Góc khuất của nghề Nails người Việt ở Đức và Châu Âu

9

 

Những lời chê bai tiệm Việt bẩn thỉu, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, chất lượng tệ, các khuyến cáo nhau về việc người Việt ham lời dùng hóa chất độc hại… tràn ngập khắp nơi. Tôi bắt đầu lung lay lòng tin về nhận xét nail Việt là số 1.

Vài chia sẻ về nghề, thân gửi các đồng nghiệp nghề nail tại Tiệp và châu Âu.

Nếu cần tôn vinh một nhân vật có công đóng góp lớn nhất cho cộng đồng Việt kiều, tôi tin ông tổ nghề nail là nhân vật xứng đáng nhất.

Nên nhớ, trước khi nghề nail trở thành nghề được thống soái bởi người Việt, cộng đồng Việt Nam chưa từng được biết tới với một thế mạnh nghề nghiệp đặc trưng nào.

Từ 20 năm trở về trước, nail Việt đã được biết tới với các xu hướng thời trang và kỹ thuật tiên phong hàng đầu để phục vụ hầu như phân khúc khách hàng quý tộc, thượng lưu.

Cho tới bây giờ, đối tượng khách hàng đã được mở rộng tới tất cả các thành phần đại chúng, cộng đồng người Việt ước đoán chiếm lĩnh không dưới 50-70% thị phần nghề nail toàn cầu.

Nghề nail đem lại danh tiếng, thu nhập trung bình luôn cao và ổn định, và đóng góp cực lớn trong dòng kiều hối chảy về Việt Nam. Người thợ làm nail có thể ngẩng cao đầu tự hào nhờ mình mà khách hàng trở nên sang trọng và thời trang .

Cho nên, khi nghe những kỳ thị kiểu nghề nail là nghề mạt hạng rẻ rúng, chúng ta có thể cười ruồi vì những người não có chút nếp nhăn không bao giờ dám phát biểu một câu ngu như vậy về một nghề nghiệp chân chính của cộng đồng mình.

Tôi và các bạn, chúng ta có đầy đủ lý do và lòng tự tôn để tự hào về nghề nghiệp của mình.

2. Hồi mới vào nghề, tôi nghe rất nhiều người Việt bảo nghề nail VN hiện là số 1. Tôi cũng tin như vậy.

Khi mở tiệm, tôi lọ mọ vào rất nhiều trang mạng xã hội, đọc hàng ngàn comment của các khách hàng để nắm bắt tâm lý họ.

Kết quả làm tôi khá sốc: Những lời chê bai tiệm Việt bẩn thỉu, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, chất lượng tệ, các khuyến cáo nhau về việc người Việt ham lời dùng hóa chất độc hại… tràn ngập khắp nơi. Tôi bắt đầu lung lay lòng tin về nhận xét nail Việt là số 1.

Tôi vẫn tranh thủ tham dự những hội chợ Nail-expo lớn tại châu Âu.

Ban đầu, tôi luôn nghĩ với một sự kiện lớn trong nghề, nơi chúng ta có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với các master nghề đại diện cho các hãng lớn, tiếp cận các sản phẩm và kỹ thuật mới nhất… phục vụ cho nghề như vậy chắc hẳn phải đặc kín người Việt khi chúng ta chiếm tới 70% thị phần.

Nhưng không, hoàn toàn không, con số lớn nhất trong các nail-expo tôi ước lượng được có lẽ chưa tới 5% tổng số người tham gia các sự kiện đó. Ở các cuộc thi tay nghề dành cup khẳng định thương hiệu cá nhân và cộng đồng lại càng vắng bóng người Việt.

Người Việt không có nhu cầu update các xu hướng của thế giới, hay quá ít người có đủ tâm huyết với nghề?

Khi ngắm các thợ nail tây thể hiện các mẫu của họ tại chỗ, tôi không khỏi có sự so sánh nếu sản phẩm của họ tinh tế và đẳng cấp như hàng hiệu, thì các sản phẩm của thợ Việt nói chung là hàng chợ đổ đống không ngoa.

Tôi xin lỗi phải nói thẳng, nói nail Việt là số 1 là cách nói thủ dâm của một con ếch không biết trời cao đất dày các anh chị ạ. Nếu có, có thể nó là thì quá khứ, không phải hiện tại.

3. Tôi có dịp đi Bỉ, Đức, Tiệp… để học hỏi nghề.

Có thể nói ở Mỹ và mọi quốc gia châu Âu, hầu như chỗ nào tôi cũng có bạn đang làm nail.

Chúng tôi chia sẻ về nghề nghiệp rất nhiều, và có điều chung là ai cũng than vãn nghề nail đang thoái trào, hoặc thậm chí đang bế tắc.

Nguyên nhân chính, là bởi tình trạng dìm giá triệt nhau, mà nói nôm na theo ngôn ngữ của tôi là bởi chính cộng đồng người Việt dùng chiến thuật tự tay bóp dái.

Thay vì cùng thỏa thuận ngầm về một giá sàn chung như các tiệm tây thường làm, người Việt thường chọn chiến lược mỗi khi mở tiệm ở đâu là tìm cách lấy bằng được bảng giá của thằng đồng hương gần đó nhất, sau đó hạ giá sát sườn với mục đích hút hết khách của thằng kia.

Cương quyết thằng chết thằng bị thương giữ thế độc quyền chứ không có chuyện chia sẻ thị trường cùng nương nhau mà sống.

Điều lạ nữa, người Việt luôn mặc định chỉ coi người Việt là đối thủ cạnh tranh, chứ gần đó có một tiệm của tây thì tuyệt đối không bao giờ tính chuyện động tới.

Giá cả tiệm tây hơn mình 2-3 lần cũng được mặc định coi là bình thường. Thằng tây, mặc định được ở đẳng cấp trên đầu trên cổ mình rồi.

Kết quả, thằng tới sau luôn tìm cách dìm chết thằng đi trước, thằng sau nữa cũng copy chiến thuật y chang. Thợ nail rên chết mẹ vì cày 3-4 bộ hiện nay mới kiếm được bằng 1 bữa của dăm ba năm trước. Cả cộng đồng nghề cứ loay hoay bế tắc cùng dắt tay nhau xuống hố.

4. Khi tôi đang ngồi gõ những dòng này thì một người bạn nhắn tin kể, cổ từng làm trong 1 công ty nail rất lớn của Tiệp.

Vì lương ở đó cao hơn những nơi khác (khoảng gần 1700 euro/ tháng) mà chủ tiệm tự ý đặt ra 1 loại thuế phí gì đó bắt chẹt của thợ chừng 150 eu/ tháng.

Ngoài ra, thợ bị bòn thêm cả tiền dụng cụ làm cho khách cùng vô số chi phí vô lý khác.

Bạn này cũng kể, để có thể kiếm lợi nhuận tối ưu, chủ tiệm còn dùng chiêu treo đầu dê bán thịt chó.

Mua gel, hóa chất loại rẻ tiền rồi đổ vào các vỏ xịn để lừa khách.

Riêng hóa chất, hoàn toàn là các loại rẻ tiền độc hại giá chỉ tương đương 20% hàng xịn. Người chủ này hiện nghe nói rất giàu có và nổi tiếng tại Tiệp.

Chuyện người chủ tham lam vô lương tâm tôi không bàn, cái tôi ngạc nhiên, tại sao chính những thợ nail lại hèn nhát tới mức độ chấp nhận những hành vi như thế, trong khi bản thân mình là công cụ làm giàu của người chủ?

5. Không cần giỏi giang gì chúng ta cũng biết lợi nhuận của người chủ tiệm nail có được chỉ sau khi lấy giá thành trừ đi công thợ+ bảo hiểm+ mặt bằng+ thuế má+ điện nước+ hóa chất.

Trong các khoản chi phí trên, có công thợ và hóa chất là có thể co duỗi được.

Khi giá một bộ nail bị hạ xuống chưa đầy 10 euro như tại các tiệm tại Tiệp như hiện nay, thì cái dĩ nhiên nhất là các loại hóa chất độc hại rẻ tiền nhất đều được chủ sử dụng để tối ưu hóa lợi nhuận.

Ai là người hứng chịu hậu quả ngoài chính thợ nail khi 10-12 tiếng mỗi ngày ngồi hít bụi và các hóa chất độc hại này?

Sau ít năm liên tục làm việc trong môi trường độc hại như thế, khoản lương cao hơn mặt bằng chung vài trăm đồng có đủ để thợ nail điều trị bệnh, chưa kể các khuyến cáo nguy cơ ung thư hay không?

Chủ nail không mở tiệm để làm từ thiện. Khi hạ giá sát ván mà họ vẫn kiếm được lợi nhuận, thì đơn giản những đồng tiền đó được chắt lọc từ chính sức khỏe và tính mạng của người làm công của mình.

Đó là kiểu kiếm ăn vô lương tâm và được tiếp tay bởi chính những người thợ không coi trọng giá trị bản thân và công sức lao động của mình.

6. Khách tây không xảo trá và khôn lỏi như thủ đoạn thường dùng của người Việt.

Nhưng họ dứt khoát không ngu tới mức độ tin rằng với cái giá 1 bộ móng còn rẻ hơn cả giờ công dắt chó trong thời gian tương đương, họ sẽ được phục vụ bằng các hóa chất tốt như quảng cáo.

Tuy nhiên, những khách nhắm mắt chấp nhận giá này thì bởi lý do chính là họ không có tiền, khách có tiền sẽ tìm tới những tiệm tây nơi không bị tai tiếng về chất lượng và vệ sinh đảm bảo.

Người giàu, họ quý mạng mình lắm các anh chị ạ.

Vậy là với chiến thuật dìm giá bóp chết lẫn nhau, người Việt mặc nhiên gạt hết phân khúc khách hàng cao cấp qua các cộng đồng nail tây, dành về cho mình phân khúc khách hàng rơm rác cùng tiếng xấu lan xa nail của dân Xù mặc nhiên rẻ tiền hạ đẳng.

Các anh chị tự cho mình là khôn ngoan khi đập chết được thằng đồng bào đối thủ, có bao giờ tự đặt câu hỏi mình đã góp phần mang tiếng xấu cho cả cộng đồng chưa?

Có khi nào các anh chị tự hỏi mình có chút tự trọng nghề nghiệp và cộng đồng nào chưa khi ích kỷ chọn lối kinh doanh nhìn không quá mũi giày như vậy chưa?

7. Tôi phải thẳng thắn nhận xét rằng bước chân vào đa số tiệm nail Việt rất khủng khiếp, ngay cả với một đứa trong nghề như tôi.

Ấn tượng đầu tiên là mùi liquid nồng nặc, sau khoảng nửa tiếng những người có cơ địa nhạy cảm như tôi có thể choáng váng và đau đầu dữ dội (trong khi tôi có thể cày thông nguyên ngày với liquid xịn đắt gấp 4 mà không có chút khó chịu nào).

Thứ nhì, tiệm Việt đa phần bụi bặm, lộn xộn và dụng cụ rất bẩn. Hầu như không nơi nào có khái niệm tiệt trùng dụng cụ.

Cái tệ nhất, là phong cách phục vụ cực kỳ thiếu chuyên nghiệp. Nói chuyện oang oang, và toàn nói tiếng Việt khi đang phục vụ khách, một hành vi rất thiếu tế nhị và mất lịch sự.

Tôi cũng từng chứng kiến cách cư xử với khách rất hỗn hào, thiếu tôn trọng công khai của thợ. Nếu là khách, tôi sẽ không hài lòng khi bỏ tiền ra mua các dịch vụ như vậy.

Đây là điều các tiệm Tây hoàn toàn nắm lợi thế.

Cho nên, khi bàn với nhau kế hoạch cùng nhau nâng giá, tôi xin góp ý các anh chị cũng cần chấn chỉnh để khách thấy đồng tiền họ bỏ ra là xứng đáng đã.

8. Trong khi một kế hoạch về một hiệp hội nail ra đời để cùng nhau vực dậy nghề này chưa được triển khai, thì tôi chỉ dám hy vọng vào chính ý thức của từng cá nhân người thợ.

Chưa có ai đứng ra bảo vệ mình, thì chính bản thân mình phải thương lấy mình. Nếu một người chủ thu lợi nhuận bằng cách hạ giá sát sườn, thì hãy ý thức đồng tiền họ kiếm được là từ chính sức khỏe của các anh chị.

Nếu mọi người thợ đều sẵn lòng nói không với người chủ vô lương tâm, khi đó người chủ sẽ buộc phải thay đổi. Không có thợ, chủ cày với chó à?

Quyền lợi của các anh chị các anh chị còn không biết đòi hỏi, thì trách sao được sự thiếu trách nhiệm cộng đồng, lòng tham và sự vô lương tâm của một số chủ tiệm nail sẽ không còn tiếp tục dẫn nghề nail của cộng đồng vào thế bế tắc, với sự tiếp tay của chính các anh chị?

Xin gửi kèm theo bài một số hình ảnh tôi lấy được từ 1 group làm nail khi các anh chị chia sẻ tình trạng mình mắc phải do dùng hóa chất lởm.

Đây là những thứ mắt thường có thể nhìn thấy, những thứ mắt không nhìn thấy được như nguy cơ ung thư rất cao đã được khuyến cáo thì đồng lương nô lệ các anh chị được hưởng thật sự là quá rẻ mạt.

*Mọi người vào đây để coi các võ sĩ so găng, và coi các anh chị doanh nhân bần nông vàng vẩu thể hiện trình kinh doanh ỉa lên cộng đồng thế nào.

Nguồn: Hương Vũ (Facebook)

Tiêu đề Bài viết do Tạp chí Lamnails.net

SHARE