Lúc nào cũng khen ngợi, ví con như những người nổi tiếng bởi quá yêu con, diễn viên Jenny Mollen phải trải qua giai đoạn khó khăn.
Dưới đây là bài chia sẻ trên tạp chí Parents của Jenny Mollen, vợ diễn viên Jason Biggie, bà mẹ hai con:
Cho đến khi Sid, con trai tôi, lên 5 tuổi, cuộc sống của con tràn ngập sự nịnh hót và những lời khen. Tôi khen Sid bất cứ khi nào con làm được điều gì đó. Tác phẩm nghệ thuật của con được ví như của hoạ sĩ nổi tiếng Jean-Michel Basquiat. Khi con nhảy múa trong phòng khách, tôi vỗ tay khen ngợi như thể con là vũ công Mikhail Baryshnikov. Giống như rất nhiều phụ huynh, tôi đã nuông chiều, ngưỡng mộ con và luôn để con thấy rằng không có gì là không thể làm được.
Vì cách cư xử của gia đình, Sid không có nhu cầu phải học điều gì ở trường, thậm chí không cần các hoạt động sau giờ học. Sid cho rằng con đã làm chủ được cuộc sống.diễn viên Mỹ
Tôi và con từng nói chuyện về việc học guitar:
Tôi: Lớp học guitar có gì con trai?
Sid: Mẹ đã nói con là người chơi guitar tuyệt vời mà.
Tôi nhìn con bối rối: Nhưng con chưa thể chơi guitar.
Sid phản bác: Con chơi guitar tưởng tượng (Air Guitar). Nó còn khó hơn chơi guitar bình thường vì chơi tưởng tượng thì không thể nhìn thấy dây đàn.
Tôi yêu sự tự tin cực độ, sự ngây thơ và sự thích thú của con trai. Tôi cũng muốn tận hưởng những giây phút đó vì tôi biết nó sẽ không tồn tại mãi mãi.
Jenny Mollen là diễn viên, tác giả có sách bán chạy nhất nước Mỹ. Ảnh: Parents.
Mùa thu năm ngoái, Sid đi học mẫu giáo. Tôi nhận thấy có một sự thay đổi. Sự tự nhận thức của con bắt đầu mở rộng. Con được tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ khác, có nhiều ý tưởng hơn và cũng phải đối mặt với nhiều thử thách hơn. Như những gì tôi đoán, con bắt đầu so sánh mình với những đứa trẻ khác, tránh xa những gì nằm ngoài vùng thoải mái của mình. Con không còn là người giỏi nhất trong mọi thứ và con biết điều đó.
Cảm giác rất tệ khi biết con mình không phải lựa chọn hàng đầu vào đội bóng đá hay con tự mắng mình vì không biết câu trả lời đúng trong bài kiểm tra nhạc pop. Tôi đau lòng không chỉ vì sự khen ngợi quá mức của chúng tôi mà còn vì chúng tôi đã đánh mất khả năng làm cho các con tốt hơn.
Tôi rút ra bài học là phải để cho những đứa trẻ của mình trải nghiệm sự thất bại. Đó là cách những thứ tốt đẹp diễn ra. Khi tôi đi học, giáo viên bảo tôi mắc chứng khó đọc. Vào những giờ học đọc, tôi bị tách riêng khỏi các bạn trong lớp. Nhiều năm sau, cố vấn học tập bậc trung học nói với tôi rằng tôi sẽ vào được Đại học California tại Los Angeles (UCLA). Tôi đã không chỉ trúng tuyển vào trường mà còn tốt nghiệp sớm một năm. Kỹ năng đọc của tôi có thể rất tệ nhưng tôi đã tạo dựng sự nghiệp bằng kỹ năng viết và là tác giả hai cuốn sách bán chạy nhất.
Tôi chưa bao giờ là một sinh viên hạng A, nữ hoàng trong buổi dạ hội ở trường hay ngôi sao thể thao nhưng tôi luôn quyết tâm, khôn ngoan và sẵn sàng phạm sai lầm. Tôi đã khóc rất nhiều vì mọi thứ không hề dễ dàng. Nhưng sau đó tôi đã cố gắng để vượt qua.
Thực tế, tôi không hề cố gắng làm phẳng con đường cho những đứa trẻ của mình. Điều đó xảy ra chỉ vì tôi yêu chúng rất nhiều. Giờ đây, tôi phải nhắc nhở bản thân hàng ngày, đôi khi là hàng giờ về việc không nên ngợi khen con quá nhiều. Hãy để các con thất bại bởi đó là cách giúp chúng trải nghiệm, đấu tranh. Ngược lại, chúng ta sẽ cướp đi hành trình anh hùng của chúng. Nếu cuộc sống quá dễ dàng, niềm vui sẽ là gì?
Với câu chuyện học guitar, nhiều tuần sau cuộc nói chuyện trên, Sid nói với tôi “Con sẽ thử tham gia một lớp guitar. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu con không làm tốt”? Tôi đã nói với con “Con có thể làm không tốt khi mới bắt đầu. Nhưng đó là lý do khiến việc học guitar trở nên thú vị”.
Dương Tâm (Theo Parents)