Nữ du học sinh Việt bật khóc: Du học bên đó, có mang được nhiều tiền về không cháu?

8

 

Du học ở Hàn thực sự vất vả khi phải làm thêm kiếm tiền đóng học phí, chân tay mỏi rũ rượi… nhưng điều khiến nữ sinh dưới đây bật khóc chính là câu hỏi vô tâm ‘Du học bên đó, có mang được nhiều tiền về không cháu?’.

Đấy là tâm sự gây bão dư luận những ngày qua của Trần Tuyết Nhung (sinh năm 1997, tại Thái Nguyên).

Tuyết Nhung đã tự hỏi mình rằng “Đến với Hàn Quốc, xa gia đình, bắt đầu một cuộc sống không có bố mẹ ở bên, mất gì… và được gì?’.

Trong bài viết thu hút hàng ngàn lượt like trên mạng xã hội, Nhung đã kể những câu chuyện chân thật về nỗi vất vả của một sinh viên Việt xa xứ, mà không phải bạn trẻ nào cũng đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào sự thật ấy khi đã mang cái mác ‘du học sinh’.

Theo Nhung điều khiến em tủi thân đến bật khóc thật to sau những ngày vất vả làm thêm kiếm tiền đóng học phí chính là câu hỏi vô tâm của nhiều người: ‘Du học bên đó, có mang được nhiều tiền về không cháu?’.

Được biết, Tuyết Nhung đang là sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế của trường ĐH Kyonggi, thành phố Suwon, tỉnh Kyonggi (cách Seoul 1 giờ tàu điện).

Theo đó, gia đình kinh tế không thuộc hàng dư dả nên từ học kỳ thứ 2, cô gái Việt tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống du học tại Hàn.

Để tồn tại ở nơi không người thân, Nhung nếm trải đủ mùi vị của lao động tay chân, ánh nhìn màu hồng của cô về một đất nước Hàn Quốc có trong phim Hàn, nhạc Hàn, idol, Kpop… sụp đổ hoàn toàn từ đó.

Nhung kể, công việc làm thêm của cô là rửa bát thuê cho một quán ăn, lương 7.000 won/h, trong khí đó tiền học đã là 6,5.000 won/h rồi.

Mỗi lần đến kì đóng tiền cô phải vay mượn các kiểu để chứng minh tài chính rồi đóng học phí đến sấp mặt.

“Mình cứ vay rồi làm tháng sau trả lại, thế chả biết bao giờ mới hết nợ. Đi làm về mệt chỉ kịp tắm rửa ăn uống rồi ngủ, bài vở có khi chả thèm động đến”, Nhung kể về cuộc sống du học của mình.

Vào cuối tuần là thời gian duy nhất không phải đến trường, Nhung làm thêm từ sáng đến đêm. Mùa đông, có hôm tuyết rơi dày nhưng vẫn phải mò dậy đi làm. Nhiều khi nghĩ đến, cô gái Việt đã muốn khóc.

Được biết, mỗi buổi làm, Nhung rửa trung bình khoảng 2.000 cái đĩa, chưa kể cốc, chén, thìa, đũa.

Sau hơn 4, 5 năm gắn bó với ‘nghề’ rửa bát thuê, tiền công của Nhung hiện tại đã tăng lên. Cô bạn được trả 7.200 won/h làm việc.

Nhung kể, chủ quán ngỏ ý chuyển cô sang khâu chạy bàn cho đỡ vất vả nhưng Nhung từ chối. Đơn giản chỉ vì lương rửa bát cao hơn lương chạy bàn và cũng vì cô làm công việc này cũng khá lâu rồi, bỏ đi lại tiếc. Theo Nhung, đi du học tự túc có nhiều cái hay nhưng bù lại cũng mệt mỏi vất vả. Nhung khuyên những bạn nào chuẩn bị đi thì cứ suy nghĩ cho kĩ vào tránh sau này hối hận.

Tuyết Nhung cho hay, cô từng gọi cuộc sống êm đềm của mình là ‘một cuốn băng được lập trình sẵn và ngày nào cũng phát đi phát lại với những chủ đề quen thuộc’ và khao khát phá bỏ nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khi học xong cấp 3. Và rồi năm cuối cấp, các bạn cùng khối, lớp chọn thì hướng đến các trường ĐH thì Nhung quyết định du học Hàn. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 18, lịch bay đã được lên sẵn sau ngày nhận visa khoảng 3 tuần.

Khoảnh khắc ngồi trong phòng chờ bay nhớ lại giây phút rưng rưng nước mắt chào tạm biệt gia đình, bạn bè, người thân để bắt đầu chuyến đi xa đầu tiên trong đời mình, suốt 18 năm trời, đó là lần đầu tiên Nhung muốn thời gian chậm lại một phút thôi…

Nhưng kể, cô bạn nhớ mãi cái lần mình đăng status thông báo còn vài ngày nữa là về Việt Nam ăn Tết.

Thế nhưng điều đáng buồn là chờ mòn răng, Nhung chẳng nhận được lời hỏi thăm sức khỏe, nói thương nhớ hay hỏi có ai đón chưa mà chỉ toàn những comment kiểu như: ‘Nhớ mua quà cho tao đấy’, ‘Không có quà thì đừng về’, ‘Mày bảo mua gì cho tao đừng có quên nha’… Thậm chí khi Nhung vừa đặt chân về đến nhà, hàng xóm với họ hàng đến thăm cũng chẳng mấy ai hỏi han chuyện học hành, đời sống ra sao mà toàn hỏi: ‘Có mang được nhiều tiền về không cháu?’.

Khi nghe những câu hỏi đó, Nhung tủi thân chỉ muốn bật khóc thật to. “Mình không có ý kể khổ để một số người nói: Khổ thế đi làm gì để rồi kêu ca?, mình chỉ muốn truyền cho các bạn đi sau một chút trải nghiệm, để các bạn không bị bỡ ngỡ khi bước chân sang đây, không bị ‘vỡ mộng’ như những người đi trước không có kinh nghiệm’, Nhung nói.

Cũng theo Nhung, các du học sinh bên này kiếm tiền khá vất vả, chưa kể học phí và các chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ, điều kiện để mua quà cáp khi về Việt Nam cho tất cả mọi người là không thể. Thế nên khi nghe những câu hỏi đó, Nhung đã rất chạnh lòng. Nhung cho biết, hàng xóm, anh em hỏi ‘Mang được nhiều tiền về không cháu?’, câu này cô và bố mẹ mình nghe hằng ngày.

Bố mẹ rất hiểu Nhung, thậm chí thương con vất vả, bảo mình làm ít thôi vì thể trạng yếu, nếu không đủ khả năng bố mẹ sẽ hỗ trợ. Và với Nhung chỉ cần vậy thôi, bố mẹ hiểu con, chia sẻ với con cái là rất vui và hạnh phúc rồi, người ngoài nói gì cũng không còn quan trọng.

Còn về chuyện học tập, có thể với những du học sinh nặng gánh cơm áo, gạo tiền như Nhung, việc học trong hoàn cảnh ấy dễ bị xem nhẹ và nhiều bạn sẽ có tâm lý: ‘Học hay không không quan trọng, chỉ cần đến lớp thôi là được’. Thế nhưng với Nhung thì hoàn toàn khác, Nhung kể, giai đoạn cô lao vào làm thêm không kể ngày đêm là lúc còn đang học tiếng Hàn. Hiện tại, cô bạn đã học lên chuyên ngành.

Trong quá trình học, cô gái Việt được nhiều giáo sư quan tâm giúp đỡ, như được tiếp thêm động lực rất nhiều. Cho đến bây giờ nhìn lại chặng đường đã qua, Nhung không hề hối hận vì ngày ấy đã quyết định ‘ném mình ra cuộc sống bình yên’. Dù có lúc mệt mỏi, stress vì việc làm và nhiều chuyện, lúc đó nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhưng dần rồi cũng quen, cũng thích nghi được, cô lại thấy yêu Hàn Quốc lắm. Hiện tại, cuộc sống của Nhung tại Hàn đã khá ổn định. Trung bình mỗi tháng, Nhung kiếm được khoảng 25 triệu đồng từ ‘nghề’ rửa bát. Nếu chi tiêu cho cuộc sống bình thường thì thoải mái, nhưng học phí cao nên Nhung vẫn phải dè sẻn và tính toán rất kỹ trong từng bữa ăn.

SHARE