Tranh cãi về đánh thuế giới siêu giàu Mỹ

6

 

Giới tỷ phú Mỹ giàu lên ngay cả trong đại dịch, làm dấy lên tranh cãi về đánh thuế những người giàu nhất.

Năm 2011, người biểu tình tìm cách chiếm Phố Wall, khu tài chính nổi tiếng ở thành phố New York, cũng như công viên Zuccotti gần đó để tỏ rõ sự phẫn nộ với 1% người giàu nhất nước Mỹ.

10 năm sau, mục tiêu của họ dường như đã cụ thể hơn, khi không còn nhằm vào nhóm 1% hay 0,1% chung chung, mà hướng tới những cái tên nổi bật như Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg. Ngày càng nhiều người kêu gọi chính phủ Mỹ tăng đánh thuế vào các “siêu tỷ phú” như vậy.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã đề xuất ý tưởng đánh thuế “siêu triệu phú”. Bà và thượng nghị sĩ Bernie Sanders đều ủng hộ những động thái chống lại nhóm triệu phú và tỷ phú ở Mỹ.

Trong các cuộc đàm phán về dự luật cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden gần đây, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, đã đề xuất đánh thuế tất cả người có thu nhập vượt quá 100 triệu USD trong ba năm liên tiếp.

Biểu tình Chiếm Phố Wall ở thành phố New York năm 2011. Ảnh: NY Times.

Theo phân tích dữ liệu của Forbes và Viện Nghiên cứu chính sách, Mỹ hiện có 745 tỷ phú, tăng từ mức 614 được thống kê vào tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu tấn công Mỹ. Năm 1990, con số này mới chỉ ở mức 66 người. Nhóm tỷ phú này đã thêm 2,1 nghìn tỷ USD vào khối tài sản của họ trong hơn một năm qua, nâng tổng số tài sản lên 5 nghìn tỷ.

“Bây giờ chúng ta nghe thấy nhiều từ triệu phú và tỷ phú. Chúng ta gần như đã mất khái niệm về số tiền thực sự là bao nhiêu”, Rachel Sherman, giáo sư xã hội học tại trường New School ở New York, nói.

Nhưng thách thức cơ bản với đề xuất đánh thuế tỷ phú là Mỹ không có hệ thống hoặc quy định nào yêu cầu công dân phải báo cáo tổng tài sản với chính phủ. Ngoài ra, nhóm tỷ phú cũng là tầng lớp có quyền lực và nhiều người sẽ chống lại đề xuất này.

Tỷ phú Mỹ bao gồm những người giàu có trong lĩnh vực tài chính và công nghệ đời đầu, cũng như các gia đình tỷ phú nhiều thế hệ như Waltons và Marses. Một số tỷ phú nổi lên trong đại dịch gồm Robert Langer, đồng sáng lập hãng sản xuất vaccine Covid-19 Moderna, nhà đầu tư Timothy Springer, ngôi sao truyền hình thực tế Kim Karrdashian West, ông trùm giải trí Tyler Perry, hay Whitney Herd, người sáng lập ứng dụng hẹn hò Bumble ra mắt năm nay.

Sam Bankman-Fried, 29 tuổi, là một ví dụ điển hình cho tầng lớp tỷ phú mới nổi ở Mỹ. Năm 2011, khi cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall xảy ra, Bankman-Fried mới là một sinh viên của MIT. Anh làm việc tại Phố Wall vài năm sau khi tốt nghiệp và năm 2017, tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử.

Bankman-Fried thành lập Alameda Research, tổ chức kinh doanh tiền điện tử ở California vào năm 2018, sau đó chuyển tới Hong Kong để lập sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử FTX. Tổng tài sản hiện tại của Bankman-Fried là 26,5 tỷ USD.

Bankman-Fried không ủng hộ đánh thuế tỷ phú. “Lo lắng lớn nhất của tôi là việc đánh thuế chưa thực nhận sẽ dẫn tới phải bán tháo cổ phiếu, gây ra xáo trộn và khiến nhiều công ty quyết định không niêm yết cổ phiếu”, tỷ phú trẻ nói.

Người giàu nhất thế giới Elon Musk cũng lên tiếng phản đối đề xuất đánh thuế. “Cuối cùng, khi họ tiêu hết tiền của những người khác, họ sẽ tìm tới bạn”, ông viết trên Twitter.

Một tính toán của Forbes cho thấy nếu Musk chi một triệu USD mỗi năm trong 100.000 năm liên tiếp, tài sản của ông vẫn còn nhiều hơn Bill Gates. Tổng tài sản của Elon Musk hiện là hơn 281 tỷ USD, trong khi Bill Gates có gần 138 tỷ USD.

Trong khi đó, Morris Pearl, cựu giám đốc điều hành BlackRock và là người đứng đầu nhóm Triệu phú Yêu nước, tin rằng giới siêu giàu hiện nay ở Mỹ đang nộp thuế quá thấp. “Tôi đang ngồi trên chiếc ghế thư giãn ở đảo nghỉ mát Hilton Head và phải trả mức thuế thấp hơn nhiều những người làm việc kiếm sống”, Pearl nói.

Nhóm Triệu phú Yêu nước, mà Pearl hỗ trợ thành lập năm 2010 để thúc đẩy tăng thuế với người giàu, hiện có hơn 200 người có tài sản ròng cao ở Mỹ. Tổng tài sản của nhóm đã tăng thêm 25% trong đại dịch, nhưng chưa có ai là tỷ phú.

“Mỹ luôn rất nhân nhượng với bất công, miễn rằng mọi người tin rằng các quy tắc là công bằng và bất kỳ ai cũng có thể đạt được điều đó. Chính điều này đã làm thay đổi những quy tắc vốn không công bằng”, Chuck Collins, giám đốc chương trình bất bình đẳng tại Viện Nghiên cứu chính sách, nói.

Chuyên gia này cho rằng vấn đề tăng thuế ngày càng trở nên được quan tâm trước thực tế nhóm giàu nhất nước Mỹ đang phải trả một khoản thuế tương đối thấp so với tầng lớp trung lưu. Từ Hồ sơ Pandora tới tài liệu thuế mà ProPublica công bố, trong đó tiết lộ cựu tổng thống Donald Trump chỉ đóng 750 USD tiền thuế trong nhiều năm, thông điệp chung là những người giàu nhất đang phải trả ít nhất, theo Collins.

“Chúng ta biết các tỷ phú đã kiếm được một số tài sản lớn từ xã hội, ngay cả trong đại dịch. Hai thực tế này đã dẫn tới thuế tỷ phú trở thành ý tưởng được ủng hộ rộng rãi”, Collins nói.

Nhưng sự ủng hộ này không đồng nghĩa ý tưởng đánh thuế người giàu sẽ khả thi về mặt chính trị, bởi vẫn vấp phải phản đối như của thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin. Manchin cho rằng giới siêu giàu là những người “tạo ra nhiều việc làm, đầu tư nhiều tiền và cống hiến rất nhiều cho các hoạt động từ thiện”.

Nhiều người Mỹ ngầm thừa nhận rằng giới siêu giàu theo đuổi hoạt động từ thiện và các mục đích ưa thích của họ, thay vì đóng góp cho ngân sách. “Kế hoạch của tôi là sử dụng tiền để đưa nhân loại lên Sao Hỏa và bảo vệ ánh sáng nhận thức”, Musk nói.

Tỷ phú Elon Musk tại một sự kiện ở thủ đô Washington DC, Mỹ hồi tháng 3/2020. Ảnh: AFP.

“Ý tưởng rằng ‘đó là tiền của tôi và tôi nên là người quyết định làm gì với nó’ rất chiếm ưu thế và nó đi cùng với văn hóa chủ nghĩa cá nhân, cho phép họ thấy rằng tài sản do họ làm ra chứ không phải hưởng lợi từ xã hội”, giáo sư Sherman nói.

Abigail Disney, cháu gái của Roy Disney, đồng sáng lập công ty Walt Disney, cho rằng lối suy nghĩ đó của không ít người Mỹ là trở ngại chính để tăng thuế với giới siêu giàu.

“Các tỷ phú có thể rất giỏi và tôi không nghi ngờ về IQ của Elon Musk. Nhưng họ không tự làm bất kỳ điều gì”, bà nói. Bà cũng tự hỏi về sự khôn ngoan của những người giàu nhất nước Mỹ, khi họ cho rằng mình là người giỏi nhất và chính phủ không nên trông đợi gì vào tiền của họ.

“Trong lần đi dạo gần đây ở khu vực vịnh San Francisco, tôi đã nhìn thấy 7 chiếc du thuyền liên tiếp được đặt tên theo nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Ayn Rand đậu sát nhau. Họ cần phải làm điều gì đó có nghĩa lý hơn”, Disney nói.

Thanh Tâm (Theo NY Times)

SHARE