Contents
Trả số tiền lớn để mua tác phẩm điêu khắc trên mạng, Chris Owen lại nhận được một “miếng nhựa”.
Khi chuyển đến căn nhà mới thuê, Sam Bowker và vợ dự định mua một chiếc ghế sofa tại cửa hàng nội thất. Tuy nhiên vì dịch bệnh, cửa hàng phải tạm đóng cửa và không còn giao hàng tận nơi.
Vào một buổi tối sau khiuốngrượu, Bowker đã lên trang thương mại điện tử eBay và tìm thấy chiếc một gian hàng bán chiếc ghế băng cùng lời giới thiệu: “ghế ngồi 3 chỗ màu đen, kiểu dáng đẹp, miễn phí vận chuyển”.
Theo Guardian, chiếc ghế có giá 300 USD, nhiều hơn một chút so với mức tiền mà Bowker dự định chi trả. Nhưng anh cho rằng mình có thể tiêu xài quá tay một chút bởi nhìn qua ảnh, chiếc ghế rất đẹp.
Bowker thất vọng với chiếc ghế băng nhận được. |
“Tôi đã đặt mua chiếc ghế, chờ đợi khoảng một đến 2 tuần. Cuối cùng, món đồ cũng đã được giao đến bậc cửa nhà tôi, gói bọc trong một chiếc hộp nhỏ xíu. Tôi đã khá thất vọng khi nhìn chiếc hộp này, tôi hy vọng nó phải lớn hơn”, Bowker kể lại.
Theo Bowker, chiếc ghế anh mua như thể đã bị va đập. Ghế chỉ rộng 30 cm (trong khi độ rộng tiêu chuẩn cho ghế băng là 55 đến 70 cm). Anh đoán rằng đây là ghế dành cho trẻ em.
“Dù thất vọng, chúng tôi không trả lại mà giữ chiếc ghế trong phòng khách. Tôi đã ngồi trên đó và xem phim một lần. Một trong những chiếc chân ghế bị vênh, chúng tôi phải cưa bớt nó trước khi di chuyển ghế đến một vị trí khác”, anh nói.
Bowker không phải người duy nhất gặp sự cố khi mua sắm online trong giai đoạn giãn cách xã hội tại Úc.
Bản thân tác giả Alyx Gorman của bài viết này cũng đã nhầm lẫn mà mua đến 3 lần cùng một đôi giày thể thao, 12 chai rượu Tempranillo, một máy làm kem không thể hoạt động, một đôi giày cao gót nhưng không đi đến và một bộ lông mi giả lấp lánh nhưng không biết cách gắn lên.
Từ tháng 1 đến cuối tháng 7/2021, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã nhận được 10.873 khiếu nại về các sự cố mua sắm trực tuyến với tổng thiệt hại hơn 3,9 triệu USD.
ACCC cho biết: “Những chiêu trò gian lận này đã gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Nhiều người bán hàng lợi dụng người mua không thể mua sắm tận nơi và kiểm tra sản phẩm trực tiếp”.
Không giống quảng cáo
Chris Owen xem được quảng cáo trên Facebook về những tác phẩm “điêu khắc cổ” và “đồ đồng”. Anh cho rằng những sản phẩm này đầy tính sáng tạo và thẩm mỹ.
Sản phẩm Owen nhận được (bên phải) khác xa quảng cáo (bên trái)
Anh chi trả 40 USD kèm theo phí giao hàng để mua một tác phẩm điêu khắc trên mạng. Sau hơn 3 tháng chờ đợi, anh mới có thể nhận được gói hàng.
“Tôi mang vào nhà hai chiếc hộp với kích thước chỉ bằng hộp đựng kẹp giấy. Tôi không tin nổi vào mắt mình. Tôi mở hộp ra và bắt đầu không thể nhịn cười. Tôi đưa cho gia đình xem, họ cũng phải bật cười ngặt nghẽo”, Owen kể.
Mô hình nhựa không dài bằng ngón tay. |
Theo đó, thay vì là một tác phẩm điêu khắc, món đồ anh nhận được lại là một “miếng nhựa”, không hề giống với những gì được quảng cáo.
Nhân vật bằng nhựa này có bàn tay to gấp đôi đầu.
“Sản phẩm này được quảng cáo làm bằng nhựa thông, có chiều cao 15 cm. Tôi biết rằng mình không thể trông đợi một sản phẩm bằng đồng thật sự với số tiền 40 USD, nhưng tôi cũng không thể ngờ đó là mức giá cho một miếng nhựa đúc hình chỉ dài 3 cm”, anh than thở.
Owen đã yêu cầu hoàn trả hàng để lấy lại tiền nhưng người bán từ chối.
Tiếc nuối
Phải chật vật với cuộc sống tẻ nhạt khi giãn cách xã hội, Jack Cowell đã chú ý đến một thương hiệu trang sức được quảng cáo trên mạng xã hội. Anh rất mê mẩn với hình ảnh những chiếc vòng cổ đẹp đẽ, được chế tác công phu từ ngọc trai đính kèm phụ kiện hình con cóc, thiên nga và trái mâm xôi lấp lánh.
Sau một vài tuần suy nghĩ, Cowell quyết định chi 500 USD để mua một chiếc vòng cổ mà theo anh giống như trong phim Chúa tể của những chiếc nhẫn. Anh cho biết mình chỉ đủ tiền mua một chiếc mà thôi và đó là món hàng online đắt nhất anh mua trong giai đoạn dịch bệnh.
Cowell kịp chụp ảnh ngay trước khi chiếc vòng bị đứt. |
Khi sản phẩm được gửi đến nơi, Cowell cảm thấy thật tuyệt vời. Anh ngay lập tức thích thú chiếc vòng đính hạt lấp lánh.
Anh cẩn thận rút chiếc vòng ra khỏi túi, đeo nó quanh cổ. Tuy nhiên ngay khi anh bắt đầu ngắm mình trong gương, chiếc vòng bất ngờ đứt khóa, hạt văng khắp phòng.
Vì sợi dây chuyền bị đứt nên Cowell không thể trả lại. Anh rất tiếc nuối: “Tôi nghĩ mình sẽ không dám đeo thêm chiếc vòng cổ nào trong 10 năm tới mất”.
Anh đã nhặt lại những chiếc hạt rơi rớt trên sàn nhà và tặng lại cho một người bạn.
“Tôi thích chiếc vòng nhưng không đủ khéo léo để sửa chữa nó nên đã tặng cho bạn mình. Cô ấy đã sửa chiếc móc cài và đeo chiếc vòng gần như mỗi ngày”.
Theo Zing