Vì đời không như mơ nên có những hiện thực cuộc sống khắc nghiệt mà chẳng ai dám nghĩ đó là sự thật. Đó cũng là nỗi niềm của lao động Việt tại Nhật Bản.
Đằng sau hình ảnh người nằm chen người, hành lí chất chồng ở những căn phòng cũ kĩ, ọp ẹp là câu chuyện “Người Việt lao động ở Nhật Bản trở về nước” mang nhiều chua xót.
Còn nhớ bài viết cuối năm 2018 được một trang mạng xã hội đăng tải với tựa đề: “Bộ sưu tập phía sau tờ đô la” kèm theo đó là những hình ảnh người Việt lao động tại Nhật Bản gây xôn xao cộng đồng mạng khi phản ánh hiện thực cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt của người lao động Việt tha hương cầu cực nơi xứ người.
Để được xuất khẩu lao động sang các nước làm việc không phải là chuyện dễ dàng, đa phần các gia đình Việt Nam phải vay tiền để làm thủ tục cho người thân đi xuất khẩu lao động. Ai cũng tin rằng đó là số tiền đầu tư hợp lí để thay đổi cuộc sống khó khăn ở quê nhà, bởi mức thu nhập ở xứ người cao hơn, sẽ sớm có tiền gửi về nhà, không chỉ trả được nợ mà còn mua đất và xây nhà to.
Tuy nhiên, đời thường không như mơ và thực tế thì luôn phũ phàng bất ngờ. Với người có việc làm, họ phải giam mình trong công xưởng tối ngày, chưa kể tăng ca mới có được mức lương gọi là “ổn”. Vất vả vậy nhưng người có việc để làm vẫn may mắn hơn những người bỏ một đống tiền sang nước người để rồi lâm vào cảnh vô gia cư, ở lại thì không làm gì ra tiền để sống mà về quê nhà thì càng không xong.
Mới đây, bài viết với nội dung phản ánh cuộc sống bấp bênh hiện tại của rất nhiều người lao động Việt tại nước ngoài của T.V – người từng xuất khẩu lao động tại Đài Loan đã về nước, với tựa đề: “Trở về nước! Nỗi đau người trở về, nỗi buồn người ở lại”, diễn tả chi tiết hoàn cảnh đầy tréo ngoe và khó trăm bề của người lao động Việt đã khiến nhiều người phải lặng mình suy ngẫm và bày tỏ sự xót xa.
Nguyên văn bài viết như sau:
“Thời gian gần đây ngày nào tôi cũng nhận được tin nhắn và điện thoại của các anh chị em mới sang Đài Loan chưa được bao lâu thì bị cho về nước với lý do vỡ hợp đồng công ty hết việc hoặc chờ chuyển chủ nhờ sự giúp đỡ
Phải nói chưa năm nào Đài Loan lại khủng hoảng kinh tế trầm trọng như năm nay khủng hoảng hơn cả năm 2008 kinh tế suy thoái toàn cầu. Người Đài Loan thất nghiệp nhiều đến mức báo động và kéo theo đó là lao động nước ngoài đang ở Đài Loan không có việc làm.
Trước hết tôi xin nói sơ qua về những câu hỏi khó trả lời của những bạn hơi mù tịt thông tin rằng tại sao các chị , các cô các bà cứ rêu rao Đài Loan không việc mà mọi người ở lâu đến thế?
Xin thưa đó là lớp gà cựu từ những năm 2004 toàn tầng lớp ô sin đã ngoài 40 – 50 tuổi. Tầm tuổi ấy toàn giúp việc già làng có về Việt Nam cũng chỉ ngồi đuổi gà hoặc chơi với con với cháu và tầm ấy họ đi Đài Loan chả đáng bao nhiêu tiền chi phí. Nhận lương thấp từ vài ngàn đài tệ nhưng tích cóp lại theo năm tháng bán tuổi xuân để mua đất làm nhà ở Việt Nam.
Còn thực tại bây giờ thì sao? Không thể nói là các công ty có lao động nước ngoài đều không có việc làm cho công nhân và không có những công ty môi giới tốt . Rất ít và hiếm có công ty như vậy. Nhưng để công nhân của mình có tích luỹ, có của ăn của để giờ chỉ còn là mò kim đáy bể. Mỗi ngày có hàng trăm lao động bị phá hợp đồng đưa về nước vì công ty không việc.
Có công ty 36 người mới sang được 2 tháng công ty vỡ nợ về cả 36 người vì không tìm nổi chủ để mà đổi chủ. Có công ty 11 người mới sang được 2 tuần cũng kí giấy trở về. Thậm chí có những công ty còn sẵn sàng cho công nhân ở nhờ 2 tháng bao ăn để chờ chuyển chủ nhưng cuối cùng về vẫn hoàn về.
Vậy tại sao các công ty môi giới biết là không có việc làm mà vẫn ra sức kêu gọi đưa công nhân sang rầm rập nhiều đến thế?
Xin thưa : công nhân có việc làm hay không có việc là việc của mày còn về hay ở họ đều có lợi tức là tiền vẫn vào túi họ . Đơn cử bỏ ra 6000 USD sang 4 tháng công ty cho chuyển chủ – nếu tìm được chủ vẫn phải nộp 15.000 đt tiền chi phí còn nếu không chuyển được về Việt Nam chỉ còn lĩnh lại được khoảng 3800 USD mất trắng 2200 USD .
Rất nhiều em hỏi em sang 1 năm giờ công ty không có việc cho em về em được lấy lại có 2300 USD giờ em làm sao trả nợ? Làm 8 tiếng làm 1 ngày nghỉ 1 ngày hay thứ 7 chủ nhật nghỉ triền miên đang là sự thật 100% ở đảo ngọc này .
Cuối cùng môi giới vẫn ăn đủ dù công nhân có phải về nước vì không việc. Có 1 câu chuyện thật buồn cười ra nước mắt : Bố em lao động mất, công ty kí giấy cho về 2 tuần. Sang lại công ty bảo: mai không phải đi làm nữa công ty hết việc, tự tìm được chủ thì ở lại không tìm được thì về Việt Nam.
Ngày nào cũng hàng 100 tin nhắn, điện thoại nhờ tìm việc cho anh chị em lưu vong, rồi nhờ chuyển chủ , nhờ tư vấn đòi tiền môi giới. Tôi thật sự cũng chả biết làm gì.
Nói gì thì nói cuối cùng chỉ khổ người lao động. Bỏ ra 1 đống rạ đi nhặt về từng cọng rơm. Nếu cứ đà kinh tế Đài Loan xuống dốc như này sẽ có hàng ngàn người lao động nghèo dở khóc dở cười đi thì khó về thì dễ như trở bàn tay nhiều hơn nữa .
Người phải trở về thì đau đớn vì nợ nần, vì mất việc, vì lời chê bai của xóm làng không hiểu rõ thực trạng đang diễn ra tại xứ người.
Người ở lại công việc bấp bênh, không việc làm, lương thấp không có tiền gửi về quê
ĐÚNG LÀ NỖI ĐAU CHO NGƯỜI TRỞ VỀ VÀ NỖI BUỒN CHO NGƯỜI Ở LẠI .
TÔI VỀ VIỆT NAM RỒI CHỈ THƯƠNG ANH CHỊ EM Ở LẠI . TRỞ ĐI MẮC NÚI TRỞ LẠI MẮC SÔNG !”.
Bài viết của T.V mang tính chất quan điểm cá nhân, nên vẫn chưa thể khẳng định sự chính xác hoàn toàn. Tuy nhiên, với những gì chúng ta đã được thấy và nghe, không chỉ ở Đài Loan mà tại nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,… thì không nhiều thì ít, thực trạng này vẫn đang tồn tại và tiếp diễn.
Thế mới nói, trước khi quyết định làm một điều gì đó bản thân mỗi người phải suy nghĩ thật thấu đáo. Đừng đánh cược tất cả những gì mình có để mua một chuyến phiêu lưu mà bạn còn chưa biết đích đến là gì.