Ước mơ dạy tiếng Anh cho người Nhật của cô gái ấy chấm dứt bằng cái chết, để lại bài học đáng sợ cho hệ thống nhập cư xứ sở Mặt trời mọc

12

 

Contents

  1. Wishma Rathnayake đến Nhật Bản để thực hiện ước mơ, nhưng nào ngờ lại là mồ chôn cho chính mình.
    1. Theo đuổi mơ ước tại miền đất hứa
    2. “Đối xử không khác gì động vật”
    3. Sự tàn nhẫn của một hệ thống

Wishma Rathnayake đến Nhật Bản để thực hiện ước mơ, nhưng nào ngờ lại là mồ chôn cho chính mình.

Wishma Rathnayake, thuở thơ ấu, đã rất say mê “Oshin” – bộ phim truyền hình nổi tiếng vào thập niên 1980 với nội dung về một cô gái trẻ vươn lên trong nghèo khó và trở thành chủ chuỗi siêu thị khổng lồ tại Nhật Bản.

Được cha động viên, Wishma quyết tâm học tiếng Nhật để theo đuổi ước mơ chuyển đến Nhật Bản sinh sống từ Sri Lanka. Sau khi cha cô qua đời, một trường đại học đã thuyết phục mẹ cô rằng Rathnayake có thể kiếm được tiền nếu dạy tiếng Anh ở nước ngoài, đủ để lo cho gia đình.

Năm 2017, gia đình cô thế chấp ngôi nhà để Wishma chuyển tới Narita (ngoại ô Tokyo), theo diện du học sinh. Chẳng ai nghĩ rằng chỉ 3 năm sau, cô gái ấy chẳng còn trên đời này nữa. Do quá hạn thị thực, Wishma bị hệ thống nhập cư Nhật Bản giam giữ. 6/3/2021 là ngày cô tử vong, hưởng dương 33 tuổi.

Wishma Rathnayake – cô gái tử vong tại Nhật Bản, lộ ra mặt tối đáng sợ về hệ thống quản lý người nhập cư ở quốc gia này

Những gì xảy ra với Wishma đã thổi bùng lên tranh cãi về quy tắc ứng xử với người nước ngoài tại Nhật Bản, nơi kể từ năm 1997 đã có ít nhất 27 người nhập cư bị giam giữ tử vong. Cái chết của cô cũng cho thấy sự thiếu minh bạch của một hệ thống khiến cho người nước ngoài phải chờ mòn mỏi nhiều năm mà không thấy dấu hiệu của sự tự do. Một bài học phải trả giá bằng mạng người.

Theo đuổi mơ ước tại miền đất hứa

Năm tới Narita, Wishma 29 tuổi. Cô mang theo sự hân hoan, trang Facebook cá nhân thì nhanh chóng tràn ngập hình ảnh về nơi chốn mới, cùng những người bạn mới.

Tại Sri Lanka, 2 em gái của Rathnayake – Wayomi và Poornima – chỉ biết rằng chị mình đang học lớp ngôn ngữ và dường như rất vui vẻ. “Chị chẳng bao giờ nói hay tỏ ra có gì đó không ổn,” – Wayomi Rathnayake, nay 29 tuổi, chia sẻ.

Điều họ không biết là Wishma đã không còn đi học từ tháng 5/2018, sau đó bị buộc thôi học. Cũng trong tháng ấy, cô bắt đầu công việc tại một nhà máy trước khi nộp đơn đăng ký xin tị nạn vào tháng 9. Đơn đăng ký bị từ chối vào tháng 1/2019, và kể từ đó, cô chính thức là một người nhập cư trái phép.

Wishma Rathnayake cùng 2 em gái: Wayomi và Poornima

Những cuộc gọi về nhà thưa thớt dần, và đến tháng 8/2020 lý do mới lộ rõ. Khi đó, Wishma đến sở cảnh sát tỉnh Shizuoka để xin giúp đỡ, tìm cách rời bỏ bạn trai mình. Wishma bảo rằng visa của mình đã hết hạn, và cô muốn đến Cục Di trú Nagoya mà không có đủ tiền – theo Yasunori Matsui, giám đốc của START, tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ người nước ngoài bị giam giữ tại Nhật.

Ban đầu Wishma đồng ý trở về Sri Lanka, nhưng sau đó thay đổi ý định vì bạn trai cô gửi đến 2 lá thư, đe dọa sẽ tìm bằng được cô và bắt cô phải trả giá đắt.

“Cô ấy nghĩ rằng mình sẽ bị tên này giết,” – Matsui nói thêm.

Trong lúc đó ở quê hương, vẫn chẳng ai biết thêm điều gì. Tin xấu đầu tiên mà các em của Wishma nghe được là vào tháng 3/2021, từ Đại sứ quán Sri Lanka ở Tokyo. Cuộc gọi báo rằng chị của các cô đã chết.

Nhà Wishma vội vã yêu cầu báo cáo điều tra và hình ảnh bằng chứng, nhưng chẳng ai quan tâm. Tháng 5/2021, 2 em gái của Wishma đến Nhật Bản để tìm sự thật. Họ thấy chị mình trong cỗ quan tài ở nhà tang lễ Nagoya.

Chiến dịch tìm lại công lý, yêu cầu sửa đổi quy định nhập cư tại Nhật Bản vào ngày 16/5/2021

“Chị trông khác quá, nhìn ốm yếu và chẳng thể nhận ra. Làn da khô lại, nhăn nheo như người già. Người thì như chỉ còn da bọc xương,” – Poornima, em gái 27 tuổi của Wishma thổn thức.

Suốt 7 tháng bị giam giữ, Wishma sụt 20kg. Các em gái của cô tức giận, đòi hỏi được biết sự thật. Họ muốn có hình ảnh về những tuần cuối cùng trước khi Wishma tử vong. Nhưng lại một lần nữa, không ai chấp thuận cả.

“Đối xử không khác gì động vật”

Tháng 8/2021, một báo cáo do Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản – một tổ chức điều tra độc lập – kết luận rằng Cục Di trú Nagoya đã thờ ơ trong việc chăm sóc y tế cho Wishma.

Với kết luận này, quan chức đứng đầu cơ sở và những người giám sát đã bị khiển trách, trong khi Bộ trưởng Tư pháp và Giám đốc Cơ quan dịch vụ Nhập cư phải thông báo xin lỗi chính thức về cái chết của Wishma.

Và cũng từ đây, lần đầu tiên sau nhiều tháng, các em của Wishma được phép tiếp cận đoạn video (đã qua chỉnh sửa) dài 2 tiếng, về 2 tuần cuối cùng chị của họ bị giam giữ. Poornima cho biết mình chỉ có thể xem được phân nửa vì nó quá kinh khủng.

Trả lời phỏng vấn, Wayomi phẫn nộ nói rằng đoạn video có cảnh chị cô ngã từ trên giường xuống, sữa trào ra từ lỗ mũi, trong khi cảnh vệ đứng quanh cười cợt.

“Trong video, mấy tay cảnh vệ bảo chị tự đứng dậy. Chị liên tục xin giúp đỡ, nhưng họ ngó lơ, bảo rằng tự mà dậy đi. Chị đã cố gắng kêu cứu, nhưng không ai quan tâm.” 

Cũng theo cô, một số phân cảnh cho thấy sự chỉnh sửa, nghĩa là quan chức tại cơ sở có thể đang tìm cách che giấu sự thật.

“Những thứ xuất hiện trong video khiến tôi sợ vô cùng, và cảm giác rằng còn những điều tồi tệ hơn ở phía trước.”

Hai chị em cuối cùng cũng được tiếp cận các đoạn video dài hơn, chưa qua chỉnh sửa vào tháng 10. Trong đó có những cảnh các nhân viên cơ sở tìm cách cho Wishma ăn, dù cô trông ốm yếu đến cùng cực. 1 ngày trước khi qua đời các nhân viên cũng không gọi cấp cứu, bất chấp việc Wishma còn không thể trả lời khi được gọi tên.

Sự tàn nhẫn của một hệ thống

Báo cáo điều tra từ Cơ quan Dịch vụ Nhập cư cho thấy Wishma đã nhiều lần thông báo về việc bị đau dạ dày và một số triệu chứng khác ở miệng trước khi qua đời. Cô thậm chí đã phải trải qua xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp X-quang lồng ngực để chẩn đoán. Nhưng cái ngày cô chết, nhân viên cơ sở trì hoãn gọi cứu thương, bất chấp việc tình trạng của cô ngày càng xấu đi.

Cũng theo báo cáo thì những tháng trước khi tử vong, Wishma đã rất hợp tác với cơ sở, nhưng phong thái của cô thay đổi hoàn toàn sau khi quyết định phải ở lại Nhật Bản. Matsui từ START cho biết ông đã thúc giục nhà chức trách cơ sở hồi tháng 1 rằng phải đưa cô đến viện, hoặc tạm thời trả tự do cho cô. Đơn yêu cầu được gửi thêm vào tháng 2, thời điểm Wishma yếu đến mức không thể cầm nổi bút được nữa.

Nhưng dù có làm thế nào, các yêu cầu này đều bị từ chối.

Yoichi Kinoshita, cựu quan chức nhập cư hiện đang vận hành tổ chức phi lợi nhuận để cải tổ hệ thống nhập cư của Nhật Bản cũng xác nhận rằng bảo vệ cơ sở dường như đã ngó lơ mọi vấn đề của Wishma.

“Có khả năng những người làm việc ở cơ sở đã nghĩ rằng cô ấy phóng đại triệu chứng của bản thân để được trả tự do,” – Kinoshita nhận xét.

Tháng 11/2021, các em gái của Wishma đệ đơn tố cáo các quan chức tại Cục Di trú Nagoya về tội thờ ơ gây hậu quả nghiêm trọng.  Theo Oie – luật sư của nguyên đơn, dù cuộc điều tra đã phát hiện ra thiếu sót của hệ thống, nhưng không tiết lộ được lý do Wishma chết và ai là người phải chịu trách nhiệm.

Đến thời điểm hiện tại, chiến dịch tìm lại công lý của nhà Rathnayake đã có những thắng lợi dù nhỏ bé nhưng quan trọng. “Cơ quan di trú chưa bao giờ muốn công bố video cho gia đình nạn nhân, trong khi người đứng đầu cũng chưa hề nói lời xin lỗi. Mọi thứ đã thay đổi, và đây là lần đầu tiên.”

“Cục di trú kiểm soát mọi thứ, từ thị thực cho người nước ngoài, chuyện giam giữ, trục xuất hay tạm thời trả tự do. Cần phải có một cơ quan thứ 3 đưa ra góc nhìn khác, có thể là tòa án.”

Cơ quan Dịch vụ Nhập cư cũng đề xuất nhiều thay đổi từ cái chết của Wishma. Tháng 8/2021, họ cho biết sẽ tìm cách cải thiện hệ thống y tế tại các cơ sở giam giữ người nhập cư, đồng thời có thể cho phép những người quá ốm yếu tạm thời được tự do. Ngoài ra, họ cũng lên kế hoạch đánh giá hành vi của các nhân viên, bao gồm cả những cáo buộc từ người bị giam giữ.

Nhưng với gia đình Rathnayake, những áp lực từ quá trình tìm lại công lý cho người chị xấu số đã đến giới hạn. Wayomi đã trở về Sri Lanka từ cuối tháng 10, mang theo sự căng thẳng tâm lý sau khi phải xem đoạn video tàn nhẫn xảy ra với chị mình. Chỉ còn Poornima chọn ở lại, tiếp tục đấu tranh đến cùng.

“Chúng tôi muốn những kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của chị tôi bước ra ánh sáng, và mong muốn sẽ không ai là nạn nhân của chuyện tương tự nữa,” – cô cho biết.

“Ai biết được, ngày mai lại có nạn nhân mới là anh, chị, bạn bè, cha mẹ của ai đó chứ.”

Nguồn: CNN

Theo Cafebiz

 

SHARE