Phụ huynh Việt tại Mỹ cũng đau đầu việc đưa trẻ trở lại trường học

14

 

Nhiều phụ huynh tại Mỹ quan ngại về mức độ hiệu quả của việc học online đối với trẻ nhỏ, trong khi số khác lo lắng việc trẻ nhỏ quay lại trường học khi chưa được tiêm vaccine.

“Bé không chịu học. Học không hiểu, mình cũng không hiểu gì luôn”, chị Hương Hoài, chủ tiệm thẩm mỹ ở New York, chia sẻ về trải nghiệm học trực tuyến của con gái.

Con gái chị Hoài đang học lớp 5 ở một trường tiểu học vùng trung tâm Manhattan. Đại dịch bùng lên tại Mỹ chính là thời điểm bé bắt đầu chuyển từ việc học trực tiếp qua học online.

Khi tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ tăng cao và cuộc sống “bình thường mới bắt đầu”, chị Hoài vẫn lo ngại và không muốn bé đến trường học trực tiếp. Chị quan ngại trẻ con chưa được tiêm vaccine, mối nguy hiểm vẫn còn đâu đó ngoài xã hội. Dù học online kém hiệu quả hơn, việc học ở nhà có thể đảm bảo an toàn cho con.

Người lớn hỗ trợ trẻ nhỏ tập trung trong quá trình học online. Ảnh: USA Today.

Hôm 27/7, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cập nhật hướng dẫn các trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Theo đó, CDC khuyến cáo học sinh và nhân viên trường học đeo khẩu trang đối với các hoạt động tổ chức ở trong nhà, kể cả những người đã được tiêm phòng.

Theo US News, trong 200 học khu lớn nhất ở Mỹ, 69 học khu bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả học sinh, 106 học khu không bắt buộc, 21 học khu chưa quyết định, và 4 trường hợp để học sinh và nhân viên tự lựa chọn.

Dù các học khu đưa ra các quyết định khác nhau, phần lớn các bậc phụ huynh, trong đó có nhiều người Việt tại Mỹ, đều bối rối trước viễn cảnh đưa trẻ trở lại trường.

Mong muốn con trẻ học tại nhà

“ỞManhattan, các bé phải được đưa đến trường học trực tiếp. Nếu mình không đưa con đi, mình sẽ bị phạt. Trách nhiệm nuôi nấng con cũng thuộc về chính phủ, mình không thể thích làm gì thì làm”, chị Hương Hoài chia sẻ với Zing.

Chị Hoài lo ngại rằng thành phố New York nhộn nhịp và đông đúc, dịch bệnh vẫn tiềm tàng ở bất cứ nơi nào. Con nhỏ chưa được tiêm vaccine khiến chị lo lắng hơn.

Học sinh giữ khoảng cách với nhau tại lớp học hồi tháng 3. Ảnh: CNBC.

Oanh Trần, sinh sống và làm việc tại Texas, có hai bé. Bé lớn học lớp 4 và bé nhỏ học lớp 2. Hiện các bé đã quay trở lại trường học tập bình thường. Tuy nhiên, các lớp học ngoài giờ sẽ được tổ chức theo mô hình online thay vì học trực tiếp như trước đây.

Trường học yêu cầu học sinh mang khẩu trang và giữ khoảng cách với nhau. Dù lo lắng, chị Oanh chia sẻ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải đến trường. Nhà trường không cung cấp lựa chọn học online để các con nhỏ có thể học ở nhà. Trước mỗi buổi đến trường, chị Oanh nhắc các bé phải cẩn thận và rửa tay thường xuyên.

Đối với chị Oanh, việc đến trường học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn nhưng lại có nhiều rủi ro mắc bệnh. Việc ở nhà có thể bảo vệ sức khỏe con trẻ nhưng việc học online lâu ảnh hưởng đến kiến thức.

Nỗi sợ học online

Đại dịch đã thúc đẩy quá trình sử dụng công nghệ trong giáo dục. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ học trực tiếp qua học online một cách đột ngột khiến cho cả giáo viên, phụ huynh, và học sinh bỡ ngỡ.

Chị Hương Hoài cho rằng con chị thường xuyên mất tập trung và làm việc riêng trong giờ học. Bé cảm thấy buồn chán khi không được gặp bạn bè và luôn phải ở trong nhà. Ở trường, bé được tương tác, trò chuyện, và tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè. Mất đi niềm vui học tập ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả học tập của trẻ nhỏ.

Chị Oanh làm việc cho một công ty tài chính bảo hiểm nên chị ở nhà làm việc online trong thời gian đại dịch. Chị thường sắp xếp ngồi chung với các bé khi hai bé đang học. Mỗi bé có một chiếc máy riêng. Tuy vậy, chị cảm thấy khó khăn để cân bằng giữa hiệu quả công việc của bản thân và đảm bảo việc học của các bé.

“Hai bé gần tuổi với nhau nên lâu lâu lại chí chóe. Tôi cũng phải vô phân xử cho hai bé”, chị Oanh bật cười khi nói về những vấn đề thường gặp khi các con học chung ở nhà.

Học sinh đeo khẩu trang và đứng có khoảng cách với nhau. Ảnh: NBC.

Chính phủ hỗ trợ đầy đủ khi học online

Học trực tuyến ngoài những áp lực về chất lượng và hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải có đầy đủ về các thiết bị và đường truyền mạng ổn định. Chị Hương Hoài và chị Oanh đều cảm thấy may mắn về những hỗ trợ kịp thời của chính phủ về mặt thiết bị và các dụng cụ học tập.

Tại New York, chị Hương Hoài chia sẻ nếu như học sinh không có thiết bị để học, giáo viên sẽ đăng ký với Sở Giáo dục. Sau đó, thiết bị học tập sẽ được gửi về tận nhà. Mỗi bé sẽ có một máy laptop hoặc Ipad nhằm phục vụ việc học.

Ở Texas, ngoài hỗ trợ về máy tính, trường học của hai bé nhà chị Oanh còn được nhận hỗ trợ về sách vở. “Trường yêu cầu phụ huynh đến trường để lấy sách vở và tài liệu cho học sinh”, chị Oanh nói.

Ngoài ra, trường học tạo một ứng dụng riêng để trao đổi với phụ huynh và một ứng dụng để tương tác với học sinh. Trường học yêu cầu có người lớn ở bên các bé trong quá trình học tập. Trong quá trình học online, nếu các bé chưa thạo các thủ tục liên quan đến công nghệ, nhà trường sẽ nhắn phụ huynh để phụ huynh hướng dẫn bé. Khi các bé chưa hoàn thiện bài tập, giáo viên sẽ nhắn phụ huynh để gia đình nhắc nhở bé làm bài.

Đối với ứng dụng dành cho học sinh, các bé dùng để làm bài tập online. Phụ huynh có thể kiểm tra việc học của các con. Giáo viên cũng dễ dàng theo dõi tiến trình học tập của học sinh.

“Sau giờ học, cô giáo sẽ gửi bài tóm tắt buổi học đã học những gì. Ngoài ra, cô sẽ đánh giá hôm đó bé học thế nào. Nếu hôm đó học tốt, cô sẽ cho nhiều mặt cười hoặc trái tim. Phụ huynh muốn xem kỹ hơn sẽ vào trang chủ học tập của trường để biết bé đã học gì và đã hoàn thiện bài tập chưa”, chị Oanh chia sẻ.

Việc giáo viên đồng hành sát sao cùng học sinh và phụ huynh khiến việc học online trở nên hiệu quả. Chị Oanh cảm thấy đây là một điều may mắn khi thầy cô ở trường giúp các con trẻ thích nghi nhanh hơn với việc học online.

Chị Oanh Trần hướng dẫn các con học online. Ảnh: NVCC.

Cô Tracy Trang Tran Greenfield hiện làm việc tại hai công ty giáo dục trực tuyến lớn nhất nước Mỹ – Stride K12 và Weld North. Tại Stride K12, cô là giảng viên Toán cho học sinh trung học. Ở Weld North, cô giữ vị trí phụ trách khu vực miền Đông Bắc nước Mỹ.

Từng dạy tại trường công theo mô hình truyền thống trong 3 năm, cô chuyển qua dạy trực tuyến từ năm 2015. Thời điểm đó, học online còn là khái niệm mới với mọi người. Từ góc độ của giáo viên, cô Trang thích việc dạy online hơn vì có thể chủ động về mặt thời gian.

Tuy nhiên, cô Trang cho rằng mô hình học online để đối phó với Covid-19 hiện nay là giải pháp tạm thời. Vì vậy, các ban ngành không nên tạo quá nhiều áp lực tới học sinh và giáo viên. Thay vào đó, thời lượng mỗi tiết có thể tăng lên.

“Bằng việc này, các thầy cô có thời gian kiểm tra chất lượng bài làm của học sinh ngay trong tiết. Mọi bài tập nên được hoàn thành ngay trong lớp thay vì phải để lại thành bài tập ‘về nhà’”, cô Trang nói với Zing. “Trong thời khóa biểu online, nhà trường nên cho các con thời gian nghỉ giải lao và giảm số lượng bài tập để các con không phải làm bài về nhà sau giờ học chính”.

Gia đình nên hạn chế thời lượng dùng điện thoại và thiết bị điện tử của con nhỏ. Ngoài ra, các bé không nên sử dụng thiết bị điện tử hay xem tivi trước giờ đi ngủ. Cơ thể và thị lực của trẻ cần thời gian để phục hồi sau một ngày dài ngồi trước máy tính.

Ngồi lâu trước màn hình máy tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ. Ảnh: CNN.

Tại Mỹ, mỗi tiểu bang sẽ có chính sách hỗ trợ học sinh và giáo viên riêng. Học sinh sẽ được phát miễn phí máy tính cá nhân. Đối với các gia đình không có khả năng chi trả Internet, họ sẽ nhận được hỗ trợ kết nối mạng. Giáo viên được đào tạo để thích nghi với việc dạy trực tuyến.

Ngoài ra, giáo viên nhận được các thiết bị điện tử như bút viết thông minh, microphone, và webcam nhằm phục vụ giảng dạy. Ngoài trợ cấp chung 2.000 USD của chính quyền liên bang, mỗi giáo viên sẽ nhận thêm ít nhất 1.000 USD hỗ trợ từ ngân sách giáo dục.

Nhiều tiểu bang tại Mỹ mua chương trình từ các công ty giáo dục trực tuyến để giáo viên không cần phải soạn bài giảng dạy online. Hơn nữa, Bộ Giáo dục và các trường đại học cho phép cắt hoặc xóa nhiều cuộc thi chuẩn hóa, đáng kể đến như SAT hay ACT.

SHARE