Khi anh Khiêm sắp hoàn thành chương trình học bác sĩ kéo dài 12 năm tại Mỹ và chạm tay đến ước mơ của bản thân thì mọi thứ bỗng chốc tan biến khi anh bị liệt nửa người và mất trí nhớ sau một biến cố.
Đã hơn 16 năm kể từ ngày anh Phạm Thành Khiêm (SN 1983, TP.HCM) quyết định rời xa gia đình, một mình sang Hoa Kỳ học tập để theo đuổi ước trở thành bác sĩ từ thuở bé. Trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, giờ đây anh Khiêm đã trưởng thành và rắn rỏi hơn rất nhiều. Mọi thứ với anh chỉ mới như ngày hôm qua.
18 tuổi, 3.000 USD và những ước mơ dang dở nơi trời Tây
Năm lớp 12, trong khi hầu hết bạn bè đều tất bật chọn trường đại học để thi, thì anh chàng Phạm Thành Khiêm lại cần mẫn vừa học vừa làm để kiếm tiền đi du học. “Thầy tôi bảo hãy ra nước ngoài học để phát triển hết khả năng của bản thân. Thế nhưng ba mẹ tôi đều làm giáo viên, tiền lương mỗi tháng chỉ đủ chi tiêu cho gia đình, làm sao đủ tiền cho tôi đi du học. Vì vậy để thực hiện ước mơ tôi đã tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ”.
Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, anh Khiêm cầm trong tay số tiền 3.000 USD đến gặp ba mẹ và ngỏ lời xin đi du học. Anh bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó tôi đinh ninh rằng 3.000 USD là một số tiền rất lớn, đủ để tôi có thể lo liệu cho việc học. Ba mẹ hỏi đi hỏi lại rằng con có chắc chắn với quyết định của mình chưa? Vì sang Mỹ một mình sẽ vô cùng cực khổ, chứ không thoải mái như ở nhà đâu”.
Với nhiệt huyết và hoài bão ở tuổi 18, chàng trai trẻ đã quyết định chấp nhận thử thách để phát triển bản thân. Anh chọn học cơ khí – một ngành ngắn hạn để ra trường có việc làm ổn định, kiếm đủ tiền rồi mới đăng ký học bác sĩ.
3 ngày sau khi đặt chân đến nước Mỹ, anh Khiêm nhanh chóng sử dụng hết số tiền dành dụm được để trả tiền học, tiền nhà và phải ngay lập tức đi làm thêm để có tiền chi tiêu. Từ phụ bếp đến bán chợ trời hay làm nail… anh nhận bất cứ công việc gì mà mình có thể làm được.
Và rồi cố gắng của anh cũng được đền đáp, anh tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí, có một công việc với thu nhập 10.000 USD/tháng. Khi kinh tế đã ổn định, anh bắt đầu đăng ký vào học ngành bác sĩ ngoại khoa thần kinh – ngành mà anh luôn yêu thích từ khi còn bé. “Mẹ tôi bảo thôi đừng học nữa, với tấm bằng kỹ sư con cũng kiếm được một công việc ổn định rồi. Nhưng với tôi, nếu chưa đạt được điều mình thích thì tôi sẽ không dừng lại” – anh Khiêm chia sẻ.
Mọi thứ diễn ra rất thuận lợi, anh Khiêm quyết định làm thủ tục để đưa ba mẹ và em gái sang định cư tại Mỹ để tiện việc chăm sóc. Thế nhưng, 4 tháng trước ngày gia đình đoàn viên, ba của anh đột ngột qua đời. Cú sốc tinh thần quá lớn cộng với áp lực công việc, học tập ngày càng nhiều khiến chàng trai trẻ gặp phải một biến cố vô cùng nghiêm trọng.
“Những ngày tháng đó thật sự rất căng thẳng, sau khi ba mất, tinh thần tôi suy sụp khá nhiều. Để có tiền gửi về quê, tôi phải làm thêm 2 công việc khác ngoài giờ. Đồng thời chương trình học ngày một nặng nên mỗi ngày tôi chỉ ngủ được tầm 2 tiếng đồng hồ, đôi khi chạy bộ trên đường mà tiềm thức ngủ lúc nào không hay” – anh Khiêm kể lại.
Sau đó không lâu, vì áp lực quá lớn, cộng với việc lao động không ngừng nghỉ khiến anh bị tai biến mạch máu não. Anh bị liệt bán thân và gần như mất hoàn toàn trí nhớ. Mẹ anh là cô Nguyễn Thị Kiểm (53 tuổi) phải tức tốc sang Mỹ để chăm lo cho con trai.
Trải qua 6 tháng chống chọi với bệnh tật, tiêu tốn hơn 120.000 USD, số tiền mà anh Khiêm dành dụm không đủ để hai mẹ con anh ở lại Mỹ chữa bệnh. Thế là hai người đành lặng lẽ trở về Việt Nam, để lại biết bao hoài bão còn dở dang nơi nước bạn.
Thực hiện lời hứa với người cha đã khuất
Những ngày đầu về Việt Nam, anh Khiêm vẫn phải ngồi xe lăn và hầu như chỉ ú ớ không nói chuyện được. Mọi sinh hoạt đều phải có mẹ giúp đỡ. Anh được mẹ đưa vào bệnh viên Y học dân tộc để tập vật lý trị liệu, anh nhớ lại những ngày tháng nằm trong bệnh viện: “Lúc đó trí nhớ tôi chỉ còn lại khoảng 3%, nhiều lúc ai nói gì đó, tôi nhớ rồi vài phút sau lại quên sạch. Trong đầu tôi vẫn hay hiện lên câu hỏi về mẹ mình: người phụ nữ này là ai mà sao ngày nào cũng đến thăm mình”.
Cô Kiểm kể: “Lúc bấy giờ ai chỉ chỗ nào có phương pháp chữa hay là cô đều đưa Khiêm đến chữa, mong con trai có thể hồi phục. Trải qua nhiều lần thủy châm, châm cứu… mà bệnh tình vẫn không tiến triển nhiều, nên cô lại đưa Khiêm vào lại bệnh viện Y học dân tộc để tập vật lý trị liệu”.
Mỗi lần tập luyện là mỗi lần phải chịu vô vàn đau đớn, chỉ cần nhấc một cánh tay cũng đau như ngàn mũi kim đâm vào. Nhưng anh Khiêm chưa bao giờ có ý định từ bỏ, phó mặc số phận. Ngoài việc tập vật lý trị liệu, mỗi sáng anh tập đi bộ. Anh kể: “Ngày đầu tiên tôi đi 100 bước, ngày thứ hai cố gắng đi 101 bước, rồi 102 bước, cứ như thế bây giờ mỗi ngày tôi đã đi được 4km. Người bình thường đi bộ mất 15 phút thì tôi đi 30 phút, tôi không vội, tôi còn rất nhiều thời gian để hồi phục”.
Để có thể nói chuyện bình thường, mỗi ngày anh Khiêm dành nhiều thời gian để tập đọc, đọc to, rõ từng chữ một. “Khoảng thời gian trí nhớ tôi chưa hồi phục, có một lần trong tiềm thức tôi hiện lên hình ảnh của ba. Ba nói với tôi rằng: con hãy chăm sóc cho mẹ nhé! Và dần dần tôi nhớ ra nhiều thứ hơn. Tôi nhớ trước khi ba qua đời, tôi đã từng hứa là sẽ chăm sóc cho mẹ thật tốt. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để có thể thực hiện lời hứa của mình với ba”.
“Tôi còn nhờ sự giúp đỡ rất nhiều về mặt tinh thần cũng như vật chất của chú Phạm Anh Dũng (chú ruột anh Khiêm) cùng với cô Lan (cô ruột), nên tôi đã có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật và vượt qua thử thách của cuộc sống”.
Gần 7 năm trời kể từ ngày trở về Việt Nam, cố gắng của mẹ con anh đã được đền đáp, giờ đây anh Khiêm đã có thể đi lại được mà không cần người hỗ trợ, tuy tay phải và chân phải vẫn còn rất yếu nhưng trí nhớ đã được hồi phục. Ngoài giờ tập luyện, anh chàng bắt đầu nhận dạy kèm môn Anh văn cho một số học trò để kiếm thu nhập.
Thế là sau khi trải qua một đoạn đường thật dài, có những lúc tưởng chừng chạm được đỉnh của vinh quang, rồi có lúc dường như cận kề với cái chết, hôm nay anh Khiêm đã có thể bình tĩnh tận hưởng những ngày tháng bình yên của cuộc sống.
Mỗi ngày anh vẫn đều đặn tập thể dục, tập đọc, soạn giáo án và dạy học. Mọi thứ đang được anh xây dựng lại từ đầu. Tôi hỏi anh: “Anh có cảm thấy tiếc nuối với những gì mà mình đã từng đạt được không?”, anh bình thản trả lời: “Tất cả đã qua rồi, dù có muốn níu kéo cũng không được. Đừng mong cuộc sống không có khó khăn, mà thay vào đó hãy làm việc và không ngừng cố gắng!”.