Trong 3 tháng, số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản giảm từ hơn 25.000 ca/ngày xuống còn vài chục ca/ngày hiện nay và hầu như không còn ca tử vong nào. Thành công của nước này khiến các chuyên gia ngỡ ngàng.
Ngày 22-11, Nhật Bản ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 mới trên toàn quốc, mức thấp nhất trong năm nay, theo báo Japan Times, trong khi thủ đô Tokyo chỉ có 6 ca bệnh mới. Ngày 21-11, Tokyo ghi nhận chỉ 20 ca bệnh mới, tiếp nối chuỗi 10 ngày liên tục có dưới 30 ca/ngày.
Vào tháng 8-2021, số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản đạt đỉnh điểm với hơn 25.000 ca/ngày – Ảnh: REUTERS
Xoay chuyển
Trong mùa hè, chính quyền Nhật Bản đứng trước nhiệm vụ gần như bất khả thi: kiềm chế biến thể Delta và đảm bảo an toàn cho Thế vận hội Tokyo. Tại thủ đô Nhật Bản, nhiều bệnh viện không còn đủ giường để tiếp nhận bệnh nhân. Đài ABC News dẫn lời ông Hiroshi Nishiura, cố vấn của Chính phủ Nhật Bản, nói rằng việc người dân gặp gỡ, tiếp xúc trong kỳ nghỉ hè góp phần khiến số ca tăng mạnh. Vào lúc đỉnh điểm giữa tháng 8-2021, Nhật Bản ghi nhận hơn 25.000 ca/ngày.
Cũng giống như Úc, chiến dịch tiêm ngừa ở Nhật Bản diễn ra chậm do chính phủ phải thử nghiệm trong nước để đảm bảo vắc xin an toàn. Nhưng hiện nay, hơn 75% của 125 triệu dân ở nước này đã tiêm ngừa đầy đủ, theo thống kê của Bloomberg. Tỉ lệ này giúp chính phủ tự tin gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp từ 1-10 và nới lỏng các biện pháp chống dịch. “Tôi đã có thể đi quán bar, cà phê, phòng gym. Mọi thứ gần như đã trở về bình thường, chỉ còn phải đeo khẩu trang mà thôi”, cô Mayuko Konno, một công dân ở Tokyo, nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia không thể chỉ chính xác lý do vì sao dịch bệnh lại giảm đột ngột như vậy. Theo giáo sư Mike Toole của Viện nghiên cứu Burnet (Úc), Nhật Bản đã thực hiện thành côngchiến dịch “vắc xin cộng” (vaccine plus), kết hợp giữa tiêm ngừa và đảm bảo các biện pháp chống dịch như giãn cách, đeo khẩu trang, xét nghiệm hiệu quả.
Ông lấy ví dụ những quốc gia có tỉ lệ tiêm ngừa cao nhưng lại thất bại vì mở cửa quá sớm như Anh và một số quốc gia châu Âu khác. Ngoài ra, thời tiết mát mẻ cũng giúp giảm số ca vì người dân sẽ hoạt động ngoài trời nhiều hơn.
“Không thể giải thích sự suy giảm ở Nhật Bản chỉ thông qua việc tiêm ngừa vì gần 30% dân số của quốc gia 125 triệu dân này chưa được tiêm chủng, vì vậy có rất nhiều chỗ cho virus lây lan”, ông Toole nói hồi đầu tháng 11-2021.
Theo kết quả khảo sát của tổ chức Hiệp hội các thống đốc quốc gia công bố ngày 21-11, vắc xin đang phát huy hiệu quả cao ở Nhật Bản. Khảo sát được thực hiện trong mùa hè vừa qua khi giai đoạn làn sóng dịch thứ năm bùng nổ khắp 47 tỉnh của nước này.
Hãng tin Jiji dẫn báo cáo đánh giá biến thể Delta lây rất nhanh trong làn sóng dịch vừa qua, gấp đôi so với làn sóng thứ tư. Số ca bùng khiến hệ thống y tế nhiều khu vực có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh ở người đã tiêm ngừa rất thấp, tại tỉnh Niigata, thậm chí không có trường hợp bệnh nặng ở người đã tiêm ngừa đầy đủ.
Tựdiệt?
Nếu những lý do trên chưa đủ thuyết phục, một nghiên cứu mới đây tại Nhật Bản thậm chí đưa giả thuyết virus SARS-CoV-2 đang tự sinh tựdiệt ở xứ sở mặt trời mọc. Ngày 18-11, Japan Times dẫn nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Viện Di truyền quốc gia (NIG) Nhật giải thích bộ gene của virus có thể đã bị biến đổi trong quá trình lây lan. Với trung bình xuất hiện hai đột biến mỗi tháng, biến thể Delta ở Nhật Bản tích lũy nhiều đột biến trên “protein vá lỗi” nsp14 khiến virus không kịp “vá lỗi” và dẫn đến tự diệt.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ trước đó xác định biến thể Delta có khả năng lây nhanh hơn gấp đôi so với các biến thể khác, đồng nghĩa với việc xảy ra đột biến nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Nhật Bản phát hiện điều ngược lại rằng biến thể tại nước này chỉ có 2 nhóm đột biến chính và các quá trình xảy ra đột biến dường như bị ngừng giữa chừng. Họ phát hiện protein nsp14 của virus bị nhiều đột biến.
Nhân viên y tế tiêm ngừa cho người dân trong một tiệm trò chơi điện tử ở Osaka, Nhật Bản – Ảnh: AFP
“Do các biến đổi tích lũy, chúng tôi tin rằng nó đã trở thành virus lỗi và không thể tự nhân lên. Xét thực tế ca nhiễm ở Nhật không tăng trong thời gian qua, chúng tôi nghĩ vào một thời điểm trong các đột biến đó virus đã đi thẳng vào con đường tự diệt”, giáo sư Ituro Inoue của NIG giải thích, cho rằng nếu virus còn sống và khỏe, số ca nhiễm chắc chắn phải tăng vì khẩu trang và vắc xin không thể ngăn toàn bộ lây nhiễm.
Nhưng dù lý do là gì, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo dịch bệnh có thể bùng lên trở lại ở Nhật Bản, nhất là vào thời điểm cuối năm với các kỳ nghỉ, tụ tập và thời tiết khắc nghiệt hơn.
Giáo sư Wada Koji, thuộc Đại học quốc tế về y tế và phúc lợi Nhật Bản, vẽ ra kịch bản dịch có thể bùng lên ở nhóm người trẻ vốn có kháng thể tự nhiên hoặc tiêm ngừa thấp hơn và lan sang các nhóm khác khi hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm dần. Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản cần đẩy mạnh việc tiêm ngừa hơn nữa trong khi chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khả năng.
Theo Tuổi trẻ