Financial Times: Mỹ rút lui, thế giới đổ vỡ?

51

Cây bút bình luận nổi tiếng Martin Wolf của tờ Financial Times cho rằng trật tự thế giới đang trở nên hết sức mong manh.
Ít nhất thì cho đến thời điểm hiện tại, Covid-19 chưa khiến thế giới biến đổi. Tuy nhiên, đại dịch đã đẩy nhanh quá trình biến đổi, trên mọi phương diện từ công nghệ, xã hội đến chính trị. Nhận xét này đặc biệt đúng trong các mối quan hệ quốc tế: sự chia cách giữa Trung Quốc với phương Tây và sự thất bại của Mỹ trong việc lãnh đạo phương Tây ngày càng khắc sâu. Trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo đang gặp khủng hoảng. Nếu như ông Trump tái đắc cử, thế giới sẽ thay đổi mãi mãi.

Không giống như phương châm “giấu mình chờ thời, không bao giờ bước vào vị trí lãnh đạo” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc giờ đây không ngần ngại thể hiện tham vọng trở thành siêu cường duy nhất. Và tất nhiên điều đó đồng nghĩa Trung Quốc sẽ cùng đứng lên giải quyết mọi thách thức mà thế giới phải đối mặt.

Từ trước đến nay phương Tây vẫn có một số tài sản giá trị trong cuộc đua giành tầm ảnh hưởng với Trung Quốc. Nhiều người vẫn ngưỡng mộ những giá trị cốt lõi về tự do và dân chủ, về văn hóa và trí tuệ của phương Tây. Mỹ vẫn tạo ra và duy trì được liên minh vững mạnh. Nếu cộng sức mạnh kinh tế và chính trị của những đồng minh thân thiết của Mỹ gồm châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia và gần đây là Ấn Độ lại với nhau, chúng ta sẽ có một con số khổng lồ.

Thế nhưng dường như mọi thứ đang tan rã. Chính trong nội bộ nước Mỹ cũng có sự chia rẽ sâu sắc, mà đem đến kết cục là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Và chính sách”nước Mỹ trước tiên” của ông Trump tách biệt nước Mỹ với thế giới.

Covid-19 đang đem lại cái nhìn khác về nước Mỹ, khi mà Mỹ trở thành nước bị thiệt hại nặng nhất và vẫn đang lúng túng chưa biết đối phó với dịch bệnh như thế nào trong khi Tổng thống liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc. Đại dịch còn khiến quan hệ đồng minh Mỹ – EU tổn thất nghiêm trọng: trong kế hoạch mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại của EU không hề có Mỹ.

Tất nhiên Trung Quốc cũng có những điểm yếu. Mở cửa kinh tế đã giúp Trung Quốc có bước tiến vượt bậc trong 4 thập kỷ qua, nhưng nếu như thế giới ngắt kết nối vì dịch bệnh hay vì toàn cầu hóa bị đảo ngược, họ sẽ khó có thể tiến nhanh như trước. Bên cạnh đó mô hình chính trị của Trung Quốc đã tỏ ra hiệu quả trong việc chống lại dịch bệnh nhưng không phải là hoàn hảo.

Trong cuốn “Narrow Corridor”, các tác giả Daron Acemoglu và James Robinson đã giải thích tình thế tiến thoái lưỡng nan mà một chính phủ chuyên chế có thể gặp phải. Nhiều người tin rằng trí tuệ nhân tạo cùng với khối lượng dữ liệu khổng lồ mà chính phủ thu thập được sẽ khiến mô hình kế hoạch tập trung thay thế hoàn toàn cơ chế thị trường. Nhưng không kế hoạch nào là hoàn hảo, bởi động lực thay đổi chính là những ý tưởng trong đầu người dân, mà họ cần những cơ chế ưu đãi để tạo ra những thứ mới. Liệu chính phủ chuyên chế có thể nuôi dưỡng điều đó?

Thế giới cần đến cả các giá trị cốt lõi của phương Tây và cả sự thịnh vượng của Trung Quốc, nhưng không phải là bằng cách đánh đổi những giá trị này. Chúng ta cần quản lý các mối quan hệ 1 cách hòa bình và điều hành thế giới mong manh này 1 cách thông minh. Phương Tây đang ở trong 1 cuộc khủng hoảng về giá trị. Chúng ta có thể vượt qua nó, nhưng đó sẽ là 1 chặng đường đầy gian nan và thử thách.

Tham khảo Financial Times

SHARE