Từ ngày bỏ giầy cao gót, Cindy Grosz cảm thấy như được giải phóng.
“Tôi mua giầy cao gót từ thời đại học”, Cindy Grosz, 58 tuổi, nói. Nữ phát thanh viên sở hữu hàng chục đôi giầy đắt tiền từ các nhãn hiệu xa xỉ như Stuart Weitzman, Charles Jourdan và Saint Laurent. Trước đại dịch, đó là phụ kiện không thể thiếu của cô để cải thiện chiều cao chưa tới 1,6 mét.
Mọi thứ thay đổi từ khi Mỹ giãn cách xã hội.
“Bây giờ tôi không thấy áp lực phải đi giầy cao gót”, Grosz nói. “Đơn giản là không thể mặc chúng nữa”.
2020 là năm phụ nữ ngừng mặc áo lót, nhuộm tóc và thay giầy cao gót bằng giầy thể thao, ngay cả khi các công sở đã mở cửa trở lại. Theo khảo sát của công ty tài chính American Express, phụ nữ Mỹ giờ đây có xu hướng mua những đôi giầy mang lại cảm giác thoải mái thay vì những đôi giầy “chuyên nghiệp”.
Với Grosz, những đôi giầy thấp mang nhiều lợi ích hơn. “Đôi lúc, tôi nhớ những đôi giầy cao gót nhưng không phải lo lắng về việc vấp ngã nữa. Trước đây, khi mang giầy cao gót, tôi phải cẩn thận với sàn đá và đôi lúc không thể nhảy nhót”, nữ phát thanh viên kể.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ xu hướng thay giầy cao gót.
Trên trang cá nhân, Mona Sharaf, làm nghề mua sắm cá nhân (personal shopper) kêu gọi phái đẹp đi giầy cao gót trở lại, nhất là khi đi tiệc. Các sự kiện đã trở lại. Các cô gái mặc quần áo đẹp nhưng lúc nhìn xuống, tôi thấy những đôi giầy xấu xí. Chúng phá hỏng mọi thứ”, Sharaf nói. “Sao các bạn làm thế với bản thân”.
Cuộc tranh luận “giầy cao gót hay không” cũng thu hút người nổi tiếng. Các ngôi sao như Hailey Bieber, Nicky Hilton và Shanina Shaik đều ra đường với những đôi giầy thể thao hoặc giầy lười. Một số diễn viên như Ruth Wilson thậm chí đi giầy bệt lên thảm đỏ.
Ngay cả người bán giầy cũng đưa ra những ý kiến trái chiều về việc liệu giầy cao gót có quay lại tủ đồ phái đẹp sau Covid-19. Nhà thiết kế Sarah Flint cho biết hơn hai năm nay, sản phẩm bán chạy nhất của mình là mẫu giầy bệt mũi nhọn giá 400 USD. “Năm nay, mẫu giầy này vẫn tiếp tục đắt hàng, ngay cả khi mọi người đã quay lại một số hoạt động bình thường”, Flint nói.
Marisa Silber, chuyên kinh doanh giầy hàng hiệu lại nghĩ khác. “Giầy cao gót đang quay lại. Doanh số của các thương hiệu xa xỉ như Christian Louboutin, Manolo Blahnik và Amina Muaddi đang tăng trưởng mạnh mẽ. Phái đẹp hào hứng ra ngoài, ăn diện và khoe giầy”, Marisa nhận định.
Carrie Pluchino từng đi giầy cao 10-15 cm mỗi ngày cho đến khi đại dịch ập đến. “Tôi yêu thời trang và tôi yêu giầy nhưng tôi chẳng có dịp nào để diện trong đại dịch”, người phụ nữ New York 43 tuổi.
Từ lĩnh vực trời trang, Pluchino chuyển sang làm việc trong ngành công nghệ và chưa sẵn sàng từ bỏ thói quen đi giầy thể thao mới hình thành.
“Nhìn chung, bạn hạnh phúc hơn khi đi giầy thể thao. Khi chân đau do giầy cao gót, bạn sẽ thấy rất khổ sở”, Pluchino giãi bày, tiết lộ thêm mình đã đầu tư những đôi giầy thể thao đắt đỏ. Chị cũng định đi giầy bệt trong đám cưới tổ chức vào tháng 12 này, thay vì đôi giầy 7 cm dự định từ trước.
Với những người yêu giầy cao gót như Sharaf, nhân viên mua sắm cá nhân, giầy thể thao tượng trưng cho sự lười biếng và nỗi sợ. “Đại dịch mới diễn ra hai năm mà giầy cao gót đã khiến các bạn không thể chịu đựng ư?”, Sharaf đặt câu hỏi.
Inna Plotkin, cũng làm nhân viên mua sắm cá nhân, đòng ý với Sharaf.
“Đại dịch coi như đã kết thúc rồi và chúng ta nên mang giầy cao gót trở lại”, Plotkin viết trên trang cá nhân với 20.000 người theo dõi. “Tôi sẽ không ra ngoài ăn tối mà không đi giầy cao gót. Chúng khiến vẻ ngoài của bạn đẹp hơn”.
“Đàn ông cũng thích giầy cao gót nữa. Nhà thiết kế Christian Louboutin cũng từng nói ông không làm giầy cao gót cho phụ nữ mà cho đàn ông”, Plotkin nhấn mạnh.
Thu Nguyệt (Theo New York Post)