Trong số 29 người tử vong tại nhà ở bang NSW, hầu hết đều sinh sống ở vùng ngoại ô phía tây Sydney. Chỉ 13 người được cơ quan y tế bang biết đến và được gọi điện kiểm tra sức khoẻ thường xuyên.
Chương trình thời sự 7.30 ở Úc vừa tiết lộ tin chấn động: rất nhiều người dân sống tại bang New South Wales qua đời tại nhà vì COVID-19 mà không được cơ quan y tế biết đến, và chỉ được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đã tử vong.
William Orule, 36 tuổi, đã qua đời một mình tại nhà riêng ở phía tây Sydney sau khi bị nhiễm COVID-19. (Nguồn: Supplied)
Cụ thể, trong số 29 người tử vong tại nhà ở bang New South Wales, hầu hết đều sinh sống ở vùng ngoại ô phía tây Sydney. Chỉ 13 người trong số này được cơ quan y tế bang biết đến và gọi điện kiểm tra sức khoẻ thường xuyên. 16 người còn lại chỉ được chẩn đoán mắc COVID-19 khi đã chết.
Hiện chưa rõ vì sao lại có nhiều người chết tại nhà như vậy. Nhưng dường như đây là một đặc điểm của đợt bùng phát dịch hiện nay ở hai thành phố Sydney và Melbourne, với 9 người đã tử vong đều sống ở vùng ngoại ô của hai thành phố. Bốn trong số đó được xác định dương tính với COVID-19 sau khi chết.
“Chúng tôi hỏi thăm sức khoẻ anh ấy hai lần một ngày”
Em họ của Edward Massimino là William Orule nằm trong nhóm gần 40 người ở Úc tử vong tại nhà vì COVID-19 trong đợt bùng phát này.
Massimino tham gia chương trình 7.30 để nói về người em họ của mình, cũng như kể lại việc bệnh tình của anh bất ngờ trở nặng ra sao.
Edward Massimino nói rằng tình trạng của người em họ William đột ngột xấu đi. (ABC News: Jerry Rickard)
Anh không chắc vì sao Orule không gọi xe cứu thương đến bệnh viện, nhưng cho biết người em họ đã cảm thấy khá hơn chỉ một ngày trước khi qua đời.
“Tôi hỏi cậu ấy, ‘Em thấy sao rồi?’ và cậu ấy đáp, ‘Khá hơn mấy hôm trước rồi’”.
“Tôi không ngờ đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng tôi.”
Orule đã qua đời một mình ở tuổi 36 tại nhà riêng ở phía tây Sydney, sau 9 ngày bị nhiễm virus.
“Cứ hai lần mỗi ngày, chúng tôi hỏi thăm sức khoẻ của cậu ấy vào buổi sáng và buổi tối,” anh Massimino cho biết.
“Cậu ấy cũng bảo chúng tôi là nhân viên Bộ Y tế đang theo dõi sức khoẻ cho mình. Chúng tôi luôn hỏi là, ‘Em có cần đến bệnh viện không? Bọn anh sẵn sàng gọi xe cứu thương.’ Nhưng cậu ấy luôn trả lời, ‘Không, em ổn.’”
Sau cuộc trò chuyện cuối cùng của Massimino với Orule, cảnh sát phát hiện anh này đã tử vong trong nhà.
“Orule sống một mình. Vì vậy, có thể cậu ấy không nhận thức được tình trạng bệnh của mình đang xấu đi nhanh,” anh Massimino nói và kêu gọi những người sống một mình bị mắc COVID-19 nên tìm kiếm sự giúp đỡ. “Giờ chúng tôi chỉ biết tự trách mình. Đáng lẽ chúng tôi đã có thể làm được nhiều hơn để giúp cậu ấy, nhưng đã quá muộn rồi.”
Bệnh nhân do dự khi tìm kiếm sự giúp đỡ
Trong số tất cả những người tử vong ở nhà tại đợt bùng phát mới nhất, các nạn nhân hầu hết đều có xuất thân là người nhập cư và không nói tiếng Anh. Gia đình cho biết một số người tỏ ra do dự khi tìm kiếm sự giúp đỡ, và tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng.
Jamal Rifi, bác sỹ đa khoa kiêm lãnh đạo cộng đồng địa phương cho biết hiện chưa rõ vì sao có nhiều người chết tại nhà như vậy, nhưng ông nêu ra một số khả năng.
Bác sỹ Jamal Rifi cho biết một số người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 cảm thấy sợ nếu phải đến bệnh viện. (Australian Story: Quentin Davis)
“Rất nhiều người muốn ở nhà vì họ biết nếu đến bệnh viện thì sẽ chỉ có một mình, không ai chăm sóc,” ông nói với 7.30.
“Bình thường, bệnh viện đã là chốn đáng sợ với họ. Và trong thời dịch COVID-19 bùng phát, bệnh viện còn là chốn rất cô đơn. Có lẽ họ không muốn trải qua những cảm giác đó. Ngoài ra, có lẽ họ đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của bệnh.”
Ông nói rằng bệnh tình của người mắc COVID-19 có thể nhanh chóng trở xấu và đây là điều mà không phải ai cũng biết. “Có thể họ đang cảm thấy rất ổn, chỉ hơi mệt và ho một chút, hay đau đầu nhẹ và đổ mồ hôi,” ông nói. “Nhưng chỉ vài tiếng sau, mức oxy trong máu sẽ giảm mạnh khiến họ tử vong.”
Bác sỹ Rifi nói rằng ông biết có những người từ chối xét nghiệm COVID-19, ngay cả khi họ rất yếu, vì sợ phải đi cách ly hoặc bị cộng đồng kỳ thị. Sau đó những người này tử vong khi bệnh trở nặng.
Bác sỹ Rifi cho biết một số người dân địa phương không muốn xét nghiệm COVID-19 vì sợ bị cách ly và bị cộng đồng kỳ thị. (AAP: Mick Tsikas
“Chúng tôi biết một số người đã qua đời vì COVID-19, trong khi chính quyền thậm chí còn hay rằng họ đã mắc bệnh,” ông nói. “Chính tôi cũng biết rằng có nhiều gia đình bị nhiễm COVID-19, nhưng họ lựa chọn không xét nghiệm, cũng không thông báo với ai. Họ giữ kín chuyện trong nhà. Thật không may, một vài người trong số họ đã qua đời tại nhà.”
Được biết độ tuổi của những người tử vong tại nhà dao động từ ngoài 20 đến 80 tuổi, với nhiều người ở độ tuổi 50-60.
“Xin hãy tiêm vaccine”
William Orule nhập cư vào Úc từ Nam Sudan hồi năm 2003 thông qua chương trình tị nạn của Úc.
Sau khi định cư tại Sydney, anh đã tự học tiếng Anh và tốt nghiệp trung học. Anh tiếp tục đi học ở trường cao đẳng địa phương rồi lên theo học đại học, đồng thời làm một số công việc bao gồm lái xe Uber, và phục vụ trong hội đồng của nhiều tổ chức cộng đồng.
William Orule đang mong chờ được trở thành một luật sư để quay lại đóng góp cho cộng đồng. (Nguồn: Supplied)
“Cậu ấy đã lấy được bằng luật. Sau đó cậu ấy được nhận vào làm ở Toà án Tối cao bang New South Wales và Hội luật sư hồi tháng 5 năm nay,” anh Massimino chia sẻ. “Mục tiêu của cậu ấy là trở thành một luật sư để làm việc và hỗ trợ cộng đồng.”
Christine Debu, bạn của Orule, nói với 7:30 rằng anh là một “tấm gương, một con người đáng ngưỡng mộ, đã đưa mọi người xích lại gần nhau.”
“William đã phấn đấu để thành công”, cô nói. “Nếu là một người Nam Sudan ở Úc ngày nay, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách ở quê hương mới. Nhưng William Orule đã vượt qua được những điều đó.”
Christine Debu kêu gọi người dân Úc tiêm vaccine (ABC News: Greg Nelson)
Debu cho biết cái chết của Orule đã gây chấn động trong cộng đồng người Nam Sudan tại Úc, vốn sống rất khăng khít.
“Sáng hôm đó tôi thức dậy và nhận được tin nhắn WhatsApp từ Edward [Massimino] rằng Orule đã ra đi vì COVID-19,” cô nói. “Tôi vẫn không thể tin được rằng anh ấy đã không còn nữa. [Anh ấy] là một luật sư trẻ và có trình độ. Anh ấy đáng lẽ sẽ quay lại giúp đỡ cho cộng đồng, vậy mà lại bị tước đoạt mất cuộc sống. “
Bạn bè của William Orule chia sẻ với 7.30 rằng anh sẽ luôn được nhớ đến nhờ vai trò lãnh đạo của mình trong cộng đồng.
William Orule (ngoài cùng bên trái) được bạn bè coi là hình mẫu. (Ảnh)
Theo lời của gia đình, chỉ còn vài tuần nữa William Orule sẽ được tiêm mũi vaccine Pfizer đầu tiên, sau khi đã có lịch tiêm vào tháng 10.
Cái chết của anh khiến cộng đồng địa phương đã kêu gọi việc tăng cường tiêm vaccine COVID-19.
“Chúng ta cần phải tiêm vaccine. Làm ơn, xin hãy tiêm vaccine, điều đó vô cùng, vô cùng quan trọng,” Debu nói.
Theo Vietnamplus