Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ đang xem xét cấm cửa TikTok và tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc

54

Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Mỹ cho biết quốc gia này đang xem xét cấm cửa các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok
Khi được hỏi liệu Mỹ có xem xét cấm các mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là TikTok, ông Pompeo nói rằng nước Mỹ đang xem xét điều đó. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh người dùng Mỹ chỉ nên tải các ứng dụng này nếu muốn dữ liệu, thông tin cá nhân của mình nằm trong tay người Trung Quốc.

Tuy nhiên, TikTok đã ngay lập tức phản bác lại những cáo buộc này. Theo đó, nền tảng của Trung Quốc nói rằng họ được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên và các lãnh đạo chủ chốt làm việc trong lĩnh vực an ninh, an toàn và cả chính sách công tại chính nước Mỹ.

“Chúng tôi luôn ưu tiên cao trong việc thúc đẩy trải nghiệm người dùng dưới sự bảo mật và an toàn. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi cũng sẽ khước từ việc này ngay cả khi được yêu cầu”, người phát ngôn TikTok cho biết.

Nhận xét của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức cao. Từ thương mại, Mỹ – Trung đang chuyển sang đối đầu trên các lĩnh vực khác như an ninh quốc gia và công nghệ.

TikTok là ứng dụng thuộc sở hữu của công ty khởi nghiệp ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ứng dụng này nhiều lần bị các chính trị gia Mỹ cáo buộc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia vì mối quan hệ của nó với Chính phủ Trung Quốc. Thậm chí, người Mỹ còn cáo buộc nó là công cụ tình báo của Bắc Kinh.
Trong khi đó, TikTok nhiều lần nói rằng họ hoạt động tách biệt với ByteDance và đặt trung tâm dữ liệu nằm ngoài Trung Quốc và không cần phải tuân thủ theo luật pháp Trung Quốc. Theo TikTok, dữ liệu người dùng của họ được lưu trữ tại Mỹ và một bản sao ở Singapore. Người phát ngôn công ty cũng nói rằng những quan ngại về an ninh quốc gia với TikTok là “không có cơ sở”.

Ở thời điểm hiện tại, TikTok là ứng dụng đang bùng nổ ở Mỹ và các nước phương Tây khác. Đây là nền tảng mạng xã hội đầu tiên của Trung Quốc thành công ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia tỷ dân này. Trong 3 tháng đầu năm nay, nó có 315 triệu lượt tải về, số lượt tải theo quý nhiều hơn bất cứ ứng dụng nào khác trong lịch sử.

Tuy nhiên, Mỹ không phải trở ngại duy nhất của TikTok. Tuần trước, Ấn Độ đã cấm ứng dụng này và hàng loạt các app Made in China nổi tiếng khác vì cho rằng chúng gây ra “mối đe dọa với chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ” của nước này. Động thái của Ấn Độ được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới với Trung Quốc khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Trước đó, Ấn Độ cũng áp dụng nhiều biện pháp nhằm trả đũa Trung Quốc, trên tất cả các mặt trận. Gần đây nhất, Ấn Độ đã hủy bỏ đơn mua đồ điện trị giá nhiều tỷ USD từ Trung Quốc vì không thể chấp nhận việc tạo công ăn việc làm cho một quốc gia “dám xâm nhập vào lãnh thổ của chúng ta, giết binh lính của chúng ta” như lời Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh tuyên bố.

Linh Anh

Theo Nhịp sống kinh tế

SHARE