Cậu bé Tào Bình, ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây bị bảo mẫu mang đi biệt tích từ tháng 1/1988, khi mới 5 tháng tuổi.
Ba mươi hai năm trước, phương tiện truyền thông ở Trung Quốc không nhiều. Ngoài sự trợ giúp từ phía cảnh sát, gia đình bà Tào còn huy động người thân, bạn bè tỏa đi khắp các bến tàu xe tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Vài năm sau, bà Tào sinh thêm một cô con gái đặt tên là Tào Dĩnh. Trong nhà, bà để riêng một tủ đồ chơi của Tào Bình, không cho phép con gái động vào. Những ngày lễ, Tết, mua đồ cho con, bà cũng thường mua hai chiếc và nói với con gái: “Cái này của con, cái kia của anh trai”.
Hơn 30 năm qua, vợ chồng bà Tào chưa khi nào từ bỏ tìm kiếm con trai. Họ liên tục đăng thông tin lên báo chí, truyền hình và gửi lời kêu cứu tới những chương trình tìm trẻ lạc. Hai vợ chồng cũng kết nối dữ liệu ADN với cơ quan chức năng thành phố Quế Lâm, hy vọng tìm được con trai nhờ công nghệ.
Tháng 5/2020, cặp vợ chồng này cũng đạt được ước nguyện. Họ tìm thấy Tào Bình sống với vợ con ở một vùng nông thôn cách Quế Lâm 200 km. Cô bảo mẫu, cũng là kẻ bắt cóc, tên Tần Phương không bán cậu bé cho ai khác mà tự mình nuôi dưỡng. Tần Phương cho biết, trước đây cô hay bị chồng cũ đánh đập nên bỏ đi. Biết bản thân bị vô sinh nên người này bắt cóc Tào Bình để nuôi.
Biết con trai chịu nhiều thiệt thòi, ông bà Tào tìm mọi cách bù đắp. Thời gian đầu, mối quan hệ giữa Tào Bình và gia đình mẹ đẻ rất tốt đẹp. Cuối tuần, người đàn ông 33 tuổi thường đưa vợ con đến chơi nhà ông bà, ở lại ăn cơm. Tào Bình cũng nói rằng, anh cảm thấy hạnh phúc khi có tới hai người mẹ để yêu thương.
Tuy nhiên, bà Tào không chấp nhận dừng ở đó mà muốn đưa kẻ bắt cóc ra tòa. Bà cho rằng, Tần Phương đã cướp đi tương lai của con trai bà, người đáng lẽ có thể vào đại học thay vì mới học hết cấp 2 rồi đi làm. “Chính cô ta cũng khiến gia đình tôi đau khổ, vật vã bao năm qua”, bà Tào nói.
Vài tháng trước, bà Tào muốn chuyển trường cho cháu nội đến Quế Lâm để có cơ hội học tập tốt hơn. Tào Bình không đồng ý. Khi mâu thuẫn xảy ra, bà Tào và con gái càng muốn Tần Phương phải ngồi tù. Người mẹ này cũng mong muốn, con trai là nhân chứng trước tòa, chống lại mẹ nuôi.
“Bao năm qua, người phụ nữ đó đã đối xử với con rất tốt. Con chưa từng nghĩ, mình là một đứa con nuôi”, Tào Bình nói với mẹ đẻ. Bởi đã có gia đình riêng, cuộc sống ổn định nên Tào Bình không muốn mọi thứ bị đảo lộn.
Nghĩ tới những cay đắng mà gia đình phải chịu đựng hơn 30 năm, cùng với thiệt thòi của con trai, bà Tào phản đối. Mối quan hệ giữa hai mẹ con ngày càng xa cách. Dù sau này bà Tào luôn muốn giúp đỡ vật chất nhưng Tào Bình không nhận. Nhiều lúc tức giận, anh thậm chí còn la mắng, coi mẹ đẻ như kẻ thù.
Đơn kiện của bà Tào đã bị Viện kiểm sát bác bỏ bởi thời hạn truy tố đã quá 20 năm. Người phụ nữ này không chấp thuận, nói sẽ gửi đơn đến cơ quan cấp cao hơn.
Người con trai nói: “Sựhậnthù trong mắt mẹ còn lớn hơn tình cảm gia đình”. Bà mẹ giận Tào Bình đã mù quáng “nhậngiặclàmcha” và quan hệ tình cảm này được xây dựng trên sự lừa dối suốt 32 năm.
“Chúng ta mới là nạn nhân lớn nhất, cả nhà này ngày đêm đau khổ vì mất con hơn 30 năm”, bà Tào từng nói với Tào Bình, nhưng anh lại bỏ đi. Nhiều năm tìm con, bà mắc chứng trầm cảm, sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Tôi muốn công lý được thực thi. Đã có quá nhiều gia đình như chúng tôi phải đau khổ khi bị bắt mất con”, bà Tào nói và cho rằng nếu pháp luật không trừng trị những kẻ như Tần Phương, thảm kịch bắt cóc vẫn tiếp tục xảy ra.
Vy Trang (Theo 163.com)