Người Việt ở Mỹ đi chợ thời ‘bão giá’

9

 

Trước bối cảnh lạm phát nghiêm trọng tại Mỹ, một số người Việt phải chắt chiu túi tiền để thích ứng. Họ mong khủng hoảng sớm qua đi.

Thường xuyên đi chợ mua sắm thực phẩm cho gia đình trong nhiều năm qua, chị Thu Anh, 28 tuổi, ngụ tại New Orleans, Louisiana, cảm thấy tương đối “sốc” trước tình hình giá cả leo thang hiện nay.

“Một số cửa hàng ‘Một Đôla’ (dollar store) hiện không thể giữ mức giá như trước nữa mà phải tăng đến mức 1,25-3 USD. Giá xăng dầu cũng tăng đáng kể. Nếu tầm 1-2 năm trước, tôi chỉ phải chi khoảng 10 USD cho một bình xăng, con số đó hiện nay gấp 3 lần”, chị Thu Anh nói với Zing.

Lạm phát là điều mà những người sống ở Mỹ nhắc đến suốt năm 2021. Trong những tháng vừa qua, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá chóng mặt.

Theo Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tăng ở mức cao nhất trong ba thập kỷ khi giá tiêu dùng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng một năm qua về chỉ số giá tiêu dùng kể từ năm 1990 theo ghi nhận của cơ quan chức năng, theo ABC.

Những người Việt trên khắp nước Mỹ đang chứng kiến mức giá cao hơn tại trung tâm mua sắm, cửa hàng tạp hóa và cây xăng. Điều này gây ra “nỗi đau” cho túi tiền của họ khi mùa mua sắm dịp lễ hội bắt đầu.

Người mua hàng xem giá thịt tại một siêu thị ở Los Angeles ngày 10/11. Tình trạng giá cả tăng ở Mỹ dự kiến kéo dài đến hết năm 2021. Ảnh: AFP.

“Giá tăng khủng khiếp”

Trao đổi với Zing, chị Trần Liên, một người Việt định cư ở Tampa Bay, Florida cho biết mọi mặt hàng đều tăng giá chóng mặt, đặc biệt là các nhiên liệu và vật liệu xây dựng.

“Giá xăng tại khu tôi đang sống tăng từ 2,75 lên 3,25 USD/gallon (khoảng 3,8 lít). Tại các thành phố lớn, giá còn tăng khủng khiếp hơn. Giá xăng ở nhiều nơi tại California lên đến 5 USD/gallon”, chị Liên cho biết.

“Bình thường tôi đổ xăng chỉ mất 35-40 USD/bình, giờ đã tăng lên gấp rưỡi, khoảng 55- 60 USD/bình”, chị chia sẻ.

Lạm phát leo thang còn khiến giá vật liệu tăng chóng mặt, gia đình chị Liên cũng phải hoãn lại nhiều kế hoạch. “Vật liệu xây dựng tăng giá gấp đôi, gia đình tôi phải hoãn dự định sửa lại nhà tắm vì chi phí quá cao”.

“Chưa kể giá nhà cũng tăng. Người Việt mình luôn biết tích cóp và chi tiêu tiết kiệm nhưng vẫn không theo kịp. Tâm lý người Việt là muốn an cư lạc nghiệp, nhưng giá cả leo thang thế này mua cũng khó, mà sửa nhà cũng khó”, chị Liên nói với Zing.

Cùng nỗi lo với chị Liên, chị Thu Anh cho biết tại khu vực chị đang sống ở bang Louisiana, giá tăng chủ yếu ở nhóm xăng dầu và hoa quả tươi. Đồ thiết yếu cũng tăng nhưng còn tùy thuộc vào từng mặt hàng.

Đối với sinh viên Việt đang sống tại Mỹ, những ảnh hưởng của việc giá cả leo thang lại được cảm nhận khá rõ ràng. Khánh Kim, 21 tuổi, sinh viên tại San Francisco State University, chia sẻ giá cả đã tăng rõ rệt so với một năm trước. “Chi phí sinh hoạt của tôi đã tăng 250 USD so với tháng trước”.

Còn với Thanh Tùng, 20 tuổi, hiện sống tại New York, chi phí sinh hoạt của anh đã tăng nhiều so với 1-2 năm trước, đặc biệt là khoản chi dành cho ăn uống.

“Trước đó, tôi thường ăn ngoài do bản thân không sắp xếp được thời gian nấu ăn. Giá cho một bữa ăn lúc đó rơi vào khoảng 20-30 USD, trong khi chi phí đó hiện nay lên tới khoảng 50 USD”.

Không sợ giá đắt, chỉ sợ hết hàng

Bên cạnh việc tăng giá, hàng hóa cũng trở nên khan hiếm hơn. Nhiều kệ hàng nhập khẩu tại các siêu thị châu Á bị bỏ trống. Người Việt cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mua sắm các thực phẩm, hàng hóa từ quê nhà.

Theo chia sẻ của Mỹ Thuyên, một sinh viên đang theo học tại Cao đẳng Cộng đồng Thomas Nelson (bang Virginia), giá các mặt hàng tiêu dùng tại siêu thị liên tục tăng cao từ nhiều tháng nay.

“Mặt hàng nào cũng tăng giá so với trước đây, chẳng hạn một chai nước mắm Việt trước đây giá 2 USD, nay đã lên tới 9 USD, mà lúc nào cũng trong tình trạng hết hàng. Kể cả trái cây mình cũng phải chuyển qua mua loại đông lạnh để đỡ tốn kém hơn”, Mỹ Thuyên nói.

May mắn cuộc sống gia đình không bị ảnh hưởng quá nhiều, chị Thu Anh cho biết “đến nay, do chủ yếu ăn chay, gia đình tôi vẫn giữ được mức chi tiêu trong khoảng 80 USD/tuần. Nếu mua thêm thịt cá, chi phí có lẽ sẽ tăng lên 120 USD/tuần”.

Tuy nhiên, chị Thu Anh chia sẻ việc lùng mua hoa quả giảm giá cũng giúp gia đình chị tiết kiệm khá nhiều chi phí ăn uống. “Tôi thường lựa chọn những cửa hàng giảm giá hoa quả theo tuần. Thực phẩm ở đó vừa ngon vừa tiết kiệm”.

Chị cũng chia sẻ về một số cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt, điển hình là việc ưu tiên rau củ quả đang hạ giá. “Đây đều là những thói quen nên có, nhưng bây giờ lại càng cần thiết hơn để giữ mức chi tiêu của gia đình ổn định”.

“Bây giờ mình không sợ tăng giá, chỉ sợ không mua được”, chị Thu Anh nói.

Chắt chiu, tiết kiệm

Ở bang Florida, cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ghi nhận của chị Liên, cộng đồng những người làm nail ở Mỹ cũng chật vật trước tình hình giá cả leo thang.

Lạm phát khiến “giá vật liệu tăng trông thấy”, chi phí cho các dụng cụ như găng tay cũng tăng theo. Một bộ móng tăng từ 25 USD lên 30 USD, theo ghi nhận của chị Liên.

Tình hình khó khăn cũng khiến gia đình chị Liên phải thay đổi nhiều thói quen. “Bây giờ muốn mua gì cũng phải căng mắt ra xem giá, dân tình đi chợ trời và mua buôn nhiều hơn là ra các siêu thị. Gia đình tôi cũng hạn chế ra ngoài ăn và tự nấu để tiết kiệm chi phí”.

Thanh Tùng cho biết cuộc sống bản thân bị ảnh hưởng khá nhiều trước tình hình giá cả leo thang tại New York hiện nay.

“Do vẫn sống nhờ vào chu cấp của gia đình, đồng thời mức lương từ công việc làm thêm cũng không cao (chỉ khoảng 1.500-2.000 USD mỗi tháng), tôi hiện phải giảm bớt những thú vui giải trí và cố gắng tiết kiệm hết mức có thể”, Tùng nói.

Nếu tình hình này tiếp diễn trong một thời gian dài, cậu cho biết sẽ phải tìm kiếm những công việc khác, hoặc làm thêm giờ để duy trì mức sống hiện tại.

Đồng quan điểm, Khánh Kim hiện cũng phải thay đổi thói quen tiêu dùng của bản thân. Cô cho biết bản thân không duy trì tần suất ăn ngoài nhiều như trước nữa, thay vào đó chọn tự nấu nướng.

Ở một góc nhìn khác, theo ghi nhận của chị Thu Anh, cuộc sống người Việt tại bang Louisiana chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.

Anh Nguyễn Thái – 47 tuổi, sống tại bang Florida – cũng đồng tình với quan điểm trên. Gia đình anh vẫn duy trì được mức sống như cũ.

Anh chia sẻ cuộc sống gia đình không bị ảnh hưởng nhiều trước tình hình giá cả leo thang trên khắp nước Mỹ.

Đã có 27 năm sống tại Mỹ, anh nhận thấy giá thực phẩm ở Mỹ tương đối rẻ, “thậm chí còn rẻ tương tự Việt Nam, trong khi mức lương trung bình tại Mỹ lại cao hơn Việt Nam khoảng 10 lần nên tôi nghĩ cuộc sống không bị ảnh hưởng quá nhiều”.

“Người Việt chủ yếu tự mua thực phẩm để nấu ăn, trong khi giá cả tăng chủ yếu xảy ra ở các nhà hàng, nên nhìn chung cuộc sống không có quá nhiều xáo trộn”, anh Thái cho biết.

SHARE