Ông Biden đối phó ông Trump bằng kinh tế

38

Ông Biden cam kết ưu tiên cho người lao động Mỹ trong chiến lược tranh cử mới và cho rằng lời hứa về kinh tế của ông Trump đã thất bại.

Phát biểu tại sự kiện tranh cử ở bang chiến trường Pennsylvania hôm 9/7, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, đã trình bày tầm nhìn kinh tế theo chủ nghĩa dân túy, nhằm khôi phục và tái đầu tư vào sản xuất của Mỹ. Ông còn kêu gọi chi ngân sách nhiều hơn và có các quy định mới nghiêm ngặt hơn trong chính sách “Mua hàng Mỹ”, nhằm thách thức Tổng thống Donald Trump trên hai vấn đề trọng điểm: kinh tế và chủ nghĩa dân tộc.

Biden tiếp tục chỉ trích phản ứng với Covid-19 của Trump đã khiến khủng hoảng kinh tế thêm trầm trọng và sai lầm khi tập trung vào thị trường chứng khoán, đồng thời nêu khẩu hiệu “Xây lại tốt hơn” cho chương trình nghị sự kinh tế của mình.

Thông điệp “Mua hàng Mỹ” của Biden dường như bắt nguồn từ Trump, người từng tranh cử năm 2016 với lời kêu gọi “Nước Mỹ trên hết” và từng viết trên Twitter trong ngày nhậm chức rằng “Mua hàng Mỹ” và “Thuê người Mỹ” là hai quy tắc lãnh đạo của ông.

Biden nói kế hoạch của ông sẽ thúc đẩy chính sách thương mại, thuế và đầu tư để đẩy mạnh đổi mới trong nước, giảm phụ thuộc vào sản xuất nước ngoài và tạo thêm 5 triệu việc làm cho người Mỹ.

“Tôi không cho rằng sức sống của ngành sản xuất Mỹ chỉ là câu chuyện của quá khứ”, Biden nói tại nhà máy sản xuất đồ kim loại ở Dunmore. “Khi chính quyền liên bang tiêu tiền thuế của dân, chúng ta nên sử dụng nó để mua hàng hóa Mỹ và hỗ trợ việc làm cho người Mỹ”.

Ứng viên Dân chủ Joe Biden tại sự kiện ở Dunmore, bang Pennylvania, hôm 9/7. Ảnh: AP.

Cùng ngày, Phó tổng thống Mike Pence bắt đầu chuyến vận động tranh cử bằng xe buýt khắp Pennsylvania, dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của bang này trong chiến dịch tranh cử của cả hai đảng.

Chiến dịch của Biden đang “thắng thế” trong nhiều cuộc khảo sát gần đây, nhưng các cố vấn của ông, cũng như nhiều chiến lược gia đảng Cộng hòa, vẫn nhận thấy kinh tế là lĩnh vực “điểm yếu” của ông trong cuộc đua với Trump. Chiến dịch của Tổng thống, cũng như bản thân Trump, đã cố gắng tranh luận rằng nền kinh tế Mỹ dưới thời ông đang bùng nổ cho tới khi đại dịch xuất hiện.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện gần đây thông báo với các thành viên về kết quả khảo sát cho thấy Trump giành lợi thế về kinh tế. Cuộc thăm dò gần đây của NYTimes/Siena College chỉ ra kinh tế có thể là điểm sáng duy nhất đối với Tổng thống, ngay cả khi ông bị dẫn trước 14 điểm phần trăm về kết quả khảo sát chung.

“Một vấn đề mà Trump có thể ‘ghi điểm’ là ông có khả năng xử lý vấn đề kinh tế tốt hơn”, Stephen Moore, thành viên đội khôi phục kinh tế của Trump, nói. Ông thêm rằng chương trình nghị sự của Biden, gồm việc bãi bỏ một số chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Trump, sẽ gây tổn hại nền kinh tế.

Biden từ lâu đã tự coi mình là người đấu tranh cho người lao động Mỹ, đặc biệt trong vai trò phó tổng thống dưới thời Obama, khi ông lãnh đạo nhóm phụ trách cải thiện đời sống tầng lớp trung lưu và giám sát thực hiện dự luật kích thích kinh tế 2009. Nhưng ông cũng đối mặt với nhiều chỉ trích từ Trump và đối thủ cũ là thượng nghị sĩ Bernie Sanders, vì đã ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mĩ những năm 1990 và nhiều thỏa thuận sau đó.

Bài phát biểu ở Pennsylvania là bước đầu tiên trong kế hoạch của Biden những tuần tới, nhằm giới thiệu chi tiết chương trình nghị sự kinh tế rộng lớn hơn, vượt xa những gì ông đề xuất trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Hôm 9/7, Biden đã đề xuất tăng 300 tỷ USD ngân sách nghiên cứu và phát triển công nghệ như xe điện, mạng 5G, cùng 400 tỷ USD ngân sách chi tiêu liên bang cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ.

Biden mô tả đây là mức đầu tư “chưa từng thấy kể từ Đại Suy thoái và Thế chiến II”, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là mang thịnh vượng đến mọi nơi ở Mỹ, bất kể chủng tộc và địa lý. “Số tiền này sẽ được sử đụng đúng mục đích để đảm bảo tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi”, ông nói.

Chiến dịch của Biden đang xây dựng mạng lưới quảng bá chiến lược kinh tế của ông ở các bang chiến trường quan trọng, như Arizona, Wisconsin, Ohio, Michigan hay Minnesota.

Khi chiến dịch của Trump ngày càng tập trung khơi dậy làn sóng phân biệt chủng tộc, Biden và đội ngũ tranh cử của ông nỗ lực tạo ra “nền kinh tế cho tất cả người Mỹ”.

“Donald Trump có thể tin rằng việc người Mỹ đấu đá lẫn nhau có thể đem lại lợi ích cho ông ấy, còn tôi thì không”, Biden nói. Cuối bài phát biểu, ông đã viện dẫn nhiều bình luận gần đây của Trump để bảo vệ cờ Liên minh miền Nam và cáo buộc Tổng thống “cố tình gây chia rẽ” nước Mỹ.


Người Mỹ xếp hàng chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Frankfort, bang Kentucky, tháng trước. Ảnh: AFP.

Từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử hơn một năm trước, Biden đã nói rằng Phố Wall không phải là cỗ máy kinh tế thực sự của Mỹ. Cựu phó tổng thống cũng từng chỉ trích Trump quá tập trung vào thị trường chứng khoán, xem như thước đo thành công, trong khi hàng chục triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giữa đại dịch.

“Trong suốt cuộc khủng hoảng này, Donald Trump gần như chỉ tập trung vào thị trường chứng khoán như Dow hay Nasdaq, chứ không phải bạn hay gia đình bạn”, Biden nói.

Biden đang lên kế hoạch cho 4 bài phát biểu về chiến lược kinh tế trước thềm Hội nghị Quốc gia Dân chủ vào tháng 8 và bài phát biểu hôm 9/7 là bước đầu tiên. Ba bài phát biểu tiếp theo sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, sau đó là xây dựng lực lượng lao động của lĩnh vực giáo dục và chăm sóc thế kỷ 21 và cuối cùng là kế hoạch nhằm “thúc đẩy bình đẳng chủng tộc ở Mỹ”.

Biden đã đề xuất phương án tăng thuế để thu gần 4 nghìn tỷ USD bù đắp cho kế hoạch chi tiêu của ông. Cụ thể, Biden muốn đảo ngược các chính sách cắt giảm thuế cho người thu nhập cao, thay vào đó tăng thuế nhắm vào giới giàu và các tập đoàn.

Trợ lý chiến dịch tranh cử nói rằng Biden cũng đề xuất nới thâm hụt ngân sách vào năm tới để giúp nền kinh tế phục hồi sau suy thoái vì đại dịch, dựa trên khoản vay mới trị giá hơn ba nghìn tỷ USD mà quốc hội và Trump mới thông qua.

Nhiều cố vấn cho biết Biden sẽ dành ưu tiên cho vấn đề phân biệt chủng tộc, giữa lúc suy thoái kinh tế đã gây ảnh hưởng nặng nề hơn cho lao động da màu. “Chủng tộc không phải là vấn đề trong việc phát triển chương trình nghị sự toàn diện về kinh tế, mà là cột trụ trong đó”, Darrick Hamilton, nhà kinh tế học tại Đại học bang Ohio tham gia nhóm chuyên trách của Biden, nói.

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

SHARE