Liệu nước Úc sẽ phải chịu một đợt bùng phát COVID-19 lần nữa như Châu Âu?

17

 

Khi Châu Âu đang phải chống chọi với một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, cộng thêm thời tiết lạnh giá mùa đông và tỷ lệ chích ngừa không ổn định dường như càng làm tăng thêm mối nguy hiểm, thì câu hỏi đặt ra bây giờ là nước Úc liệu có đi vào vết xe đổ như của Châu Âu hay không?

Tại Châu Âu, một mùa đông lại tràn về trong tình hình đang có nhiều quốc gia phải vật lộn đối phó với một đợt bùng phát mới coronavirus.

Vắc-xin là một phương pháp đối phó hiệu quả, nhưng chỉ mình vắc-xin thì không thể ngăn được COVID-19.

Anh, Đức và Pháp là những ví dụ, cả ba quốc gia này đều đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 2/3 dân số đủ điều kiện, một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung của cả Châu Âu.

Thế nhưng, theo lời một nhà dịch tễ học đến từ đại học Newcastle, phó giáo sư Nathan Barlett nói tỷ lệ này vẫn quá thấp.

“Tôi cho rằng các quốc gia này nghĩ là nếu họ đạt được tỷ lệ chủng ngừa 70% họ có thể thả lỏng mọi hạn chế và mọi thứ sẽ ổn, nhưng chúng ta đã thấy đây không phải là một phương thức thành công tại các quốc gia ở Châu Âu.”

Ngoài lý do tỷ lệ tiêm chủng không cao, thì giám đốc trung tâm nghiên cứu virus ở Westmead, giáo sư Tony Cunningham nói rằng có nhiều lý do chủ chốt khác khiến số ca nhiễm tăng cao ở Châu Âu.

“Một trong những vấn đề là đã có sự nới lỏng trong việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang, và nguyên nhân thứ ba là thời tiết, mùa đông khiến cho mọi người muốn ở trong nhà.”

Thậm chí dù nhiều người đã tiêm vắc-xin, nhưng một thách thức khác lại đang xuất hiện. Việc triển khai vắc-xin ở Châu Âu đã diễn ra rất nhanh chóng vào đầu năm 2021, có nghĩa là nhiều người giờ đã được tiêm vắc-xin quá 6 tháng, điều đó có nghĩa là khả năng miễn dịch đang giảm.

Chuyên gia về miễn dịch học từ viện Doherty ở Melbourne, Tiến sỹ Jennifer Juno, nói đây là chuyện có thể đoán trước được.

“Chúng ta đều biết rằng tính hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn sự lây nhiễm đang có chiều hướng giảm dần theo thời gian. Sau thời điểm 6 tháng, số liệu ở Israel và Anh quốc đã cho thấy người dân bắt đầu bị ‘bùng phát lây nhiễm’ một lần nữa.”

Và đây là thời điểm quan trọng để tiêm liều vắc-xin tăng cường, nhằm tăng hệ miễn dịch với virus.

Thế nhưng nhiều người dân Châu Âu vẫn chưa thể có mũi tăng cường.

Tại Pháp, vắc-xin tăng cường mới chỉ dành cho những người trên 50 tuổi.

Ở Anh, vắc-xin tăng cường dành cho người trên 40 tuổi.

Và ở Đức, mặc dù tất cả những người trên 18 tuổi đều đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường, nhưng chính sách này mới chỉ có hiệu lực vào tuần trước để đối phó với làn sóng gia tăng các ca nhiễm COVID-19.

Giáo sư Bartlett nói rằng nếu không có một chính sách chung về mũi tiêm tăng cường ở từng chính phủ, thì khi đó việc lây nhiễm sẽ còn tăng cao và tỷ lệ nhập viện cũng vậy.

“Lời khuyên của chính phủ đối với mũi tiêm tăng cường đã không nhất quán. Có nghĩa là mũi tiêm tăng cường đã không được triển khai theo một cách hiệu quả và dễ hiểu, và một lần nữa đã gây ra một lỗ hổng lớn trong việc bảo vệ người dân.”

Vì thế liệu nước Úc có nên lo lắng về một làn sóng lây nhiễm tương tự xảy ra ở đây hay không?

Với việc mở cửa lại biên giới, thì khả năng các ca nhiễm sẽ tăng, nhưng các nhà chức trách nói rằng nước Úc sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó.

Tiến sĩ Juno nói rằng bởi vì tỷ lệ chủng ngừa ở Úc cao, hơn 85% người trên 16 tuổi đã được nhận 2 liều, và liều tăng cường hiện cũng đã có dành cho người trên 18 tuổi ở các phòng khám GP và hiệu thuốc.

“Tôi nghĩ là có nhiều nhân tố có lợi cho chúng ta ở thời điểm này, chúng ta có đủ liều vắc-xin tăng cường và tôi cho là nó sẽ cải thiện khả năng của chúng ta trong việc làm giảm lây nhiễm. Đồng thời mùa hè cũng đang đến, hi vọng thời tiết thuận lợi này đứng về phía chúng ta, và không có những tác động xấu như mùa đông.”

Nhưng giáo sư Cunningham thì nói nước Úc phải bảo đảm những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp không bị thụt lùi và người dân tại đó phải được tạo cơ hội để tiêm chủng.

“Chúng ta cần phải tập trung vào những nơi chưa được tiêm chủng đủ, tôi đề nghị là chúng ta cần tiêm chủng với tỷ lệ 90% để giảm lượng virus đang lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là khi chúng ta mở cửa và có thêm nhiều người từ nước ngoài vào Úc, và tôi cũng cho là việc miễn dịch cho trẻ em trước mùa đông năm sau là cực kỳ quan trọng.”

Ngoài chương trình triển khai vắc-xin, các chuyên gia nói nước Úc phải tiếp tục với các biện pháp hỗ trợ như khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, để bảo vệ công dân một cách tốt nhất.

Theo SBS

 

SHARE