Giữ mồm giữ miệng nhận được phúc báo, nói lời thị phi chuốc tai ương

9

 

Người phương Đông từ xưa đối với vấn đề tu khẩu thì đều rất coi trọng, bởi vì hậu quả mà nó mang đến là vô cùng to lớn. Tu khẩu đã trở thành một phần rất quan trọng trong tu dưỡng bản thân. Một người có đức độ hay không thì thông qua lời nói cũng đã thể hiện được rất nhiều.

Đừng nói những chuyện thị phi của người khác để tránh tai họa

Vào triều đại nhà Minh, Văn Trưng Minh (1470 – 1559) là một trong “Ngô trung tứ tài tử”. Ông đối với lĩnh vực thư pháp và văn học đều rất có trình độ. Lúc ấy, uy tín của ông rất cao, nổi tiếng khắp vùng Giang Nam, rất nhiều học sinh đều bái ông làm thầy.

Ông bình sinh không thích nghe đàm luận về sai lầm của người khác. Nếu có người muốn nói những chuyện thị phi, ông sẽ khéo léo dẫn dắt sang những chuyện khác, làm cho người đó không thể nói được. Ông đã giữ thói quen này cả đời mình, luôn chú trọng đến việc tu khẩu.

Lúc ấy, Ninh Vương Thần Hào có ý mời Văn Trưng Minh ra làm quan, phái người mang theo văn thư và tiền vàng đến nhà của Văn gia. Văn Trưng Minh kiếm cớ nói bị bệnh nặng, nằm trên giường không dậy nổi, từ chối nhận tiền vàng và thư mời, cũng không viết thư để phúc đáp lại Ninh Vương.

Sứ giả sau khi rời đi, bạn bè mới khuyên ông: “Bây giờ, Ninh Vương là người mà cả thiên hạ đều hướng tới. Ở vương phủ hiện không có người, mới mời tiên sinh ra làm quan. Vì sao ngài lại không noi theo Mai Thừa, Tư Mã vào trong Vương Phủ hưởng thụ một phen?”

Văn Trưng Minh sau khi nghe xong, chỉ cười mà không nói gì. Ông có tài nhìn người, sự tình của Ninh Vương ông cơ bản cũng có thể biết rõ, nhưng tránh không đàm luận chuyện thị phi.

Năm Chính Đức thứ 14 (năm 1519) thời vua Minh Vũ Tông, Ninh Vương Thần Hào tại Nam Xương làm phản, cuối cùng bị Vương Dương Minh dẹp yên.

Ninh Vương bởi vì mưu phản, mà dẫn đến thân bại danh liệt. Văn Trưng Minh giữ vững bản thân, không nói chuyện thị phi của người khác, thái độ xử thế cao thượng, được mọi người kính trọng.

Nguyên nhân thi rớt

Bàn luận chuyện thị phi của người tưởng đơn giản nhưng lại mang đến những hậu quả khôn lường. (Ảnh: Kknews)

Ở thành phố Nghi Hưng có một người tên là Phan Thư Thăng. Mùa thu năm Khang Hi thứ 22, Phan Thư Thăng nằm mơ, trong mơ đi đến trường thi, đúng lúc gặp phải người đang chấm bài thi. Nha lại gọi người đầu tiên, người đó vào xong rồi, lập tức bị đá ra ngoài. Gọi người thứ hai, thì chính là Phan Thư Thăng. Gọi người thứ ba, thứ năm thì không thấy có ai đến.

Anh ta lại thấy treo trên tường có một bảng vàng, tên người đứng đầu bảng có hai chữ là “Vi Tiếp”, nhưng không thấy ghi họ. Trong chốc lát, anh ta đi tới chỗ một người mặt đỏ, người này lấy mũ sắt đội lên đầu của anh ta.

Phan Thư Thăng sau khi tỉnh lại cảm thấy rất kỳ lạ. Khi công bố kết quả thi, phát hiện ra mình đứng đầu bảng. Anh ta nhớ rõ trong mộng có nhìn thấy hai chữ “Vi Tiếp”, vì vậy đi khắp nơi để dò hỏi về người này. Về sau biết được, người này là Phó Lộc Dã ở huyện Lâu.

Phó Lộc Dã cũng rất tài hoa, ở địa phương cũng nổi tiếng là hay chữ. Quan chủ khảo đánh giá rất cao hai bài thi đầu của anh ta. Nhưng đến bài thi thứ ba thì không thấy nộp bài, cho nên anh ta không trúng tuyển.

Phó Lộc Dã rất có tài ăn nói, nhưng mà anh ta cứ thích đàm luận mấy chuyện thị phi, tốt xấu của người khác. Từng có người phân tích, Phó Lộc Dã sở dĩ không trúng tuyển, công danh bị tước mất, là vì anh ta không chịu tu khẩu.

Sau khi yết bảng, quan chủ khảo vì mến mộ tài năng của Phó Lộc Dã, nên đã đặc biệt gặp riêng anh ta. Nhưng từ đó về sau, Phó Lộc Dã phẫn uất, oán hận, không lâu sau, thì bụng trướng lên, chỉ trong một đêm là qua đời, làm cho mọi người thương cảm mãi.

Nói những lời dơ bẩn hóa thành con giun lớn

Vào thời của Phật Thích Ca , ở bên cạnh thành Vương Xá có một hồ nước, nước ở bên trong khá bẩn, thấy toàn là những thứ ô uế. Người dân trong thành đều đem những thứ dơ bẩn ở trong nhà đổ vào trong hồ.

Một lần, Phật Thích Ca dẫn những người xuất gia đến bên cạnh hồ nước, hỏi mọi người có biết nhân duyên của con giun này hay không? (Ảnh: Pinterest)

Trong hồ nước có một con giun lớn, nhìn giống như con rắn, nhưng có bốn chân, quanh năm suốt tháng ở trong hồ nước. Một lần, Phật Thích Ca dẫn những người xuất gia đến bên cạnh hồ nước, hỏi mọi người có biết nhân duyên của con giun này hay không? Mọi người đều trả lời là “Không biết”.

Phật Thích Ca đã khai thị nói, trước đây rất lâu, có 500 thương nhân đi ra biển buôn bán, thu được rất nhiều vàng bạc châu báu. Bọn họ mang những bảo vật trân quý nhất cúng dường cho tăng nhân. Lúc đó có mười vạn tăng nhân tu hành ở trong núi, tiếp nhận cúng dường của thương nhân, đem toàn bộ bảo vật đưa cho tăng nhân Ma Ma Đế cất giữ.

Lúc tiền mua lương thực đã hết, chúng tăng mới hỏi tăng nhân Ma Ma Đế về số bảo vật kia. Không ngờ Ma Ma Đế lại từ chối, mang tất cả những bảo vật đó cất làm của riêng, còn phẫn nộ mà chửi mắng mọi người: “Các người đi mà ăn phân, bảo vật này là của ta, các người dựa vào đâu mà đòi lấy đi?”. Chúng tăng thấy ông ta giận dữ như vậy, cả thân và tâm đều đã bị ma can nhiễu, nên mọi người đều rời đi.

Bởi vì Ma Ma Đế tham lam, chiếm đoạt hết báu vật, lại dùng lời cay độc mà nhục mạ chúng tăng, sau khi chết bị đọa xuống địa ngục, phải ngâm mình ở trong những thứ dơ bẩn đang sôi trào, trải qua 92 kiếp, mới có thể thoát khỏi địa ngục. Đến thời của Phật Thích Ca, Ma Ma Đế vẫn không thể đắc được thân người mà phải chuyển sinh làm con giun sống nơi dơ bẩn.

Chân Chân biên dịch

SHARE