Sống ở đời, sướng hay khổ là bởi cái tâm, giàu hay nghèo là do biết đủ. Vậy nên, đừng đổ lỗi cho người khác, cũng đừng đổ thừa cho số phận. Việc bạn sống sung sướng, hạnh phúc hay khổ đau đều do bản thân bạn chọn lựa. Khi đối diện với một vấn đề rắc rối nào đó, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi.
Nhân sinh vô thường, biết bao người đang bị “danh, lợi, tình” trói buộc, chìm trong vòng xoáy của dục vọng, mong cầu hạnh phúc nhưng cuối cùng lại nhận toàn khổ đau. Dục vọng của con người hoàn toàn không thể thỏa mãn được. Nếu một mực cưỡng cầu thì nhất định sẽ sinh ra phiền não.
Con người sống truy cầu danh lợi vốn là để được hạnh phúc, vui vẻ, nhưng rất nhiều người vì truy cầu không được lại đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc vốn có của chính mình. Đây đúng là cái vòng luẩn quẩn của nhân sinh.
Có thể thấy rằng, tâm biết đủ quan trọng đến mức nào đối với sinh mệnh của một người. Suy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu lắm thứ như thế?
Huống chi, tiền dù nhiều đến mấy, chức vị cao đến đâu đi nữa cuối cùng đến lúc sinh mệnh lìa đời thì đâu còn ý nghĩa gì? Hết thảy những vinh quang, phú quý và vật chất không mang theo được, rất trống rỗng và hư vô.
Từ xưa đến nay, có bao nhiêu người cả đời lao tâm lao lực, đến lúc vinh hoa phú quý, công thành danh toại, tưởng rằng như thế là hạnh phúc, khoái hoạt. Nhưng quay đầu lại nhìn thì hóa ra, hạnh phúc lại không phải ở nơi ấy…
Người như vậy ở nơi nào cũng có, họ rốt cuộc cuối cùng là thành công hay thất bại?
Người biết đủ sẽ không chọn cách sống như vậy, họ cự tuyệt cách sống “chui đầu vào cái giỏ danh lợi”, bởi vì họ biết sớm muộn rồi cũng sẽ bị “danh lợi” làm khổ cả đời. “Danh lợi” tuy rằng ở một mức độ nào đó sẽ khiến con người khoái hoạt, hạnh phúc nhưng dục vọng “danh lợi” mãi cứ không ngừng gia tăng thì chỉ có thể làm cho người ta thống khổ mà thôi. Cho nên, cổ nhân giảng: “Thấy đủ thường vui”.
Biết đủ thường vui
Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ Trời xanh ban phúc. Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”
Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là phúc sao?”
Nhiều người nhìn vị tiên sinh này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông biết đủ, niềm hạnh phúc của ông đến từ đó.
Có câu nói rất hay rằng: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng”. Bởi vậy mới nói: “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn”. Ở trong cùng một tình cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi.
Có tâm biết đủ là quý trọng những gì có ở hiện tại, chúng ta đừng nên nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã và đang có được. Nếu không quý trọng, thì những thứ đang có hiện tại cũng rời bỏ chúng ta mà đi.
Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có. Ví như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người, nhưng mọi người lại thường xem nhẹ, đến lúc sắp mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì đã muộn.
Hiểu được điều mình cần là hạnh phúc
Một người bạn từng kể với tôi về chuyện anh ta đi thăm người thân là một bà cô. Bà cô này cả đời chưa từng mang vừa chân một đôi giày nào, mà thường mang những đôi giày lớn hơn cỡ chân.
Khi người khác hỏi bà vì sao lại như thế, bà liền nói: “Giày cỡ lớn hay nhỏ đều cùng giá tiền, vậy tại sao lại không mua cỡ lớn hơn chứ?”.
Mỗi lần tôi kể lại chuyện này, rất nhiều người lại ôm bụng cười lăn lộn. Thế nhưng, trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những “bà cô” như vậy. Ví như, có người không phải nhà văn, lại viết ra những tác phẩm dày cộp, đắng chát; có người không phải họa sĩ, lại hết lần này tới lần khác vẽ ra những bức họa siêu cấp, khổng lồ…
Rất nhiều người không ngừng truy cầu những điều to lớn, kỳ thật chỉ là do tham dục thúc đẩy, giống như mua đôi giày lớn, mà quên mất cỡ chân của chính mình. Bất luận là mua giày gì, vừa chân là quan trọng nhất, bất luận theo đuổi cái gì, có chừng có mực chính là thông minh nhất.
Cảnh tùy tâm chuyển: Sướng hay khổ là do tự mình quyết định
Cuộc đời là của bản thân mình, sống như thế nào xét cho cùng là do tự mình định đoạt. Không ai ngăn cản bạn thoải mái, cũng không ai ngăn cản bạn tự tại, càng không có ai hạn chế được niềm hạnh phúc của bạn. Người duy nhất có thể quyết định cuộc đời bạn, chỉ duy có chính bạn mà thôi.
Phật gia có một câu nói rất hay, chính là “không hướng ngoại mà cầu” hay “ngoài tâm không có pháp”. Cho nên, vui vẻ là ở tâm, tự tại là ở tâm, tự do là ở tâm, hạnh phúc cũng là ở tâm.
Trong cuộc sống, có thể có những lúc chúng ta ở vào tình huống “thân bất do kỷ”, phải làm những việc mà trong lòng không mong muốn. Nhưng ai có thể hạn chế được nội tâm của bạn đây? Trong lòng bạn như thế nào chỉ có thể là do chính bạn định đoạt.
Một số người có thể sống vui vẻ trong hoàn cảnh nào đó, nhưng một số khác lại không làm được. Vậy mới nói, tâm an thì mọi thứ đều sẽ an, dù ở trong tình cảnh không thuận lợi nhưng vẫn có thể vui vẻ thoải mái, không cần phải cố gắng tìm kiếm con đường khác.
Một số người vĩnh viễn không biết thỏa mãn, cứ mãi chạy theo những truy cầu, tranh đấu ngược xuôi, cuối cùng, mục tiêu của họ càng ngày càng rời xa. Những người như thế, họ có thể đạt được thành công rất lớn, nhưng khi ngoảnh đầu nhìn lại, niềm vui lại chẳng có được bao nhiêu.
Hết thảy buồn vui đều do chính mình quyết định, nó không phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan. Ví như, một phụ nữ không ham thích châu báu ngọc ngà, thì dù bảo vật chất thành núi ở ngay trước mặt, cũng không thể khiến cho họ động tâm.
Một thư sinh nghèo, thà ôm vạn quyển sách, cũng không đồng ý trao đổi với trăm vạn kim cương. Người thỏa mãn với cuộc sống thanh đạm nơi thôn dã sẽ không mưu cầu bất cứ thứ gì như học giả, hư vinh, hoặc quan to lộc hậu.
Cuộc sống càng bình thản thì nội tâm sẽ càng xán lạn. Đâu cần phải phô trương, nội tâm an bình mới là an bình thực sự.
Lan Hòa biên tập