Nhờ những tư tưởng nuôi dạy đúng đắn mà cả 3 người con của bà Esther Wojcicki đều trở thành những người tài giỏi trong xã hội.
Bà Esther Wojcicki là một nhà báo, nhà giáo dục người Mỹ gốc Do Thái. Bà hiện là phó Chủ tịch của Hội đồng cố vấn Creative Commons. Ngoài ra, bà Esther nghiên cứu về Giáo dục và Công nghệ. Không chỉ vậy, bà còn là người sáng lập nên chương trình Nghệ thuật truyền thông trường Trung học Palo Alto, California.
Bà Esther có 3 cô con gái và tất cả đều vô cùng tài giỏi, thành đạt. Cô cả Susan là CEO của Youtube, cô hai Janet là giáo sư Nhi khoa và cô út Anne là người đồng sáng lập và cũng là CEO của 23andMe.
Chân dung 3 cô con gái tài giỏi của bà Esther.
Sự thành công của 3 cô con gái, ngoài yếu tố trí tuệ sẵn có thì còn nhờ một phần lớn từ cách giáo dục tuyệt vời của mẹ.
Theo đó, bà Esther đã dạy dỗ các con 6 điều đơn giản nhưng cực kỳ ý nghĩa, quý báu sau đây:
1. Dạy con tự lập từ lúc nhỏ
Bà Esther có nguyên tắc dạy con gói gọn trong chữ TRICK – Trust (tin tưởng) – Respect (tôn trọng) – Independence (độc lập) – Collaboration (hợp tác) – Kindness (lòng tốt).
Theo đó, bà Esther dạy 3 cô con gái tự lập từ nhỏ. Trong khi nhiều bậc cha mẹ khác có xu hướng kiểm soát hành vi, thay con làm tất cả những điều nhỏ nhặt thì bà Esther lại đi ngược lại.
Bà Esther cho con sự tự do gần như tuyệt đối:
“Tôi tôn trọng sự lựa chọn của các con ngay từ những năm tháng đầu đời của chúng. Quan điểm của tôi là từ khi con chào đời đến lúc 5 tuổi, tôi phải dạy chúng nhiều thứ nhất có thể. Tôi muốn các con tập được tính độc lập, từ đó mới có thể trở thành người mạnh mẽ và tự chủ trong cuộc sống sau này”.
“Tôi phát hiện rằng, nếu những đứa trẻ có thể tự mình suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định hợp lý thì sau này, chúng không phải sợ hãi khi đứng trước thử thách. Tôi không chắc những điều này có được nghiên cứu hay chưa nhưng tôi chọn tin vào quan điểm của mình và kinh nghiệm tôi tích lũy được trong những năm tháng giảng dạy”.
Cô con gái út Anne của bà Esther đã luôn cảm kích mẹ vì đã cho cô một tuổi thơ được tự do phát triển. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, cô Anne cho biết:
“Khi chị em tôi còn nhỏ, cha mẹ thực sự xem chúng tôi như những người lớn. Cha mẹ cho chúng tôi tự do và khuyến khích sự độc lập. Điều đó khiến chúng tôi tìm thấy niềm đam mê của chính mình”.
2. Hãy để con thất bại
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, bà Esther chia sẻ bí quyết dạy con thành công, đó là: Cần phải để con thất bại!
“Bạn có thể gặp thất bại khi chơi một môn thể thao nào đó và bạn nhận ra mình không xuất sắc như tưởng tượng. Ngay cả khi bạn đã tham gia một khóa học mà vẫn không thể làm tốt thì cũng chẳng sao cả. Có thể bạn vẫn tiếp tục muốn chơi môn thể thao đó, miễn bạn thấy thích là được”, bà Esther chia sẻ.
Khi con cái gặp thất bại, chúng có thể đến và xin trợ giúp của bố mẹ. Đây chính là lúc bạn cần giúp đỡ con theo cách thật khôn ngoan.
Khi giảng dạy tại trường trung học Palo Alto, mỗi khi có học sinh đến nhờ giúp đỡ, bà Esther sẽ hỏi: “Chà, các con đã cố gắng tự làm chưa?”. Sau đó, bà thúc giục học sinh tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng hoặc trao đổi cùng bạn bè: “Hãy xem các con có thể tự giải quyết nếu không có sự can thiệp của cô không nhé?”.
3. Đặt niềm tin vào chính bản thân mình
Bà Esther là người gốc Do Thái, sau đó mới di cư sang Mỹ. Khi mới đến xứ sở Cờ Hoa, bà Esther không có tấm bằng cấp nào cả.
Bà sống trong một gia đình nghèo khó từ nhỏ, đi học ở trường công và luôn phải nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống.
Chính vì vậy mà bà luôn tự nhủ, không bao giờ để các con rơi vào hoàn cảnh như mẹ lúc trước.
Tuổi thơ của Esther không mấy êm đềm. Em trai qua đời, còn bà thì bị bố lạnh nhạt vì tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thế nên bà luôn tin tưởng vào bản thân thay vì làm theo suy nghĩ hay lời khuyên của người khác.
Điều này đã được bà truyền lại cho cả 3 cô con gái của mình.
4. Sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái
Mặc dù dạy con độc lập từ nhỏ nhưng không có nghĩa là bà Esther không có sự gắn kết với các con. Ngược lại, bà luôn ở cạnh, hợp tác và giúp đỡ con cái trong cuộc sống.
Thay vì ra lệnh và bắt con cái phải làm theo ý của mình, vợ chồng bà Esther thường xuyên trò chuyện và góp ý cho các con.
Trong quá trình trao đổi, vợ chồng bà cũng lắng nghe ý kiến và nhận sự góp ý ngược từ phía các con. Đó chính là nền tảng của sự hợp tác.
5. Đặt niềm tin vào các con
Khi Susan và Janet mới 4, 5 tuổi, bà Esther đã cho con tự đi mua bánh mì ở cửa hàng cạnh nhà. Ở tuổi 12, Susan được phép thoải mái trang trí phòng ngủ của chính mình theo ý thích.
Bà Esther không cấm cản và đặt niềm tin, ủng hộ các con hết mình. Vào thời điểm thung lũng Silicon còn khá xa lạ với mọi người thì bà Esther đã khuyến khích cô con gái cả Susan bắt đầu sự nghiệp công nghệ.
Susan đã cho Larry Page và Serget Brin, 2 thành viên sáng lập của Google mượn gara để xe của gia đình làm nơi nghiên cứu và phát triển dự án này.
Chính Susan cũng là một trong những nhân viên đầu tiên của Google và từng thuyết phục ông chủ của mình mua lại Youtube trước khi nó trở thành nền tảng chia sẻ video nổi tiếng toàn cầu.
Vì điều này mà vào năm 2014, cô được đề bạt vị trí CEO của Youtube.
6. Đừng chỉ tập trung vào kiếm tiền
Tiền có thể khiến cuộc sống chúng ta no đủ, mãn nguyện. Nhưng nếu chỉ tập trung quanh tiền bạc thì cuộc sống khó mà hạnh phúc được.
Bà Esther chia sẻ: “Ngồi trên một bãi biển, đi ra ngoài thưởng thức một bữa ăn tối đắt tiền, tới Las Vegas để giải trí – Những kiểu theo đuổi này biến con người thành những kẻ tự yêu bản thân và nghiện ngập”.
“Dường như rất nhiều người ở Thung lũng Silicon để lập nghiệp. Họ lo lắng cho bản thân họ trước bất kỳ ai khác. Họ không ưu tiên cho những lợi ích của cộng đồng, không đấu tranh cho các mục tiêu xã hội và không theo đuổi một cuộc sống có ý nghĩa và mục đích. Kết quả là họ thường bị cô lập và chán nản”.
Bà Esther cho biết, bản thân đã gặp rất nhiều triệu phú, thậm chí tỷ phú không hạnh phúc. Bà cho rằng, rất nhiều người trong số họ có lẽ đã bắt đầu cuộc sống từ những đứa trẻ vô định hướng.
Từ những trải nghiệm này, bà Esther dạy con cái không nên tập trung quá vào việc kiếm tiền mà còn phải quan tâm đến những khía cạnh khác của cuộc sống.