Các nhóm người Việt ở nước ngoài giúp đỡ y, bác sĩ tuyến đầu

14

 

Thử thách lớn nhất của nhóm thiện nguyện là việc kết nối với y, bác sĩ để nắm bắt thông tin kịp thời vì họ luôn trong tình trạng bận rộn, quá tải với ca mắc tăng cao.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, xuất phát từ tấm lòng hướng về quê hương, nhiều người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài lập ra các nhóm thiện nguyện, bắt đầu chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ y, bác sĩ ở tuyến đầu, người dân khó khăn trong khu cách ly.

Làm từ thiện không dễ dàng

Chị Tiffany Quỳnh Trần (sống tại Canada), đồng sáng lập nhóm Stay Strong Saigon, cho biết trong vòng 2 tháng đầu thành lập, nhóm hoạt động với quy mô nhỏ lẻ và chủ yếu kêu gọi hỗ trợ tại trang cá nhân.

Nhận được sự ủng hộ từ nhiều người, nhóm mở rộng chiến dịch giúp đỡ. Từ việc lắng nghe khó khăn, nhu cầu cấp bách của họ, nhóm thu thập, kiểm chứng thông tin để lên kế hoạch gây quỹ hỗ trợ.

Hai nhóm Stay Strong Saigon và Chung tay vì Việt Nam kết hợp

Theo chị Tiffany, trong quá trình này, thử thách lớn nhất là kết nối với y, bác sĩ để nắm bắt thông tin kịp thời vì họ luôn trong tình trạng bận rộn, quá tải với ca mắc tăng cao.

Nhiều hôm 1-2h sáng, các nhân viên y tế mới có thời gian nghỉ ngơi và tranh thủ thông báo số lượng bệnh nhân, thiếu trang thiết bị gì để Stay Strong Saigon cập nhật trên cơ sở dữ liệu hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các thành viên nhóm làm việc gần như 24/7 để xác minh thông tin và kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình thiếu nhu yếu phẩm ở những vùng cách ly.

Nhóm Chung tay vì Việt Nam được thành lập từ tháng 8/2020 bởi những người Việt ở Mỹ. Chị Hằng Vũ, thành viên nhóm, cho hay nhóm hoạt động hướng đến mảng giáo dục, y tế và sinh kế với nền tảng huy động nguồn lực từ đám đông.

Bắt đầu từ hoạt động viện trợ thiết bị vệ sinh y tế, nhu yếu phẩm cho người dân ở tâm dịch Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác, nhóm mở rộng quy mô cũng như sự đa dạng chiến dịch nhờ sự chung sức từ nhiều người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Một trong những chiến dịch nổi bật của nhóm là “10.000 liều vaccine cho Việt Nam”. Trong đó, nhóm tổ chức chương trình thi tài năng cho trẻ em gốc Việt trên thế giới. Nhiều em tham gia dự thi đã gửi tranh đấu giá hoặc đi làm thêm để tiết kiệm tiền đóng góp cho quỹ.

Hiện, Chung tay vì Việt Nam phối hợp với Stay Strong Saigon thực hiện chiến dịch tặng 100.000 khẩu trang N95 cho y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM. Số khẩu trang này được mua từ khoản tiền gây quỹ hơn 85.000 USD của gần 1.000 cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp gây quỹ mua khẩu trang tặng y, bác sĩ và tình nguyện viên chống dịch tại TP.HCM, đồng thời hỗ trợ trẻ em có bố mẹ mất do Covid-19.

Minh bạch ngay từ đầu

Giữa tình hình dịch bệnh kéo dài, người tham gia các hoạt động thiện nguyện không chỉ đối diện với nguy hiểm, rủi ro mà còn có sự hoài nghi về vấn đề minh bạch.

Chị Tiffany Quỳnh Trần cho hay từ khi thành lập, Stay Strong Saigon xác định tất cả công việc hỗ trợ đều phải được công khai, minh bạch, rõ ràng, cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết, hình ảnh, video để mọi người cùng theo dõi.

“Hàng tuần, chúng tôi chia sẻ công khai chi tiết từng khoản được mạnh thường quân đóng góp kèm các chứng từ, giấy tờ giải ngân cho việc gì. Nhóm đặt mục tiêu là tất cả đồng tiền được sử dụng hợp lý, hữu tình, đảm bảo đến đúng người, đúng việc”, chị nói.

Chị Tiffany khẳng định những áp lực về minh bạch sẽ không gây khó khăn nếu có quy trình rõ ràng ngay từ ngày đầu. Bởi vậy, trong số tiền và hiện vật huy động được gần 2 tỷ đồng, cho dù phần đóng góp rất nhỏ, nhóm đều công khai chi tiết.

Một số hoạt động cứu trợ của nhóm Stay Strong Saigon.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Tường Vy (sống ở Mỹ), thành viên nhóm Chung tay vì Việt Nam, cho hay về vấn đề gây quỹ mua đồ bảo hộ thiết yếu tặng y, bác sĩ ở tuyến đầu, các cá nhân đóng góp qua 2 hình thức là trang Go Fund Me và chiến dịch gây quỹ trên mạng xã hội.

Từ 2 nguồn này, bất cứ nguồn tiền nào đi vào quỹ đều hiện trực tuyến trên trang web. Như vậy, mọi người sẽ biết quỹ nhận được bao nhiêu tiền từ các cá nhân.

Đối với các mạnh thường quân lớn là các tổ chức, quỹ khác, nhóm minh bạch để họ biết số tiền mình bỏ ra được sử dụng như thế nào.

Chung tay vì Việt Nam không chỉ công khai báo cáo tài chính mà còn rõ ràng ở khâu mua hàng, xuất xứ và hướng dẫn các y, bác sĩ kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Với phương châm “3 thật” (chuyển thật, kiểm thật, nhận thật), nhóm nhận được sự ủng hộ từ các cá nhân cũng như tổ chức trên khắp thế giới.

Thực tế, quá trình tạo niềm tin bền vững từ cả bên cho và bên nhận cần thời gian dài cùng tâm huyết lớn.

“Chính sự tin tưởng và đóng góp không chỉ đến từ người dân Việt Nam trong nước, cộng đồng người Việt xa xứ và cả người nước ngoài, là động lực giữ lửa mỗi ngày cho các thành viên”, chị Hằng Vũ, nhóm Chung tay vì Việt Nam, chia sẻ.

SHARE