Contents
Hành động nhanh chóng và minh bạch của các nhà khoa học Nam Phi đã cảnh báo thế giới về biến chủng Omicron. Tuy vậy, Nam Phi đang phải nhận phần thiệt về mình.
Ngày 23/11, các nhà khoa học Botswana tải 99 mẫu gene của virus SARS-CoV-2 lên hệ thống. Đa số thuộc chủng Delta. Tuy vậy, có ba mẫu gene khác biệt với phần còn lại.
Cũng trong ngày 23/11, một nhóm nghiên cứu độc lập tại Nam Phi tải lên bảy mẫu gene gần như tương đồng. Nhóm nghiên cứu nhận thấy biến chủng này có quá nhiều dạng đột biến ở protein gai (cấu trúc giúp virus gắn vào tế bào vật chủ).
Đáng lo lắng hơn nữa, gần nửa số đột biến này xuất hiện ở các biến chủng “đáng quan ngại” trước đó (Alpha, Beta, Gamma và Delta), hoặc được giới khoa học dự đoán có thể làm tăng độc lực của virus, dựa trên kết quả thí nghiệm, theo Guardian.
Nhóm nghiên cứu nhanh chóng thông báo cho giới chức y tế Nam Phi về quan ngại của mình, cũng như tiến hành nghiên cứu khẩn cấp về mức độ lan rộng của biến chủng mới.
Nhờ kho dữ liệu toàn cầu, các nhà khoa học trên khắp thế giới có thể nghiên cứu về chủng virus mới. Chỉ vài giờ sau khi dữ liệu được chia sẻ, các nhà khoa học đã bàn luận về nó trong diễn đàn của ngành.
Công sức của các nhà khoa học
Một trong những mặt tích cực hiếm hoi mà đại dịch Covid-19 đem lại là những tiến bộ về y học. Nhiều vaccine an toàn và hiệu quả được phát triển trong chưa đầy một năm. Các loại thuốc mới được nghiên cứu và nhiều loại thuốc cũ được tận dụng để cứu sống hàng trăm nghìn mạng người.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đang giải trình tự gene ở quy mô chưa từng có. Hiện nay, kho dữ liệu công cộng đã có hơn 5,5 triệu mẫu gene. Để việc giải trình tự gene có hiệu quả, giới khoa học cần chung tay xây dựng quy trình thí nghiệm, hệ thống phần mềm hay dữ liệu.
Nhiều nhà khoa học tự nguyện làm việc này ngoài giờ mà không được trả lương. Họ tin rằng hành động của mình sẽ đem tới thêm hiểu biết cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như giúp tạo ra các loại thuốc mới nhanh hơn.
Sự hợp tác giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực gene đã chứng tỏ hiệu quả khi biến chủng Omicron xuất hiện.
Biến chủng mới nhanh chóng được đặt tên B.1.1.529 và được tập trung nghiên cứu. Khi các nhà khoa học Nam Phi đưa ra thêm nhiều bằng chứng về mức độ nguy hiểm của virus, hôm 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đưa B.1.1.529 – có tên mới là Omicron – vào danh sách biến chủng “đáng quan ngại”.
Tất cả chỉ diễn ra trong 72 giờ đồng hồ. Để so sánh, các biến chủng “đáng quan ngại” khác đều mất một vài tháng để được đưa vào danh sách của WHO.
Nỗi buồn của Nam Phi
Hành động nhanh chóng của các nhà khoa học Nam Phi đã được thế giới ghi nhận. Ngay trước cuộc họp khẩn cấp về biến chủng mới, WHO ca ngợi giới chức y tế Nam Phi vì nhanh chóng thông báo tới cộng đồng quốc tế.
“WHO bày tỏ sự biết ơn tới những nhà khoa học Nam Phi vì sự công khai và minh bạch của họ”, ông Christian Lindmeier, người phát ngôn của WHO, nói.
Trong cuộc điện đàm hôm 27/11 với người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng “ca ngợi các nhà khoa học Nam Phi nhanh chóng nhận diện biến chủng mới, cũng như chính phủ Nam Phi minh bạch trong chia sẻ thông tin. Đây nên là hình mẫu cho thế giới”, trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuy vậy, Nam Phi khó có thể vui vẻ với hệ quả của phát hiện này. Ngay sau khi biến chủng mới xuất hiện, các quốc gia nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại với các quốc gia láng giềng.
Sau khi biến chủng Omicron xuất hiện, nhiều nước đã hạn chế các chuyến bay đến Nam Phi và các quốc gia láng giềng. Ảnh: Sky News. |
Anh là nước đầu tiên ban hành lệnh cấm bay với Nam Phi, cùng với 5 quốc gia láng giềng là Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe. Lệnh cấm đã ảnh hưởng tới hàng nghìn người đi lại mỗi ngày giữa hai quốc gia, cũng như hàng chục nghìn người có ý định di chuyển trong thời gian tới
Tiếp sau Anh, hàng loạt quốc gia, từ Á sang Âu, đã ban hành lệnh cấm của riêng mình. Nhiều hãng hàng không cũng ngừng bán vé máy bay đi và đến tới Nam Phi.
Phản ứng đầu tiên của Nam Phi là sự giận dữ. Trong cuộc họp báo ngày 26/11, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla gọi hành động của Anh và các nước là “thiếu suy nghĩ và khắc nghiệt”.
“Phản ứng áp đặt biện pháp cấm đi lại của các nước hoàn toàn đi ngược với các tiêu chuẩn của WHO”, ông Phaala nói.
Tuy vậy, những lời phản đối yếu ớt của Nam Phi dường như không có tác dụng. Các biện pháp hạn chế tiếp tục được đưa ra, gây ra tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đến từng người dân Nam Phi.
“Các lệnh cấm di chuyển giống như trừng phạt Nam Phi vì đã nhanh chóng giải trình tự gene và phát hiện biến chủng mới”, Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi ra thông cáo hôm 27/11. “Sự xuất sắc trong khoa học nên được hoan nghênh, thay vì trừng phạt”.
Lời cảm ơn muộn màng
Tuy vậy, thế giới có thể làm khác không? Câu trả lời là rất khó, theo nhận định của Guardian.
Biến chủng Omicron đang trên đà lây lan. Tuy các nhà khoa học chưa thể chắc chắn 100% Omicron có độc lực hay khả năng lây lan cao hơn các chủng virus Covid-19 khác, các dấu hiệu là rõ ràng, đủ để WHO xếp vào nhóm “đáng quan ngại”.
Kinh nghiệm của thế giới trong gần hai năm qua, đặc biệt với các biến chủng Alpha và Delta, cho thấy cách tốt nhất là hành động từ sớm. Nếu biến chủng thực sự nguy hiểm, không hành động sẽ để lại hậu quả tai hại.
Các nước phát triển cần giúp đỡ Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung trong phòng chống đại dịch. Ảnh: Guardian. |
Nếu việc hạn chế di chuyển là không thể tránh khỏi, cộng đồng quốc tế có thể làm gì để giúp đỡ Nam Phi nói riêng và các nước châu Phi nói chung?
Tính đến ngày 28/11, chưa đầy 25% dân số Nam Phi đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Tuy vậy, quốc gia này vẫn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tiêm chủng khá ở châu Phi.
Gần 90% dân số châu lục chưa được tiêm mũi vaccine nào, khiến khu vực này thành nơi virus có nhiều cơ hội đột biến. Theo quan điểm của các nhà khoa học Nam Phi, biến chủng Omicron là biểu hiện của sự bất bình đẳng về vaccine trên ở quy mô toàn cầu.
Giờ đây, các nước giàu có với nguồn vaccine dư dả cần cung cấp mọi nguồn lực mà các quốc gia miền Nam châu Phi – những nước đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến chủng Omicron – đòi hỏi. Đây sẽ là lời cảm ơn tốt nhất tới Nam Phi trong hoàn cảnh này.
“Thế giới nên hỗ trợ Nam Phi và châu Phi, đừng phân biệt hay cô lập khu vực này”, giáo sư Tulio de Oliveira, chuyên gia virus học hàng đầu Nam Phi, đăng trên Twitter.
“Hãy bảo vệ và hỗ trợ chúng tôi, chúng tôi sẽ bảo vệ thế giới”, giáo sư De Oliveira viết.
Theo Zing