Con trai và con dâu đi Mỹ 24 năm chưa thấy quay về, mẹ 92 tuổi ngày đêm mong đoàn tụ

171

Sinh ra ở vùng quê nghèo khó, nhiều người trẻ ao ước được “đi đây đi đó” để mở mang tầm mắt, thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, không phải hành trình nào cũng suôn sẻ, như câu chuyện sau đây để lại một sự nhức nhối đau lòng.

Bà Tôn Nữ Thị Yến (92 tuổi, ở Thừa Thiên – Huế), là một người mẹ đang mỏi mòn tìm con đã đi Mỹ 24 năm. Con trai bà Yến là ông Nguyễn Tôn Đức, sinh năm 1967, con thứ 6 trong gia đình 9 anh chị em. Năm 1997, ông Đức xin mẹ sang Mỹ sống cùng vợ.

Lần cuối cả nhà quây quần bên nhau là trong một bữa tiệc chia tay được tổ chức tại Huế. Theo lời kể của gia đình, ông Đức từng làm việc cho một công ty dầu khí, đồng thời mở trường học và thuê người ngoại quốc về dạy tiếng Anh cho học sinh ở Vũng Tàu.

Vợ của ông Đức là người cùng làng. Đám cưới xong, cô dâu qua Mỹ trước, ít lâu sau Đức cũng theo vợ, lúc này 2 vợ chồng chưa có con. Ban đầu, bà Yến không cho con trai đi Mỹ. Ông Đức năn nỉ: “Mạ (mẹ) cho con đi, con đi cỡ 5 năm rồi về với mạ”, “Hay là sau này mạ qua bên nớ (kia) với con”.

Nghe vậy bà trả lời: “Mạ không biết tiếng Anh răng (sao) mà đi, mạ không đi đâu”. Cuối cùng vì thương hai vợ chồng mới cưới đã xa nhau nên bà cũng xuôi: “Bây đi đi, đi rồi về sớm với mạ, nghe!”. “Tốt nghiệp đại học, Đức được trường giữ lại dạy nhưng con từ chối để vô Vũng Tàu. Lúc đó, tôi thường đưa các cháu vào thăm chơi. Kể từ khi con đi, tôi vào đó để làm gì nữa”, người mẹ buồn kể.

Cụ bà thường xuyên lấy ảnh con trai và con dâu ra ngắm (Ảnh: Thanh Niên)

Những năm qua, gia đình thi thoảng nhận được thư từ, hình ảnh từ Mỹ gửi về. Lúc thì nhận qua bưu điện, khi thì có người xưng là bà con bên nhà vợ ông Đức đem về. Tất cả đều được người mẹ ngoài 90 tuổi cất giữ cẩn thận, song vẫn bị thất lạc ít nhiều.

Trong số đó, năm 2002, bà Yến nhận được một bức thư báo tin ông Đức bị tai biến, đã điều trị 3 năm nhưng chưa thể tự đi đứng, tắm rửa và cầm đũa, nói chuyện khó khăn, có thể sẽ uống thuốc suốt đời… Người mẹ chỉ nhớ lần gần nhất nhận tin là qua những bức ảnh vợ chồng con trai chụp chung trong chuyến đi chơi nhân dịp nghỉ lễ Noel năm 2013, lúc này ông Đức đang ngồi xe lăn.

Gia đình cho hay, thời đó điện thoại chưa phổ biến nên việc liên lạc cũng đứt quãng. Sau này, con cháu trong nhà đi tìm dựa theo địa chỉ trên thư nhưng không có kết quả. Từ đó, đêm nào bà Yến cũng ngồi trước cửa ngó ra. Nhiều lúc khóc than: “Con ở phương xa không thấy mặt mạ, mạ cũng không thấy mặt con”.

“Mấy anh em thấy vậy xót xa và mủi lòng lắm, thương vợ chồng em Đức, thương cả mạ. Ai cũng buồn, sốt ruột và tha thiết muốn gặp em. Mạ nay già cả, con cháu trong nhà một lần nữa quyết tâm đi tìm em về đoàn tụ với gia đình”, người con trai cả thổ lộ.

Còn người mẹ Huế bộc bạch: “Con mình đẻ ra mà không nhớ thì nhớ ai. Hai năm qua dịch dã nên càng lo lắng hơn. Tôi muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay được gặp lại các con một lần. Bao nhiêu năm chờ con chờ dâu, mạ nhớ bây, về với mạ, nghe”.

Ảnh cưới của người con trai được cụ bà cất giữ cẩn thận (Ảnh: Thanh Niên)

Có lẽ, hình ảnh về người Việt bỏ quê xa xứ và bị đứt liên lạc với gia đình không còn là câu chuyện hiếm gặp. Thế nhưng, lặng nghe những tâm sự của cụ bà 92 tuổi, vẫn thấy có chút xốn xang, nhói lòng khi một gia đình không thể đoàn viên, và nỗi đau dai dẳng khiến cho người mẹ cả đời không thể an yên, vui vẻ để sống.

Sinh ra và lớn lên ở làng quê, không ai muốn từ bỏ nơi đã cho mình tuổi thơ, gia đình và sự nghiệp nhưng đôi khi vì cuộc sống quá khó khăn, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc phải chọn, nên những người trẻ đành từ giã nơi chôn nhau cắt rốn, tới một vùng đất hoàn toàn xa lạ, tự bươn chải, mưu sinh.

Dần dần, guồng quay công việc khiến họ liên lạc ít đi với gia đình. Có những người thực sự vô tâm để mẹ cha già ở lại, chỉ biết tập trung kiếm tiền mong cho mình đổi đời càng sớm càng tốt, để được về quê hương “rạng danh” dòng họ.

Nhưng cũng có những người, vì biến cố mà không thể liên lạc cho gia đình, đặc biệt là khi bệnh tật đột ngột ập tới, như trong câu chuyện của ông Đức, đã bị tai biến, phải ngồi xe lăn, thậm chí sống phụ thuộc nhờ sự chăm sóc của gia đình nhà vợ và có lẽ, ông bị mất sạch ký ức về gia đình.

Có lẽ chỉ những ai đã từng trải qua hoàn cảnh này, chỉ người trong cuộc mới thấm thía được nỗi đau của việc bỏ xứ mà đi, trở thành người tứ cố vô thân. Cái giá cho sự đánh đổi nhiều rủi ro, nhiều đắng cay chua chát.

Nếu nỗ lực để được giàu có, nhiều người lại bảo họ may mắn nhờ cơ hội xuất ngoại đổi đời, nếu thân bại danh liệt thì một mình họ phải âm thầm chịu đựng, chẳng có gia đình để dựa vào, để khóc cười, vì quê hương đang ở rất xa xôi.

Một lần nữa, lặng nhìn hình ảnh của người mẹ già đang mòm mỏi chờ con trai, con dâu trở về, chỉ mong có điều kỳ tích, có phép màu xảy ra, giúp cho cụ bà được thanh thản và hạnh phúc trong quãng đời ít ỏi còn lại.

Còn người trẻ chúng ta, xin hãy tự nhắc nhở nhau rằng, dù đi đâu, làm gì, hãy luôn giữ liên lạc với gia, thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe của người thân. Hôm nay, còn có thể gặp gỡ, nói chuyện, nắm tay, ôm hôn đã là điều quý giá vô cùng, sau này có bao nhiêu bạc, vàng… cũng không thể mua được.

Nguồn: Thanh Niên

SHARE