Du học sinh Việt xoay xở tránh trục xuất khỏi Mỹ

76

Nguyễn Thị Thiên Kim ôm khư khư chiếc laptop để liên hệ mọi tổ chức khi nhận thông báo có thể bị trục xuất từ Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE).

Ngày 8/7, một ngày kể từ khi ICE thông báo du học sinh tại Mỹ (có visa F-1 và M-1) sẽ phải về nước nếu chương trình đang theo học chuyển sang dạy online 100% vào mùa thu tới, Thiên Kim, 20 tuổi, sinh viên Sacramento City College, bang California, không thể ngủ. “Thông báo của ICE sốc hơn việc Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Vì dịch bệnh được cập nhật hàng ngày, ít nhiều có sự chuẩn bị, còn việc có nguy cơ bị trục xuất đến quá đột ngột”, nữ sinh giải thích.

Kim nhanh chóng vào các nhóm cộng đồng du học sinh Việt tại Mỹ để theo dõi các cuộc thảo luận. Thấy mọi người dẫn link đơn kiến nghị trên trang web của Nhà Trắng kêu gọi chính quyền tạo điều kiện cho du học sinh quốc tế vừa hoàn thành chương trình học, vừa đảm bảo sức khỏe, Kim ký tên với mong muốn đơn này nhanh chóng đủ 100.000 người ký để Nhà Trắng phản hồi.

Nữ sinh cũng soạn email gửi cho cố vấn học tập của em ở trường để hỏi về các hỗ trợ nhằm giảm tác động tiêu cực từ chính sách của ICE. Cố vấn học tập trả lời mail, cho biết trường đang cân nhắc và lên kế hoạch tạo điều kiện tốt nhất để toàn bộ du học sinh tiếp tục ở lại học tập và hẹn thông báo vào hôm sau, tức 7/7. Nóng lòng chờ đợi email của trường, Kim check hòm thư liên tục nhưng chưa có phản hồi. “Thật sự thất vọng và lo lắng”, Kim nói, buông tiếng thở dài.

Sang Mỹ từ năm 15 tuổi học trung học, cô gái TP HCM sống một mình tại bang California. Từ tháng 2, khi bạn bè về nước tránh dịch, Kim ở lại học nốt kỳ, dự định về thăm nhà vào tháng 6 như mọi năm. Khi kết thúc kỳ học vào 20/5, em đã thử mua vé nhưng các chuyến bay liên tiếp bị hủy, Việt Nam cũng chưa cho phép nhập cảnh. Nữ sinh đành ở lại Mỹ, vẽ tranh, chơi đàn trong những ngày bang California phong tỏa.

Theo chính sách mới của ICE, Kim chỉ có hai lựa chọn, hoặc về nước, hoặc chuyển trường có giảng dạy trực tiếp. Vì không có người quen, họ hàng tại Mỹ hoặc một quốc gia khác, nếu bị trục xuất, em chỉ có thể về Việt Nam trên các chuyến bay cứu trợ. Tuy nhiên, số lượng du học sinh rất lớn, Kim không chắc có đến lượt mình trong thời gian ngắn hay không. “Nếu không, em sẽ ở đâu và lưu trú dưới dạng nào trong thời gian chờ hồi hương”, Kim đặt câu hỏi.

Trường hợp chuyển trường, nữ sinh được bạn bè “mách” một trường ở bang lân cận, giảng dạy kết hợp trực tiếp và online. Tuy nhiên, chuyển trường nghĩa là phải chuyển nhà, liên quan đến hợp đồng, di chuyển đồ đạc. Kim chỉ có một mình nên việc này rất vất vả, nhất là khi nhiều bang đang phong tỏa.

Ngoài ra, chi phí khi học ở trường mới cũng khiến nữ sinh lo ngại. Em du học tự túc, mức học bổng mỗi kỳ chỉ hỗ trợ một phần nhỏ chi phí ăn, ở và học phí. Để tiết kiệm, Kim lựa chọn hình thức học cao đẳng hai năm, sau đó chuyển tiếp hai năm đại học để lấy bằng cử nhân. Nếu giờ sang trường mới, học phí mỗi kỳ có thể đắt hơn 10.000 USD hoặc gấp đôi so với mức Kim đang chi trả. Việc này sẽ tạo ra gánh nặng kinh tế cho em và gia đình.

Nữ sinh dự định vài ngày tới, ngoài việc đợi phản hồi của trường, em và các bạn cùng gửi đơn lên trường với tinh thần “còn nước còn tát”, kiến nghị dạy kết hợp trực tiếp và online để du học sinh có thể tiếp tục ở lại Mỹ học tập.

Ảnh: Shutterstock.

Cũng đang học tại một trường cao đẳng cộng đồng của bang California, Trần Yến Nhi, 22 tuổi, chưa kịp làm gì nhiều trong hơn một ngày qua vì quá bức xúc. “Việc phải học online trong khi không được miễn, giảm học phí đã là bất công với du học sinh, nay thêm việc này em càng thấy tức giận. Đâu phải muốn về là về, nhất là khi không có chuyến bay”, Nhi nói.

Nữ sinh đã gửi email đến trường và được trấn an rằng “thông báo của ICE chưa phải luật và có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình”. Trường của Nhi chuyển sang học online từ 20/3 đến hết tháng 6. Dù hứa hẹn tổ chức các lớp hybrid, kết hợp trực tuyến và online, bằng cách cho sinh viên đến trường làm thực hành, trường đã không thể thực hiện và cho học online 100%.

Trường hợp du học sinh buộc phải về nước, Nhi cho rằng đối với những bạn gia hạn visa mỗi năm, nếu chứng minh tài chính đầy đủ và thành tích học tập tốt vẫn dễ xin được visa quay lại. Nhưng đối với những bạn từ khi qua Mỹ đến nay chưa về nước để gia hạn visa thì không chắc chắn.

Trước lo lắng của du học sinh, các trường đại học, Bộ Ngoại giao Mỹ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đồng loạt có động thái trấn an.

Ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Mỹ trấn an du học sinh bằng việc khẳng định sinh viên quốc tế luôn được chào đón đến học tập tại Mỹ. Theo Forbes, đại diện của Đại học Harvard và Pennsylvania cho biết sẽ làm việc với các tổ chức khác để vạch ra con đường đảm bảo sinh viên có thể tiếp tục học mà không sợ bị rời khỏi Mỹ vào giữa năm nay.

Đại học New York, nơi có số lượng sinh viên quốc tế cao nhất nước Mỹ và Đại học Brown ra thông báo sẽ kết hợp học trực tiếp và trực tuyến trong mùa thu này. Trong khi đó, Đại học Stanford, ngôi trường dự định chuyển hầu hết lớp học sang hình thức trực tuyến, cho biết sẽ hỗ trợ tất cả sinh viên hoàn thành chương trình học đồng thời thúc giục chính quyền suy nghĩ lại về quyết định của mình.

Đại học Columbia sẽ tổ chức các lớp học từ xa và trực tiếp để giảm bớt tác động tiêu cực của quy định mới. Trong khi đó, Đại học Princeton, MIT, Duke và Dartmouth đều nói đang xem xét các tác động tiềm năng của chính sách và nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh viên quốc tế.

Hiệp hội các trường đại học Mỹ, tổ chức gồm 65 trường đại học nghiên cứu hàng đầu, khẳng định đã thúc giục giới chức nước này hủy bỏ hướng dẫn “vô cùng sai lầm” đã ban hành và cung cấp phương án linh hoạt cho sinh viên quốc tế theo diễn biến Covid-19. Với đơn kiến nghị trên web của Nhà Trắng, chỉ sau một ngày đã có hơn 140.000 chữ ký, vượt xa mục tiêu 100.000 trong một tháng.

Theo Viện Giáo dục quốc tế (IIE), có hơn một triệu sinh viên quốc tế tại Mỹ trong năm học 2018-2019. Số lượng du học sinh chiếm 5,5% trong tổng sinh viên theo học giáo dục đại học tại Mỹ, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ hơn 41 tỷ USD. Việt Nam có 24.390 du học sinh đang học tập tại Mỹ, đứng thứ sáu trong những nước có số sinh viên du học Mỹ nhiều nhất. Hiện, Việt Nam chưa mở đường bay quốc tế do ảnh hưởng của Covid-19.

Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam) đề nghị du học sinh bình tĩnh, chủ động tìm hiểu hướng xử lý của nhà trường để có giải pháp phù hợp cho riêng mình. Trường hợp phải về nước học online tại Việt Nam, du học sinh cần đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Chính phủ, đề xuất tổ chức chuyến bay đưa du học sinh Việt Nam về nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ làm việc với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cập nhật tình hình và có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho du học sinh. Cụ thể, ngay trong chiều nay, Cục Hợp tác Quốc tế sẽ làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn ba triệu ca nhiễm nCoV và gần 134.000 trường hợp qua đời. Gần 40 bang Mỹ chứng kiến đà tăng ca nhiễm nCoV trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan.

Thanh Hằng – Dương Tâm

SHARE