Trung Quốc: Vỡ 14 đê; lũ Trường Giang chảy ngược vào hồ nước ngọt lớn nhất – Đại hồng thủy xuất hiện!

46

Nhà chức trách Trung Quốc ngày 10/7 dự báo sắp xảy ra “đại hồng thủy” – tức lũ lớn – mang tính cục bộ ở lưu vực hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây.

Cảnh báo “đại hồng thủy” ở lưu vực hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc

Hồ Bà Dương – nằm trên địa bàn ba thành phố Cửu Giang, Thượng Nhiêu, và Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây – được biết đến là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc , đồng thời là hồ lớn thứ hai của nước này, xếp sau hồ Thanh Hải.

Hồ Bà Dương là một trong những nhánh chính ở hạ lưu của sông Dương Tử (Trường Giang). Diện tích mặt hồ trong thời điểm mực nước bình thường (14-15m) là khoảng 3.150 km2 và có thể lên tới 4.125 km2 khi mực nước dâng lên 20m.

Căn cứ tình hình mưa lớn ở các khu vực lân cận sông Dương Tử và tại 5 con sông đi qua địa bàn tỉnh Giang Tây, Bộ chỉ huy phòng chống hạn hán lũ lụt tỉnh này tối qua, 10/7, đưa ra dự báo “đại hồng thủy” sắp xảy ra ở lưu vực hồ Bà Dương.

Vỡ 14 đê trên địa bàn huyện Bà Dương, Giang Tây

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 11/7 đưa tin, do ảnh hưởng của mưa lớn ở vùng thượng nguồn ở tỉnh An Huy, thị trấn Cảnh Đức (Giang Tây), hồ chứa xả lũ, cùng với mưa lớn tại bản địa, trên toàn huyện Bà Dương của tỉnh Giang Tây đã có 14 đê bao xuất hiện tình trạng vỡ đê – bao gồm 2 đê lớn, khiến tình hình lũ lụt tại đây hết sức nghiêm trọng.

Vào 20h35 tối 8/7 (giờ địa phương), đoạn đê dài khoảng 50m tại thị trấn Bà Dương, huyện Bà Dương, đã bị vỡ, khiến nước lũ ở lưu vực Xương Giang tràn vào phá hoại diện tích khoảng 1.000 hecta đất trồng ở vùng trũng, đồng thời 9.000 người dân phải sơ tán trong đêm đến địa điểm an toàn.

Theo CCTV, việc một loạt sông hồ chủ yếu của tỉnh Giang Tây đồng loạt xảy ra lũ lớn đủ tiêu chuẩn đánh mã số “Hồng thủy” theo quy định của Trung Quốc, mực nước vượt cảnh báo là hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử.

Từ cuối tháng 6, mực nước hồ Bà Dương bắt đầu dâng lên nhanh chóng. Hiện mực nước ở cửa khẩu hồ này đã vượt mức cảnh báo lũ 2.3m, cao hơn 3.9m so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây, hồ này ghi nhận 8 ngày liên tiếp mực nước dâng lên ở mức trên 0.4m, trong đó ngày dâng cao nhất là 0.6m.
Theo giới chức địa phương, trong các ngày 6-8/7 vừa qua, tại cửa khẩu hồ Bà Dương đã xảy ra tình trạng dòng nước từ sông Dương Tử đổ ngược vào hồ, với tổng dung tích lên đến 300 triệu m3, lưu lượng lớn nhất là 3.160 m3/s.

Đến nay, hồ Bà Dương đã lần đầu tiên trong năm ghi nhạn diện tích mặt nước vượt 4.000 km2.

Một cây cầu cổ ở huyện Wuyuan, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, bị nước lũ hủy hoại, ngày 9/7/2020 (Ảnh: VCG)

Sau khi thiên tai leo thang, gần 1.700 nhân viên các lực lượng đã được huy động để chi viện cho huyện Bà Dương. Đến 13h ngày 9/7, giới chức bản địa đã nâng mức cảnh báo ứng phó khẩn cấp với lũ lụt từ Mức II lên mức I.

Chính quyền tỉnh Giang Tây ngày hôm nay, 11/7, cũng đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt từ Mức II lên Mức I.

Mưa lớn cùng Covid-19 là thách thức kép với Trung Quốc

Ở diễn biến khác, tờ Nhật báo kinh tế (Trung Quốc) ngày 10/7 đưa tin, 130 con sông đi qua 11 tỉnh thành Trung Quốc đã phát sinh các trận lũ vượt mức cảnh báo. Dự báo trong những ngày tiếp theo, vùng trung và hạ lưu Trường Giang tiếp tục có mưa vừa và lớn, mưa rất lớn cục bộ, vớt lượng mưa vào khoảng 30 mm đến 50 mm. Lưu vực nhiều sông hồ được cảnh báo có khả năng xảy ra hồng thủy ở mức độ tương đối lớn.

Các chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh công tác phòng chống lũ đang ở giai đoạn quan trọng, khi nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19 và thiên tai đang là thử thách kép với hệ thống quản lý ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thiên tai của nước này.

Wang Zhangli, quan chức Bộ Thủy lợi Trung Quốc (MWR), khuyến cáo các địa phương cảnh giác cao độ với mưa lớn năm nay. Quan chức Zhang Jiatuan từ Bộ quản lý ứng phó khẩn cấp (MEM) thì kêu gọi thực thi đồng thời các biện pháp đa dạng để vượt qua thách thức kép.

Theo Hải Võ

Trí thức trẻ

SHARE