi ra dấu cho tôi vào cái bàn ở cuối phòng. Vừa làm việc cô vừa thỉnh thoảng nói chuyện phôn bằng tiếng Việt, miệng vẫn nhồm nhoàm chewing gum. Làm xong cô ấy xòe tay nhận tip, rồi tiếp tục tán chuyện trên chiếc điện thoại di động, thật là bất lịch sự.”

“Với cách tiếp khách như vậy, những tiệm nail như này không thể thu hút được khách lịch thiệp sẵn sàng trả tiền để được tiếp đãi tử tế.” Bà Savannah nhận định.

Tạp chí Nail Magazine, số phát hành tháng Tư năm 2017 có một bài viết về nhu cầu cần phải tăng giá để vừa đáp ứng được những luật lao động khắt khe, vừa giữ được mức dịch vụ chuyên nghiệp cho khách hàng.

Dưới đây là một số câu trả lời phỏng vấn của những chủ tiệm nail vừa lên giá về phản ứng của khách hàng.

Bà Eva Jenkins, Belle Nail, Belleview, Nebraska: “Tôi vừa báo cho khách hàng biết là kể từ tháng tới sẽ phải tăng giá mỗi bộ nail full sets lên thêm $20 để đáp ứng với luật mới. Nhiều người khách hỏi luật lệ ra sao, tôi kể cho họ nghe, và họ có vẻ thông cảm. Cũng có một số người không vui với giá mới này và nói nếu thế thì  họ sẽ không đến nữa. Nhưng tôi biết nếu không tăng giá thì không thể mua thuốc tốt để bảo vệ sức khỏe cả cho tôi lẫn cho họ, và tôi biết để làm một bộ nail tôi phải mất thời giờ chăm chút như thế nào.”

Bà Kathy Kovacic, Hera Beauty, Las Vegas: “Tôi dán bảng giá mới vào một cái khung hình đẹp, với ghi chú rằng giá mới có hiệu lực ngày 1 tháng Tư. Tôi cũng giải thích rằng nếu không tăng giá thì phải giảm phẩm chất. Một số khách hàng cầm lên xem, rồi bỏ xuống. Đa số khách quen đều trở lại, thỉnh thoảng cũng có người phàn nàn, nhưng giao hẹn là nếu móng bền và đẹp thì họ vẫn tiếp tục đến.”

Trở lại với câu hỏi hoàng hôn hay bình minh đang chờ những chủ tiệm làm nail người Việt, câu trả lời đúng nhất có thể sẽ là, mô hình làm nail của những thập niên vừa qua đã bị phá vỡ. Muốn tồn tại, chủ tiệm nail ngày nay phải tôn trọng mọi thứ luật của một ngành ngày nay đã bị các cơ quan công quyền kiểm soát để đòi hỏi họ phải chuyên nghiệp hơn. Hoàng hôn cũng đã đến với những chủ tiệm nail dùng giá cả như một khí cụ cạnh tranh duy nhất.

Nhưng bình minh cũng đang chờ đón những chủ nhân chấp nhận cuộc chơi công bằng, và sẵn sàng học hỏi để trở thành chuyên nghiệp hơn trong việc tiếp thị, phục vụ khách hàng, quản lý doanh nghiệp, bảo vệ nhân viên, và không cần phải “run tay” khi tính giá cho xứng đáng với dịch vụ mình cung ứng.

Biết đâu những khó khăn hiện nay là cơ hội giúp người Việt chúng học hỏi mọi khía cạnh của nghề nghiệp, và vượt qua được những thử thách để biến ngành nail thành một ngành kinh doanh đáng được nể trọng trên thương trường Mỹ?

SHARE