Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến chi phí sinh hoạt trên khắp thế giới gia tăng trong năm qua.
Thành phố Tel Aviv của Israel lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu (Worldwide Cost of Living Survey) của The Economist Intelligence Unit (EIU), vượt qua quán quân của năm ngoái là Paris, hiện đứng ở vị trí thứ hai cùng với Singapore.
Theo EIU, sự thăng hạng của Tel Aviv là do giá hàng hoá và chi phí vận tải tăng, cũng như sức mạnh của đồng shekel của Israel so với đồng đô la Mỹ.
Các thành phố Châu Âu và Châu Á tiếp tục thống trị bảng xếp hạng năm nay, trong khi các thành phố có thứ hạng thấp nhất chủ yếu ở Trung Đông, Châu Phi và các khu vực kém giàu có hơn ở Châu Á.
Zurich và Hong Kong lần lượt ở vị trí thứ 4 và 5. New York, Geneva, Copenhagen, Los Angeles và Osaka chiếm các vị trí còn lại trong top 10.
Sydney xếp hạng 14 chung với Vienna, trong khi Melbourne đứng thứ 16.
Bà Upasana Dutt, người phụ trách bảng xếp hạng Worldwide Cost of Living tại EIU, cho biết trong một thông cáo:
“Mặc dù hầu hết các nền kinh tế trên thế giới hiện đang hồi phục trong khi vắc-xin COIVD-19 được triển khai, nhiều thành phố lớn vẫn đang chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến, dẫn đến các hạn chế xã hội. Những điều này đã làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả cao hơn.
“Chúng ta có thể thấy rõ tác động đối với chỉ số năm nay, với việc giá xăng dầu tăng đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng không phải tất cả các thành phố đều tăng giá. Nhiều thành phố nằm ở cuối bảng xếp hạng của chúng tôi đã chứng kiến giá cả trì trệ hoặc thậm chí giảm, một phần là do đồng tiền của họ suy yếu so với đồng đô la Mỹ.
“Trong năm tới, chúng tôi dự đoán chi phí sinh hoạt sẽ tăng hơn nữa ở nhiều thành phố khi mức lương tăng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất một cách thận trọng để ngăn chặn lạm phát. Vì vậy, mức tăng giá sẽ bắt đầu ở mức vừa phải so với năm nay.”
Khảo sát của EIU so sánh giá cả của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 173 thành phố trên thế giới, chủ yếu được các công ty sử dụng để thương lượng mức hỗ trợ thích hợp khi điều chuyển nhân viên, nhưng nó cũng có thể tiết lộ xu hướng giá cả ở cấp địa phương và toàn cầu.
Trung bình giá hàng hoá và dịch vụ được EIU đề cập đã tăng 3.5% so với năm trước tính theo đơn vị tiền tệ địa phương, so với mức tăng 1.9% cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu tăng đã khiến giá xăng không chì tăng 21%, bên cạnh đó còn có những đợt tăng giá lớn trong các ngành hàng giải trí, thuốc lá và chăm sóc cá nhân.
20 THÀNH PHỐ ĐẮT ĐỎ NHẤT THẾ GIỚI NĂM 2021
1. Tel Aviv, Israel
2. Paris, Pháp
2. Singapore
4. Zurich, Thuỵ Sĩ
5. Hong Kong
6. New York City, New York
7. Geneva, Thuỵ Sĩ
8. Copenhagen, Đan Mạch
9. Los Angeles, California
10. Osaka, Nhật Bản
11. Oslo, Na Uy
12. Seoul, Nam Hàn
13. Tokyo, Nhật Bản
14. Vienna, Áo
14. Sydney, Úc
16. Melbourne, Úc
17. Helsinki, Phần Lan
17. London, Vương quốc Anh
19. Dublin, Ireland
19. Frankfurt, Đức
19. Thượng Hải, Trung Quốc
Theo SBS