Thế hệ trà sữa ở Mỹ

9

 

Từng bị đánh giá không có triển vọng phát triển bên ngoài châu Á, trà sữa giờ đây trở thành thức uống thời thượng, mê hoặc giới trẻ Mỹ và các nước châu Âu.

Hồi tháng 4, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên liệu, nhân công trong đại dịch đã dẫn đến cuộc khủng hoảng trà sữa trân châu tại Mỹ, theo Sixth Tone.

Việc các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây đưa tin về cuộc khủng hoảng cho thấy sức hút không hề nhỏ của trà sữa đối với người dân Mỹ.

Điều này khác xa với dự đoán của các chuyên gia về tiềm năng của trà sữa tại xứ cờ hoa vào những năm 1990. “Trà sữa sẽ chẳng đi đến đâu cả, trừ khi bạn có được một sức mạnh thần bí, cổ xưa nào đó của Trung Quốc khi uống nó”, Giám đốc Viện Nghiên cứu Xu hướng Gerald Celente nói với San Francisco Chronicle vào năm 1999.

Người mẫu Gigi Hadid thường xuyên chia sẻ hình ảnh uống trà sữa. Ảnh: MEGA, gigihadid.

Thế hệ boba

Giờ đây, dù không mang lại sức mạnh cổ xưa nào, trà sữa vẫn trở thành một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất trong số các món giải nhiệt của châu Á tại Mỹ và nhiều nước Tây Âu.

Năm 2013, nhóm nhạc kiêm diễn hài The Fung Brothers tuyên bố: “Trà sữa là thức uống mới của giới trẻ châu Á. Hãy gọi chúng tôi là thế hệ boba (trà sữa trong tiếng Anh)”.

Từ đây, trà sữa cũng trở thành dấu hiệu nhận diện của người nhập cư châu Á.

Trên Instagram, hashtag #boba có hơn 2,4 triệu bài đăng. Các meme (ảnh chế) về trà sữa trên các nhóm Facebook như “Subtle Asian Traits” thu hút hàng trăm nghìn lượt thích.

Ảnh chế về trà sữa trên trang Subtle Asian Traits.

Ngày nay, tại Mỹ, bạn có thể mua boba ở những cửa hàng sang trọng. Hình ảnh loại đồ uống này xuất hiện trên những đôi giày phiên bản giới hạn. Nhà thiết kế người Mỹ gốc Hoa Yiying Lu đã tạo ra biểu tượng cảm xúc boba được sử dụng phổ biến trong tin nhắn.

Ngay cả các chính trị gia như Hillary Clinton và Andrew Yang cũng muốn thu hút các cử tri trẻ tuổi gốc Á bằng cách tạo dáng chụp ảnh với ly trà sữa cầm trên tay.

Theo một cuộc khảo của CLSA được công bố hồi tháng 6 trên Bloomberg, 94% những người trong độ tuổi 20-29 đã mua trà sữa ít nhất một lần trong ba tháng qua.

Biểu tượng của châu Á

Câu chuyện về cách trà sữa phát triển từ một sản phẩm bị đánh giá không có tương lai ở Mỹ thành một biểu tượng văn hóa đại chúng gần như gắn liền với làn sóng nhập cư đến Bắc Mỹ.

Đầu những năm 1990, trà sữa vẫn còn quá xa lạ với người Mỹ và chỉ được bán trong các nhà hàng Trung Quốc.

Mãi đến sau năm 1999, khi thương hiệu Saint’s Alp Teahouse của Đài Loan mở một cửa hàng trên khu phố Tàu của thành phố New York, các thương hiệu trà sữa châu Á mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Ban đầu, phần lớn những cửa hàng này vẫn thuộc sở hữu của người nhập cư. Trong khi các nhà hàng Trung Quốc ở nước ngoài thường điều chỉnh thực đơn để phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Mỹ, thì nhiều tiệm trà sữa chỉ bán các loại đồ uống chưa qua chế biến, chủ yếu cho người châu Á, gốc Á.

Những cửa hàng này có vẻ đơn sơ theo tiêu chuẩn ngày nay nhưng vẫn là một phần không thể thay thế trong tuổi thơ của nhiều người Mỹ gốc Hoa.

Theo thời gian, các cửa hàng boba, với những chiếc ghế giá rẻ và danh sách nhạc pop châu Á, đã trở thành điểm lui tới phổ biến. Những người Mỹ gốc Hoa trẻ tuổi đến đây để hẹn hò, làm bài tập về nhà, hoặc gặp gỡ bạn bè.

Trà sữa trở thành thức uống đại diện cho châu Á tại Mỹ và các nước Tây Âu. Ảnh: Eater.

Nhà xã hội học Anthony Giddens nhận định đối với thế hệ người Mỹ gốc Hoa lớn lên trong những năm 1990 và 2000, trà sữa đại diện cho tuổi thơ và cả sự kết nối với quê hương của cha mẹ họ.

Tuy nhiên, bên ngoài cộng đồng châu Á, trà sữa vẫn chưa được ưa chuộng. Mãi cho đến những năm 2010, khi thế hệ boba đầu tiên lớn lên, bắt đầu có được sức mạnh tiêu dùng, hàng loạt cửa hàng trà sữa mới mọc lên và thu hút nhóm khách đa dạng hơn.

Những kệ siro và bột đóng chai trong cửa hàng cũ được thay thế bằng quầy trái cây tươi, sữa nguyên kem và trà. Lối trang trí ấm cúng nhưng trang nghiêm của các cửa hàng ban đầu cũng được chuyển đổi thành thiết kế thân thiện, hiện đại với ánh sáng rực rỡ.

Sự phổ biến của trà sữa phản ánh sự gia tăng của những người nhập cư Trung Quốc. Thoát khỏi những kỳ thị ban đầu, thứ đồ uống này còn dần trở thành biểu tượng của châu Á.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ cộng đồng châu Á đều vui mừng khi trà sữa gắn liền với văn hóa và bản sắc châu Á ở phương Tây.

Arong, người Hàn Quốc sinh ra ở Anh, nói rằng anh thích uống trà sữa nhưng bác bỏ quan niệm ​​cho rằng nó đại diện cho văn hóa quê hương anh.

Trong khi đó, Yao, sinh viên Trung Quốc ở Anh, không thích uống trà sữa và cảm thấy thất vọng mỗi khi bạn cùng phòng người Anh mặc định chọn thức uống này cho cô.

SHARE