Câu hỏi tuyển dụng ‘vui vẻ’ của Jeff Bezos là: “Có tất cả bao nhiêu ô cửa kính trong thành phố?”
Bài viết là chia sẻ của Ann Hiatt – một cựu chiến lược gia ở Thung lũng Silicon. Cô có 15 năm kinh nghiệm làm cộng sự với hàng loạt lãnh đạo công nghệ như Jeff Bezos, Marissa Mayer và Eric Schmidt. Gần đây, Hiatt đã thành lập và đảm nhiệm vai trò CEO của một công ty tư vấn với khách hàng là các CEO trên toàn cầu.
Ann Hiatt hiện là CEO của một công ty tư vấn.
Tôi nộp hồ sơ xin việc tại Amazon, vị trí trợ lý năm 2002. Thời điểm đó, tôi không có bất kỳ mối quan hệ nào tại công ty, không có bằng khoa học máy tính và hoàn toàn không có kinh nghiệm làm trợ lý cho một CEO.
Và đây là trải nghiệm phỏng vấn xin việc của tôi:
Những cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi tại Amazon nhiều đến chóng mặt. Tôi đã có các cuộc phỏng vấn trực tiếp với tất cả trợ lý cấp cao của công ty, một số trong đó kéo dài cả ngày.
Thậm chí, còn có một cuộc phỏng vấn diễn ra trong văn phòng tối, chỉ có ánh sáng của màn hình máy tính dày đặc code cùng một chiếc đèn ngủ nhiều màu sắc ở góc phòng. Nhưng vì đã quen với việc dân công nghệ thường khá kỳ quặc (cha mẹ tôi làm trong lĩnh vực này), tôi không bị bối rối trong cuộc phỏng vấn đặc biệt đó.
Vài tháng sau, khi không thấy hồi âm, tôi nghĩ là mình đã thất bại. Tuy nhiên, một nhà tuyển dụng của Amazon đã gọi điện và mời tôi đến văn phòng để phỏng vấn lần cuối. Cô ấy xin lỗi vì quá trình tuyển dụng kéo dài hơn dự kiến và hứa rằng đây sẽ là buổi phỏng vấn cuối cùng. Nhưng người này không hề nói với tôi là đích thân Jeff Bezos sẽ phỏng vấn.
Hiatt phải “đối mặt” với Bezos trong buổi phỏng vấn cuối cùng (Ảnh: Internet).
Câu hỏi tuyển dụng đầu tiên của Jeff Bezos
Tôi cảm thấy khá thoải mái khi bước vào buổi phỏng vấn. Bezos bước vào, ngồi đối diện tôi và giới thiệu bản thân. Ông ấy hứa rằng sẽ chỉ hỏi đúng 2 câu và câu đầu tiên sẽ là một câu hỏi “vui vẻ”.
“Tôi muốn bạn làm phép tính. Có tất cả bao nhiêu ô cửa kính trong thành phố?”, Bezos vừa nói vừa vẽ vài ô cửa lên bảng trắng.
Tôi nhất thời bị bất ngờ bởi yêu cầu này. Sau đó, tôi hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh và nhắc nhở bản thân về “động cơ” của Bezos khi hỏi câu đó. Tôi đoán rằng việc này là để xem tôi nhanh nhạy ra sao và ông ấy muốn thấy cách tôi chia nhỏ một vấn đề phức tạp để quản lý.
Tôi bắt đầu bằng số người ở Seattle – khoảng 1 triệu người. Sau đó, tôi giả sử mỗi người có 1 ngôi nhà, 1 chiếc ô tô và 1 văn phòng hoặc trường học – tất cả đều có ô cửa sổ. Và chúng tôi cùng làm phép tính, xem xét mọi tình huống có thể xảy ra, sự bất thường cùng những trường hợp ngoại lệ. Tôi nói, Bezos điền vào bảng trắng các con số liên quan. Quá trình này mất hơn 10 phút và cuối cùng, ông ấy viết ra ước tính cuối cùng rồi nhận xét: “Nghe có vẻ đúng đấy”.
Vậy là xong câu hỏi “vui vẻ”.
Câu hỏi tuyển dụng thứ 2 của Jeff Bezos: “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?”.
Tôi nói rằng Amazon đã được chứng minh là một công ty đầy những người tham vọng và đam mê. Tôi muốn giống như họ và học hỏi từ họ. Điểm mạnh của họ là những thứ mà cá nhân tôi muốn phát triển. Dù trước đây có mục tiêu trở thành giáo sư nhưng tôi đã thay đổi quan điểm và muốn trải nghiệm tại Amazon.
Tôi cũng nói thêm rằng mình không có kinh nghiệm làm trợ lý nhưng luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nên ở ngoài vùng an toàn để phát triển và thành công.
Sau đó, không để tôi phải chờ đợi thêm, Bezos thông báo ngay tại chỗ là tôi đã được tuyển dụng. Ông ấy chỉ cho tôi bàn làm việc chỉ ở cách chỗ mình ngồi 3 bước chân. Đó là chiếc bàn ở gần Bezos nhất trong công ty.
Phải mất nhiều năm tôi mới hiểu được tại sao Bezos lại dành cho một ứng viên không có kinh nghiệm như tôi cơ hội việc làm đó. Ông ấy muốn tạo ra những nhóm nhân viên đầy tham vọng, sáng tạo trong công việc, bất chấp việc họ thiếu một số kỹ năng chuyên môn.
Nguồn: CNBC