Chàng trai Mỹ chịu đau xóa hình xăm để cưới vợ Việt

9

 

Suốt hai năm ròng, cứ 8 tuần Joseph Balsitis phải đi bắn laser một lần, xóa hình xăm trên ngực và cánh tay, để bạn gái không phải ngại ngùng khi đi bên cạnh mình.

Joseph Balsitis xăm những hình này trong thời gian làm y tá trong quân đội Mỹ, đóng quân ở nước ngoài. Sau khi giải ngũ, về nước đi học đại học, anh gặp cô gái Việt Nguyễn Hồng Phương Thảo ở lớp Lịch sử và Toán tại trường ĐH Bang California năm 2009.

Khi đó, Joseph 28 tuổi còn Phương Thảo vừa bước sang tuổi 20, mới cùng gia đình sang Mỹ. Tiếng Anh chưa thạo, gặp môn lịch sử cần nghiên cứu sâu, ở bài kiểm tra đầu tiên, Thảo chỉ đạt điểm C. Môn này lại là “tủ” của Joseph nên Phương Thảo lân la làm quen với anh để hỏi bài.

Vợ chồng Nguyễn Hồng Phương Thảo và Joseph Balsitis chụp tại nhà riêng của họ ở thành phố Fullerton, bang California vào lễ Giáng sinh năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thảo học tốt môn Toán, Joseph lại nhờ giảng bài hộ. Những buổi học nhóm dần dần đã khiến họ hiểu nhau hơn. Thấy cô gái Việt mạnh mẽ và tự tin, anh dần cảm mến. Những hôm Thảo đến lớp không để ý tới mình, anh lại gây chú ý như đi qua bàn cô, cố tình làm rơi đồ hay đụng mạnh vào người, nếu ngồi xa nhau thì nói lớn tiếng. Về phần Thảo, cô mến Joseph bởi sự nhiệt tình, chẳng ngại giấu khó khăn anh đang gặp phải.

Sau hai tháng là “đôi bạn cùng tiến”, Joseph rủ Thảo uống cà phê rồi đi dạo công viên. Ngay lần đầu đi chơi, anh đã nắm chặt tay cô không rời. “Bàn tay anh to, lại nắm quá chặt khiến về nhà tay tôi đỏ mất mấy ngày”, Thảo nhớ kỷ niệm của hai người. Cũng hôm đó, cô gái quê Sài Gòn chấp nhận lời tỏ tình của Joseph.

“Món quà” đầu tiên Joseph Balsitis dành cho Phương Thảo khi hai người yêu nhau là quyết định xóa hết những hình xăm trên người. “Tôi không muốn nghe những lời dị nghị khi Thảo đi cạnh mình”, anh giải thích. Mười ba năm trước ở Mỹ, những người xăm hình lớn được liên tưởng đến kẻ tù tội, bụi đời hay băng nhóm xã hội đen nên anh cũng muốn làm việc này để thuận lợi hơn cho công việc về sau. Trước khi thực hiện, Joseph hiểu xóa xăm dễ để lại sẹo, rối loạn sắc tố hoặc dị ứng, thậm chí gây nhiễm trùng. “Nhưng vì Thảo, tôi luôn sẵn sàng”, anh khẳng định.

Trong hai năm tiếp theo, cứ 8 tuần Phương Thảo lại đưa bạn trai người Mỹ đến tiệm xóa xăm gần nhà. Nhìn cảnh Joseph gồng mình chịu đau đớn mỗi khi tia laser lướt qua ngực rồi hai cánh tay, vết thương liên tục rỉ máu, lòng cô thắt lại. “Từ khoảnh khắc đó tôi nhận ra, đây chính là người đàn ông của đời mình”, cô gái kể lại câu chuyện tình yêu của mình trong chương trình truyền hình ở Việt Nam hồi tháng 10/2021.

Chính thức yêu, cả hai vừa đi học vừa làm thêm, thời gian dành cho nhau thường chỉ vài chục phút ngắn ngủi lúc tối muộn. Dẫu vậy, không ngày nào Joseph quên đến nhà Thảo chỉ để đặt cho cô một nụ hôn với lời chúc ngủ ngon.

Sau hai năm, một ngày Joseph đề nghị sống chung. “Nhưng theo phong tục Việt Nam, cưới xong hai người mới được ở chung một nhà”, Thảo nói với người yêu. Chàng trai người Mỹ lập tức đồng ý.

Họ lên kế hoạch về Việt Nam chụp ảnh cưới, kết hợp để Joseph ra mắt họ hàng nhà gái ở Sài Gòn. Ngày lên máy bay, nhìn thấy hộp nhẫn nổi cộm trong túi quần của người yêu nhưng chưa thấy anh cầu hôn, Thảo tỏ ra sốt ruột. Joseph chỉ cười, nói rằng sẽ gây bất ngờ cho cô.

Sự bất ngờ mà anh chàng người Mỹ mang tới khiến Thảo đến giờ vẫn không thể quên: “Đó là màn cầu hôn trong đám sình lầy ở Vũng Tàu”, cô nhớ lại.

Joseph vốn là người vui tính, thích trêu đùa mọi người. Khi xe chụp ảnh cưới vừa dừng trước cổng một khu resort, đất dưới chân nhem nhép, quánh đặc vì vừa qua cơn mưa lớn, anh bất ngờ quỳ gối trước mặt Thảo: “Em đồng ý làm vợ anh nhé”. Nhớ lại màn cầu hôn “không lãng mạn mà lãng xẹt” như Thảo nhận xét, lúc đó cô vẫn bất ngờ, xúc động rơi nước mắt.

Đám cưới của cặp đôi được tổ chức ngày 12 tháng 11 năm 2011. Hai vợ chồng cùng chụp ảnh với bố mẹ của Phương Thảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Họ kết hôn tại Mỹ nửa năm sau buổi cầu hôn, tháng 12/2011. Dù dọn chung về một nhà, cả hai vẫn bận rộn với việc vừa học vừa làm. Cuối tuần rảnh rỗi, Joseph lại đưa vợ du lịch, bất kể nơi nào cô thích. Mười năm nay, hai vợ chồng chưa ngày nào rời xa nhau.

Ở nhà, Joseph là người thường xuyên vào bếp nấu ăn cho vợ. Anh am hiểu ẩm thực Mỹ và thích phở Việt Nam, từng thử nấu nhưng chưa thành công. “Lễ Tạ ơn hay năm mới, gia đình đoàn tụ là Joseph lại trổ tài nấu nướng. Là rể Tây nhưng cậu ta chẳng nề hà việc gì”, bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, mẹ Thảo chia sẻ.

Dù vậy cuộc sống vợ chồng cũng có lúc thăng trầm, nhất là Thảo có tính hay ghen. Một năm sau ngày cưới, tình cờ mượn máy tính của chồng, cô đọc được bức thư người yêu cũ thời trung học gửi cho Joseph. Lần đó, ba ngày ba đêm Thảo “chiến tranh lạnh” với chồng. Cô chỉ nguôi ngoai khi Joseph gửi hồi đáp nói rằng anh đã lập gia đình, giờ mỗi người đều có cuộc sống riêng. Cũng từ hiểu lầm đó, Joseph quy định dù có bất kỳ mâu thuẫn nào, hai vợ chồng phải giải quyết ngay trong ngày, trước khi lên giường đi ngủ. Đó cũng là lần giận hờn duy nhất của họ sau 10 năm hôn nhân.

Là vợ chồng, Thảo và Joseph còn như hai người bạn khi nỗ lực học tập cùng nhau. Cả hai cùng tốt nghiệp thạc sĩ năm ngoái và đã có công việc ổn định.

Hiện tại, người chồng có kế hoạch học lên tiến sĩ, người vợ cũng có mong muốn tương tự. Thảo từng nói, chính tinh thần học tập không ngừng của Joseph là động lực để cô theo đuổi con đường học vấn, dù trước khi gặp anh, cô chưa định hướng rõ tương lai của mình.

Từng ở Tây Ban Nha hai năm, hợp với cuộc sống và thời tiết nơi này nên ước muốn của Joseph là sẽ sang đây sinh sống. Người đàn ông Mỹ thường nói với vợ về cuộc sống tương lai khi có những đứa con và một ngôi nhà nhỏ.

“Dù ở đâu cũng không quan trọng, miễn là có anh và chúng ta được ở bên nhau”, Thảo nói với chồng.

SHARE