ĐAN MẠCHDù đã ôn luyện cả tháng, hôm ra mắt nhà trai, Emma ngập ngừng chào mẹ chồng: “Em chào má”. Gặp ông cậu chồng, cô lễ phép cúi đầu: “Con chào cẩu”.
Buổi tối cuối tuần, trong ngôi nhà tại Sønderborg, một thành phố ở miền nam Đan Mạch, Emma, 21 tuổi, tỉ mỉ bày món phở gà ra rồi kéo chồng và con trai hai tuổi rưỡi vào bàn ăn. Chồng cô, anh Huỳnh Quang Vinh, 32 tuổi, háo hức nếm thử rồi giơ ngón tay cái khen ngợi: OK!
Emma nheo mắt cười, lấy chiếc nĩa vớt sợi phở như kiểu mỳ ống rồi đưa lên miệng. “Bảo học cầm đũa ăn đi không chịu”, anh Vinh bật cười, nói với vợ bằng tiếng Đan Mạch. Cô gái mặt bí xị, lắc đầu ra chiều bất lực.
Dù đã kết hôn với chàng trai Việt quê ở Biên Hòa (Đồng Nai), ông chủ một nhà hàng châu Á ở Sønderborg, Emma thú nhận cô không thể thay đổi thói quen ăn uống của mình dù đã rất cố gắng.
Emma kể, trước khi yêu và cưới anh Vinh, cô sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà gần nhà hàng của anh Vinh. Cả nhà cô thỉnh thoảng đến đây ăn tối. “Ngay lần đầu, cả tôi và ba mẹ đã khen anh ấy nhìn dễ thương, cư xử lịch thiệp. Nhưng bố tôi chê anh hơi già”, cô gái ăn mặc theo phong cách Rock, cười nhớ lại.
Sáng sáng, Emma dắt hai chú chó cưng đi dạo nhưng thường cố liếc mắt vào nhà hàng để tìm kiếm gương mặt quen. Để có cơ hội gặp mặt chàng thanh niên Việt mà mình đã phải lòng, cô thường xuyên đề nghị bố mẹ đến nhà hàng của anh chủ người Việt để ăn tối.
Vài tháng sau, cô rủ bạn đến ăn ở quán anh Vinh. Muốn tiếp cận anh chủ, Emma mang vỏ chai nước vừa uống xong vào quầy trả lại. Đúng lúc này, anh Vinh tiến về phía cô xin số điện thoại.
“Tôi ấn tượng vì cô ấy rất xinh và ăn mặc cực ngầu. Thời gian trước nghĩ cô ấy có bạn trai nên không dám tiếp cận”, người đàn ông quê Biên Hòa, kể. Trở lại bàn, cô gái Đan Mạch khi đó 18 tuổi mặt đỏ tưng bừng đến nỗi người bạn đi cùng cò tưởng cô bị sốt.
Anh Huỳnh Quang Vinh và bạn gái thường xuyên về Việt Nam du lịch. Dù sợ tiếng còi xe máy, nhưng sau vài lần về Việt Nam, Emma thích ngồi sau xe máy để chồng đèo dạo phố. Với cô, người Việt Nam thân thiện, đáng yêu, nhưng đường sá bụi bặm và nhiều rác. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Từ đó, hai người nói chuyện hàng ngày, nhắn tin qua facebook. “Tôi thường xuyên ngắm ảnh anh đến 3-4 giờ sáng rồi ngủ thiếp đi. Đến khi mở mắt ra, cầm điện thoại lên là thấy mặt anh”, Emma tâm sự. Cô chủ động rủ anh đi dạo trong rừng vào buổi tối. Đầu dính đầy mạng nhện nhưng anh bạn trai người Việt “chẳng thấy phiền toái chút nào”.
“Emma xinh đẹp và không phải cô gái cá tính bụi bặm như vẻ bề ngoài. Cô ấy hay thẹn thùng, ít nói và khép nép như một phụ nữ Á Đông. Điều đó làm tôi thấy thật gần gũi”, anh tiết lộ.
Hơn một tháng yêu nhau, anh Vinh về ra mắt bố mẹ bạn gái. Anh có ba chị gái, thấy các anh rể lúc nào cũng sợ bố vợ nên anh Vinh “khá run”. Thấy ông xuất hiện, Vinh vừa bước, vừa hít thật sâu để trấn tĩnh. Mặc quần dài, áo thun, nên thấy bố vợ tương lai – vốn là dân kinh doanh mặc vest đĩnh đạc, bắt tay, anh bấn loạn trong bụng. Hai người vừa chào hỏi xong, ông bố đã nói: “Bác nghe Emma nói đến cháu từ lâu. Cảm ơn vì đã cố gắng chịu đựng con gái bác”. Chàng trai Việt thở phào, đáp luôn: “Dạ, cháu cũng đang cố”.
Vài tháng sau, hai người dọn về sống chung khi Emma mang bầu con trai Vincent.
Nhưng màn ra mắt nhà chồng tương lai của Emma lại không được suôn sẻ như khi Vinh gặp bố mẹ cô. Ở Đan Mạch, mọi người chỉ xưng tên, nhưng anh Vinh có tới 60 người họ hàng gốc Việt đang sinh sống tại đây. Ở nhà, văn hóa Việt vẫn được duy trì giống như khi đang ở trong nước.
Đôi trẻ lên kế hoạch ra mắt họ hàng vào ngày đầu tiên của năm mới. Anh Vinh cấp tốc luyện tiếng Việt cho cô. “Cậu là em trai của má, chú là em trai của ba. Dì là em gái mẹ, bác là anh trai ba hoặc má”, anh lần lượt giải thích cho bạn gái hiểu. Sau đó, anh dạy cô phát âm vai vế gắn với tên của hơn 60 thành viên trong gia đình. “Tiếng Việt rất khó. Cách phát âm thì giống nhau. Tôi đã rất vất vả”, Emma nhớ lại.
Dù biết mọi người sẽ thông cảm với cô con dâu ngoại và không câu nệ chuyện chào hỏi, nhưng muốn gần gũi, cả hai quyết tâm học. Trong bữa cơm hàng ngày, trong lúc đi dạo đôi trẻ lại tranh thủ ôn luyện. “Emma luôn cố gắng học hỏi để những người xung quanh vui vẻ. Điều ấy khiến tôi trân trọng vợ”, anh Vinh nói.
Ngày gặp mặt gia đình đầu năm mới, Emma khép nép bước theo bạn trai. Bước qua cánh cửa, mặt cô ửng đỏ. “Em chào má”, cô ngập ngừng. Mẹ anh Vinh bật cười, khoe với những người xung quanh: ” Nè nè, con dâu nó xưng với tui là em”. Sau đó, cô quay sang anh rể tên Lượng chào hỏi: “Em chào anh Lông”, làm cả nhà phì cười.
Tới lượt cậu của chồng xuất hiện, cô dâu người Đan Mạch lễ phép cúi đầu: “Con chào cẩu”. Nghe xong, ông cậu trêu cặp vợ chồng trẻ: “Ôi trời, cậu mà nó dám gọi là cẩu”. Anh Vinh quay sang vợ giải thích bằng tiếng Đan Mạch “cẩu có nghĩa là chó”. Emma há miệng, rối rít xin lỗi.
“Mọi người chỉ đùa, không những không giận mà còn quý vì biết cô ấy đã rất cố gắng gần gũi mọi người”, anh Vinh nói.
Emma làm mẹ ở tuổi 19. Cô được anh Vinh nhận xét là người vợ biết chiều chồng, chăm con và nỗ lực xóa nhòa khác biệt văn hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sống ở đất nước có nhiệt độ trung bình 5 độ C nên lần đầu về thăm quê chồng ở Việt Nam, vừa xuống sân bay, Emma đã bị sốc nhiệt. Cô gần như lả đi vì nóng. Nhưng ra phố, Emma lập tức “tỉnh lại” vì tiếng còi xe máy inh ỏi phía sau. “Tôi ngộp thở vì hàng dài xe máy nối đuôi nhau. Bụi khói làm hai má tôi lấm lem”, cô nhắc kỷ niệm về quê chồng.
Trong chuyến về thăm đó, có hôm anh Vinh ra ngoài lo công chuyện, Emma ở nhà với chị chồng. Họ “nói chuyện mỏi hết cả tay” và dù đã phải cầu cứu đến Google dịch, Emma và chị chồng vẫn không thể hiểu ý nhau. Bất lực, bà chị chồng phải gọi điện vượt đại dương sang Đan Mạch nhờ một người chị khác biết cả hai thứ tiếng phiên dịch giúp. Anh Vinh kể, khi ba anh còn sống, lần nào ông muốn trò chuyện, dặn dò con dâu, anh cũng phải đứng giữa hai người để sắm vai phiên dịch.
Sau vài lần bỡ ngỡ, hiện giờ, Emma thích ngồi sau xe máy để chồng đèo đi ngắm phố phường Việt Nam mỗi dịp hai người về nước. Cô cũng đã biết cách xưng hô với mọi người phù hợp nhất.
Ngoài ngôn ngữ, sở thích ăn uống của hai người cũng có khác biệt. Anh chồng yêu món Việt, trong khi cô vợ trẻ thích các món ăn Đan Mạch hơn.
Vinh dạy vợ cách nấu món Việt, cách dùng đũa gắp thức ăn. Nhưng chỉ đợi chồng quay mặt đi, Emma lại với lấy nĩa. Trước kia, nếu ăn phở, cô sẽ chắt hết nước rồi dùng nĩa vớt sợi phở. Bây giờ, dù đã quen với món Việt nhưng Emma vẫn không thể ăn bằng đũa. Cô gái Bắc Âu không thể ăn mắm tôm, sợ món thịt chuột và trứng vịt lộn.
Để chiều lòng vợ, họ cân bằng món Âu và món Việt trên bàn ăn. Emma cũng học cách nấu những món Việt đơn giản để chồng thưởng thức. “Ban đầu, cô ấy ướp gia vị tất cả các món đều y như nhau. Dù món ăn khác nhau nhưng đều cùng một mùi vị”, anh Vinh kể. Về sau, được chồng góp ý, cô tự lên YouTube học nấu nên chất lượng món ăn dần cải thiện. Mùi vị Việt trong món ăn của vợ được anh Vinh nhận xét chỉ đạt 60%, nhưng anh khá hài lòng.
Emma và anh Huỳnh Quang Vinh có con trai hai tuổi rưỡi tên Vincent. Cậu bé nói tiếng Đan Mạch với mẹ và trò chuyện với bố bằng tiếng Việt. Vợ chồng anh Vinh xây dựng một kênh YouTube giới thiệu về cuộc sống Bắc Âu, thu hút khá đông người theo dõi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trước khi sống chung một nhà với Emma, anh Huỳnh Quang Vinh từng quen nhiều cô gái ngoại quốc, nhưng chưa từng nghĩ sẽ “lấy vợ tây”. “Khi yêu thật sự và duyên đủ lớn, ranh giới của khác biệt văn hóa sẽ bị xóa nhòa. Chúng tôi cố gắng dung hòa để cả hai đều cảm thấy dễ chịu”, anh nói.
Emma và anh Vinh dự định sống lâu dài ở Đan Mạch và chỉ về Việt Nam vào các kỳ nghỉ. Cô con dâu ngoại cũng khuyến khích con trai học tiếng Việt để trò chuyện với gia đình nội.
Dù khó khăn, nhưng cô gái cho biết sẽ nỗ lực học tiếng Việt để có thể tâm sự với mẹ chồng.
Phạm Nga
theo vnexpress.net