Năm năm trước, Denise được hàng nghìn người giúp tìm mẹ ruột ở Việt Nam nên hôm nay, nữ doanh nhân đang trên hành trình làm nhiều việc trả ơn quê nhà.
Cô gái Thụy Điển gốc Việt Trần Thanh Hương, 30 tuổi, (Denise Sandquist) có một bản sơ yếu lý lịch khá ấn tượng. Cô thông thạo 6 thứ tiếng, từng là một nhà ngoại giao làm việc ở Moskva. Cô cũng là một doanh nhân và vận động viên boxing. Hiện tại Denise là CEO một startup phát triển ứng dụng hẹn hò, đặt trụ sở tại TP HCM.
Ý tưởng lập ứng dụng hẹn hò đến với cô sau khi tìm thấy mẹ vào Giáng sinh năm 2016. Trước đó, Denise đã hai lần về Việt Nam tìm mẹ đẻ vào các năm 2013 và 2015 nhưng không thành công. Lần thứ 3, những người bạn đã giúp cô chia sẻ câu chuyện lên mạng. Chỉ sau vài ngày, hàng nghìn người lan tỏa bài viết và rất nhiều tờ báo lớn nhỏ ở Việt Nam đăng tải câu chuyện. Mười tám ngày sau bài đăng, Denise nhận được một cuộc điện thoại, đầu dây bên kia là giọng của một người phụ nữ: “Mẹ đây”.
Dòng máu chảy chung khiến hai mẹ con từ đó kết nối với nhau mạnh mẽ. Cuộc đoàn tụ cũng khiến cô gái 25 tuổi nghĩ nhiều về cách những người thuộc về nhau tìm thấy nhau, dù không biết cách thức hay phương tiện nào để bắt đầu mối liên lạc. “Điều đó đã khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về tầm quan trọng của những kết nối và muốn làm điều gì đó đền đáp những người Việt giúp đỡ tôi vô điều kiện”, Denise chia sẻ.
Thời điểm đó Denise vẫn chưa biết phải làm gì. Cô chỉ chắc chắn một điều sẽ sang sống và làm việc tại Việt Nam. Khi nói chuyện với những bạn gái Việt độc thân, cô nhận ra nhiều người đang phải chịu áp lực chọn chồng, trong khi không thể tin tưởng các ứng dụng hẹn hò. “Tôi muốn làm một ứng dụng mà tại đó phụ nữ có một môi trường an toàn thể hiện chính mình, thay vì những rủi ro và chóng vánh thường thấy ở các app khác”, cô gái gốc Việt chia sẻ.
Denise chia sẻ ý tưởng này với Oscar Xing Luo, một người bạn, quen biết khi cùng quản lý dự án sinh viên hợp tác giữa Đại học Kinh tế Stockholm và Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển.
Được truyền cảm hứng từ câu chuyện tìm mẹ của Denise nên Oscar quyết định nghỉ việc tại iFlytek, công ty công nghệ AI của Trung Quốc để sang Việt Nam cùng chị lập nghiệp. “Chị ấy là sự bù trừ tuyệt vời cho chính sự hoài bão của tôi – một người thích tập trung vào những kế hoạch”, Oscar, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo, cho hay.
Từ khi quyết định làm app năm 2020, Oscar chuyển đến sống tại TP HCM để chuyên tâm cho sản xuất, chỉ đạo kỹ thuật. Trong khi đó, Denise chịu trách nhiệm chiến lược tổng thể và tài chính của công ty, song song vẫn giữ chức giám đốc kinh doanh một tập đoàn lớn. Đến tháng 5 vừa qua, trong chuyến về thăm Thụy Điển, Denise mới nghỉ việc, dành toàn thời gian cho công ty mình.
Gần nửa năm bị mắc kẹt ở châu Âu vì Covid-19, Denise phải thức dậy từ trước 4h sáng mỗi ngày để làm việc với nhân viên ở Việt Nam. Nhưng cũng chính trong thời gian này, nữ CEO đã kết nối được với các nhà đầu tư ngoại quốc và gọi vốn thành công 1,6 triệu USD.
“Đó là một cột mốc đáng để ăn mừng. Trong gần một năm thành lập, công ty đã chạy bằng vốn của tôi và Oscar. Khoản tiền này sẽ giúp chúng tôi đầu tư mở rộng quy mô công ty”, Denise nói.
Ra mắt thời điểm này năm ngoái, đến nay ứng dụng hẹn hò của Denise và Oscar đã có hơn 800.000 lượt tải. Từ một nhóm nhỏ với 7 thành viên, giờ đã phát triển thành một công ty, tạo việc làm cho hơn 30 nhân viên người Việt.
“Đứa con tinh thần” của họ ra đời trong bối cảnh trên thị trường đã có hơn 100 ứng dụng hẹn hò, nhưng họ tin mình sẽ thành công bởi điểm khác biệt của app là người dùng phải xác minh danh tính trước khi hồ sơ được duyệt.
Qua đó công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ dựa vào gu và cá tính riêng của người dùng để đưa ra những đề xuất phù hợp cho khách hàng trong những lần kết đôi tiếp theo. Giống như trên Netflix sẽ đề xuất cho bạn bộ phim theo gu thì ở đây cũng thu hẹp phạm vi tìm kiếm người bạn muốn hẹn hò, thay vì “lướt đại”. Ngay cả khi đã thành đôi, ứng dụng vẫn có môi trường cho các đôi tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ.
Cô gái gốc Việt cho rằng có rất nhiều cách để đóng góp cho Việt Nam. Trước mắt với công ty khởi nghiệp này, cô sẽ tạo ra một nền tảng kết nối, giúp mọi người có nhiều sự lựa chọn và tìm được các mối quan hệ chất lượng trong một môi trường an toàn, đặc biệt là phụ nữ Việt có được quyền lực, sự phát triển và khẳng định giá trị thật của mình.
Ngoài việc phát triển công ty, nữ CEO này đang cùng các đồng nghiệp tổ chức hàng chục chương trình phát triển kỹ năng cho sinh viên 15 trường đại học ngành công nghệ, marketing, truyền thông trên cả nước. Một chương trình thực tập 3 tháng của công ty Denise đã có 100 bạn trẻ tham gia.
Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, công ty đã tặng 1.000 suất ăn cho y bác sĩ và người bệnh. Cá nhân Denise là một nhà tài trợ của làng trẻ em SOS. “Các em chính là phiên bản khác của tôi nhưng với một tuổi thơ khó khăn hơn rất nhiều. Tôi mong một chút đóng góp sẽ giúp các em phần nào có một cuộc sống dễ dàng hơn”, cô nói.
Denise Sandquist được ba mẹ người Thụy Điển nhận nuôi từ lúc ba tuần tuổi và đã trải qua tuổi thơ êm đềm cùng với em gái nuôi kém 2 tuổi, cũng người gốc Việt. Ngay từ khi Denise còn nhỏ, người mẹ Thụy Điển đã nói với cô: “Nên nhớ con còn có bố mẹ người Việt Nam. Vì muốn con có cuộc sống tốt đẹp, họ quyết định gửi con đến với chúng ta”. Chính điều này khiến Denise luôn tự hào về nguồn gốc Việt Nam trong mình.
“Tôi thường giới thiệu bản thân là một người con nuôi gốc Việt, bất kể là trong môi trường chuyên nghiệp hay thân mật. Tôi tin đây là một phần vô cùng quan trọng đã làm nên tôi và nói lên rất nhiều điều về con người tôi”, cô nói.
Từ Thụy Điển về nước từ ngày 16/10, Denise đang trong thời gian cách ly và điều hành công ty từ một căn phòng không cửa sổ. Dù vậy, trong cô tràn đầy cảm giác biết ơn cha mẹ nuôi, mẹ ruột và tất cả những người bạn đã giúp đỡ để cô có một cuộc sống “đủ đầy” như hôm nay.
“Tôi cũng cám ơn cả hành trình tìm lại mẹ, điều đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi”, cô gái nói.
Phan Dương