Nhiều sinh viên Việt Nam mới bỡ ngỡ qua Úc kỳ vọng những người chủ gốc Việt sẽ “chiếu cố” cho họ. Theo lẽ thường trong suy nghĩ, được làm việc với những đồng hương người Việt sẽ thoải mái hơn khi nói cùng một ngôn ngữ.
Helen Nguyễn và con heo có những đồng tiền ‘nước mắt’ giữ lại đến hôm nay – Ảnh: Trinh Nguyen
Thế nhưng, trên thực tế các sinh viên này thường bị trả lương thấp và trở thành nạn nhân của nạn bóc lột.
Mức lương “thị trường” của du học sinh Việt Nam phố biến hiện nay từ 8 đến 12 đô la Úc / giờ (1 AUD = 17.000 đồng VN) tùy vào kinh nghiệm. Thế nhưng vẫn có những người bị trả thấp hơn.
Helen Nguyễn, một du học sinh từng có thời gian đi làm thêm kiếm sống – kể lại rằng cô nhận được mức lương 6 AUD/giờ cho 3 tuần thử việc cùng những lời mắng nhiếc, sỉ nhục của người chủ.
“Họ bảo rằng mình còn nhỏ mà đi làm tội nghiệp quá nên nhận mình với mức lương có đào tạo là 35 AUD/ngày trong lúc thử việc”, Helen nhớ lại.
“Mình vui lắm. Mình đâu biết mức lương tối thiểu ở Úc khi đó là16, 17 AUD/giờ đâu. Họ hứa khi mà mình làm lâu sẽ tăng lương cho mình”, Helen kể lại về những ngày đầu đến Úc.
Sau khi trò chuyện với bạn của mình, Helen được biết “mức lương tiền mặt” lúc bấy giờ khi làm với chủ người Việt là 11 AUD, cô mới phát hiện ra mình đã bị lừa nhưng vẫn tin tưởng vào người chủ lao động đồng hương tại một đất nước xa lạ mà cô vừa đặt chân tới.
Mặc kệ những lời chửi mắng, Helen cho biết cô hy vọng trang trải được phần nào chi phí sinh hoạt, tự giúp mình và đỡ gánh nặng cho gia đình từ Việt Nam. Thế nhưng mọi chuyện tệ hại hơn.
“Họ chửi luôn cả cha mẹ mình, họ bảo cha mẹ mình không biết dạy con. Mình chịu không nổi nghỉ việc thì họ bảo mình ‘ăn cháo đá bát’. Tại sao được đào tạo đến khi có kinh nghiệm đòi nghỉ việc!”, Helen nhớ như in câu chuyện cũ.
“Mình thật sự sợ hãi vì họ giống như đe dọa mình. Sáng hôm sau, họ liên tục gọi điện để chửi mình, đòi lại áo đồng phục. Mình đến trả áo rồi bỏ chạy đi vì quá sợ, không dám gặp mặt chủ”, Helen kể lại giọng vẫn còn hoảng sợ.
Số tiền 35 AUD cho một ngày làm việc vẫn được Helen để dành trong ống heo tiết kiệm, như một lời nhắc nhở về cuộc sống vất vả, đắng cay tại Úc những ngày đầu…
Helen Nguyễn và số tiền trong ống heo, giữ từ những ngày mới đặt chân tới Úc – Ảnh: Trinh Nguyen
“Tinh thần của mình bị ảnh hưởng. Mình không thể nào quên được chuyện kinh khủng này. Mình vẫn còn giữ 35 AUD đó trong ống heo, để nhắc nhở lúc mới qua mình đã cực như thế nào. 35 AUD cho 6 giờ làm việc…”, Helen thổn thức.
Cuộc điều tra của đài SBS Australia cho thấy nhiều sinh viên nước ngoài từ châu Á tại Úc có chung một mẫu số của sự bóc lột và ám ảnh về công việc đầu tiên tại Úc.
Aggie Phan, một nữ sinh viên Việt Nam đang theo học tại một trường danh tiếng ở thành phố Melbourne vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại công việc đầu tiên làm thêm ở Úc.
Người chủ gốc Campuchia tại Springvale thậm chí còn canh giờ… khi cô đi toilet và tỏ ra khó chịu khi cô ngồi xuống ghế nghỉ mệt vì phải làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ.
“Em tủi thân quá ngồi khóc. Khi thấy em khóc thì người ta không vui. Người ta nói là giống như người ta đang ép em vậy. Em làm mấy ngày mà người ta theo dõi kỹ lắm, giống như là công nhân vậy. Người ta canh coi nửa tiếng cuốn được bao nhiêu cái gỏi cuốn. Cuốn nhiều, nhanh và mệt lắm”, Aggie kể rõ đến từng chi tiết trong nỗi ám ảnh khó lòng rời khỏi cô.
“Mọi người trong đó đều bị đối xử như vậy chứ không phải riêng mình em. Người làm tụi em chỉ có 5 phút buổi trưa để ăn. Nhiều người phải vừa ăn vừa làm, việc nhét vào miệng một miếng bánh vừa phải cuốn. Em mệt quá ngồi xuống để ăn, chủ không vui lòng. Thậm chí em uống nước nhiều quá nên đi toilet họ cũng không vui, họ nghĩ em tìm cách nghỉ ngơi. Họ đi theo giám sát em đi toilet”, Aggie kể.
Aggie Phan (quay lưng) nói chuyện với nhà báo Luke Waters của đài SBS – Ảnh: Olivia Nguyen
Tám tháng trước, đã nổi lên làn sóng những lo âu và tức giận ngày càng gia tăng của nhiều du học sinh Việt Nam đang ở Úc khi đi làm thêm tại các nhà hàng Việt.
Tranh cãi bắt đầu từ câu chuyện của một nạn nhân chia sẻ việc cô bị bóc lột trong một nhà hàng người Việt.
Câu chuyện này thu hút hàng trăm lượt bình luận trong một diễn dàn trên Facebook của sinh viên Việt Nam ở Úc với gần 32,000 thành viên.
Nhiều du học sinh chia sẻ các kinh nghiệm buồn khổ và tiêu cực tương tự.
Điều đáng chú ý là nhiều sinh viên cho biết họ chấp nhận thực tế bị bóc lột này, thay vì đi tìm giải pháp để bảo vệ bản thân.
Sinh viên quốc tế thường làm nhiều hơn số giờ quy định trong thị thực của họ (40 giờ trong mỗi 2 tuần) để trang trải các chi phí cần thiết. Do đó, người chủ có thể lợi dụng điểm yếu này bằng cách đe dọa báo cáo với Bộ Di trú, ngăn cản sinh viên tố cáo việc bị chủ bắt nạt hay đòi hỏi quyền lợi chính đáng.
Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Giáo dục Quốc tế Úc (Australian Education International), hiện có khoảng 462.411 sinh viên đang học tập tại Úc, trong đó có 22.404 sinh viên Việt Nam, xếp thứ 4 về số lượng sinh viên du học tại Úc, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.