Texas, California, Florida đều ghi nhận số ca qua đời do Covid-19 kỷ lục sau khi số ca mắc bệnh tại đây tăng mạnh trong hơn 2 tuần qua trong bối cảnh thế giới có thêm nhiều điểm nóng bùng phát.
Bloomberg dẫn số liệu thống kê cho biết, California ghi nhận 149 ca qua đời trong ngày 8/7, cao nhất từ trước đến nay. Thống đốc Gavin Newsom cho biết, đây là con số tổng hợp của những ngày trước đó của một số hạt, và cao hơn so với kỷ lục 115 ca qua đời/ngày hồi tháng 4.Cùng ngày, Florida cũng ghi nhận kỷ lục 120 ca qua đời do Covid-19. Bloomberg cho hay, 48 bệnh viện của Florida đều đã không còn trống phòng hồi sức cấp cứu.
Trong khi đó, Texas cũng ghi nhận số ca qua đời do Covid-19 lập kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp và lần đầu vượt 100 ca qua đời/ngày. Trong vòng 3 ngày trở lại đây, Texas đều ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc Covid-19/ngày, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên hơn 230.000 ca.
Dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát mạnh trở lại tại Mỹ khi có tới 40 bang ghi nhận tình trạng số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, ít nhất 10% trong tuần trước. Mỹ hiện là tâm dịch lớn nhất thế giới với hơn 3 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 130.000 người đã qua đời.
Covid-19 bùng phát mạnh trở lại buộc nhiều bang tại Mỹ phải hoãn hoặc rút lại kế hoạch mở cửa kinh tế. Về phần mình, bác sĩ Anthony Fauci, một thành viên ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của chính phủ Mỹ, cho rằng, các bang có số ca mắc Covid-19 tăng mạnh vẫn có thể kiềm chế dịch bùng phát bằng việc ngừng mở cửa kinh tế xã hội, thay vì đóng cửa hoàn toàn lần thứ hai. “Thay vì lại đóng cửa hoàn toàn, tôi cho rằng chúng ta cần ngừng quá trình mở cửa”, ông Fauci nói.
Theo ông Fauci, do tác động khó lường của Covid-19, ví dụ có bệnh nhân không triệu chứng trong khi có bệnh nhân nguy kịch trong các phòng hồi sức cấp cứu, khiến đại dịch này rất khó kiểm soát. “Không phải nói quá, đó thực sự là một cơn bão hoàn hảo, một bệnh truyền nhiễm và một cơn ác mộng khủng khiếp nhất”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Fauci cho rằng, 4 bang chiếm tới 50% số ca mắc mới toàn quốc gồm Arizona, California, Florida và Texas cần quyết liệt yêu cầu người dân giãn cách xã hội, trong đó có việc đóng cửa các quán bar, cấm tụ tập đông người. “Nếu có thể làm đồng thời những việc này tôi tin gần như chắc chắn chúng ta sẽ thấy đường cong dịch tễ đi xuống”, ông nói.
Dịch tăng tốc trên toàn cầu
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần này cảnh báo: “Đại dịch Covid-19 đang tăng tốc và rõ ràng chưa có dấu hiệu đạt đỉnh”. Tuy nhiên, ông Tedros cũng nhấn mạnh, dù số ca mắc mới tăng mạnh, nhưng các nước vẫn có thể kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh.
“Một số nước đã có những tiến triển đáng kể trong việc giảm tỷ lệ qua đời do Covid-19, thì tại một số nước, trong khi đó con số này tiếp tục tăng. Tại các nước thành công trong việc giảm số người ςɧết vì Covid-19, họ đã có những hành động mục tiêu nhằm vào những nhóm dễ bị tổn thương nhất như những người sống trong các viện dưỡng lão”, ông Tedros nói.
Ông Tedros cho biết thêm, cuối tuần này, chuyên gia của WHO sẽ đến Trung Quốc để chuẩn bị các kế hoạch khoa học với các đối tác Trung Quốc nhằm xác định nguồn gốc Covid-19, tìm hiểu cơ chế lây lan từ động vật sang người.
Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 12,3 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 550.000 người qua đời. Ngoài Mỹ và Brazil, thế giới cũng đang xuất hiện thêm nhiều điểm nóng bùng phát dịch khác. Trong ngày 9/7, thế giới ghi nhận thêm hơn 221.000 ca mắc mới, và gần 5.500 ca qua đời. Mỹ ghi nhận kỷ lục hơn 60.500 ca mắc mới, trong khi Brazil ghi nhận gần 43.000 ca mới trong vòng 24 giờ qua.
Trong vòng 24 giờ qua, châu Á ghi nhận hơn 55.000 ca mắc mới, trong khi Bắc Mỹ thêm 72.000 ca, Nam Mỹ hơn 61.000 ca. Châu Phi trong ngày hôm qua ghi nhận thêm hơn 19.000 ca, trong đó riêng Nam Phi chiếm kỷ lục gần 14.000 ca, cao nhất từ trước đến nay.
Theo Reuters, CNBC