Từ khi mạng xã hội ra đời, cả đàn ông và phụ nữ đều bị cuốn theo. Nhất là mùa dịch này, họ lại càng chìm đắm mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều anh chồng bắt đầu than thở vì tất tần tật mọi chuyện trong nhà đều bị vợ đem kể lể trên Facebook.
Ví như mới đây, trên báo VNE, em có đọc được tâm sự của một anh chồng, đang quá bất mãn về cô vợ thích khoe của mình. Cụ thể anh kể như sau: “Vợ tôi là người phụ nữ ưa nhìn, yêu thương gia đình. Chúng tôi có hai con, “đủ nếp đủ tẻ”. Tôi hạnh phúc khi có người vợ như vậy. Chỉ có điều, vợ tôi luôn phơi bày tất cả những điều đó trên mạng xã hội.
Bố tôi nói vui rằng “nhà ăn gì, đi đâu, làm gì… cả làng đều biết hết”. Mùa dịch này, vợ tôi ở nhà, làm nhiều món ngon nhưng ều như vắt chanh, cả ba bữa vợ đều chụp ảnh các món ăn để đăng tải lên Facebook. Chẳng thà các món lạ miệng, thi thoảng đăng lên thì tôi cũng đồng ý, nhưng có bữa mỗi cơm và rau muống luộc cũng tải lên.
Tâm sự của người chồng có vợ mê mạng xã hội (Ảnh: VNE)
Sau đó, có vài chị em bạn dì vào bình luận kiểu như: “Đảm quá chị ơi”, “Mẹ cu A khéo tay thế, nhất bố con nhà nó”… Dù toàn là bình luận xã giao, nhưng vợ tôi lại rất mê những lời khen có cánh như vậy. Chuyện ăn uống đã vậy. Tới chuyện chồng con riêng tư, vợ cũng đăng cả lên Facebook.
Hai tháng nay, tôi ở yên trong nhà, không đi cắt tóc, đầu tóc xồm xoàm như người rừng, vậy mà vợ cũng chụp lén ảnh tôi đang ngồi uống cà phê, có phần chán chường, sau đó đăng lên Facebook với nội dung: “Ở nhà mùa dịch”. Nhiều người vào bình luận: “Ở nhà phát phì rồi, bớt ăn lại đi”, “Vợ nấu ăn khéo quá, chồng mập ra đấy nhé”… Vợ tôi thích thú với mấy lời bình luận ấy, còn tôi cảm thấy mất sự riêng tư của mình.
Hai con tôi đang độ tuổi tiểu học, trộm vía cũng xinh xắn, dễ thương. Vậy nhưng vào trang cá nhân của vợ, tôi thấy cả “rừng” ảnh của hai con. Học trường gì, lớp nào, cô giáo tên gì, thậm chí cả giấy khen của con vợ tôi cũng đăng hết lên Facebook để khoe.
Tôi tự hỏi, không biết vợ tôi thấy việc đó có gì hay? Thật lòng mà nói, trẻ con tiểu học xung quanh tôi, 10 đứa thì hết chín đứa năm nào cũng đạt học sinh giỏi, xuất sắc, hãn hữu lắm mới có cháu tiên tiến. Bậc tiểu học, cũng chẳng đòi hỏi gì quá cao siêu nên chẳng có gì đáng phải khoe cả.
Hình minh họa (Ảnh: Tin Tây Nguyên)
Hằng năm, vào các ngày nghỉ lễ, nghỉ hè, gia đình tôi thường cho các con đi du lịch đổi gió. Nhà đang không có ai trông coi, vậy mà vợ cập nhật 24/24 đủ thứ lên mạng xã hội, từ phong cảnh resort, hình chụp của vợ, hình các con, chụp lén ảnh tôi dù tôi rất không thích, thức ăn, đồ uống…
Chúng tôi đi đâu, ăn gì, có lẽ ai cũng biết hết cả. Sau đó, tôi nghe có vài người bà con xầm xì sau lưng rằng “nhà đó đại gia”, “giàu lắm” (trong khi gia đình tôi chỉ ở mức cơ bản), có người còn hỏi mỉa “đi chơi mà không đưa bố mẹ hai bên theo à”…
Nhưng lời đó sau này đến tai bố tôi nên ông khuyên bảo vợ tiết chế lại. Tôi cũng nói vợ nhiều nhưng chỉ “nước đổ lá khoai”. Vợ tôi mê mẩn những bình luận, những lượt like, lượt “thả tim” trên Facebook.”
Khi bài viết này được đăng tải, có nhiều ý kiến khen chê nổ ra. Có độc giả bình luận: “Vợ của bạn chắc chắn mắc hội chứng FOMO ( fear of misssing out ) sợ bị bỏ lỡ mọi thứ, nên tôi đoán chắc vợ bạn cầm điện thoại rất nhiều. Vô hình chung làm mất đi sự hạnh phúc vốn có”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ trích anh chồng này thuộc dạng người vô tâm: “Vợ anh đúng là hơi đam mê mạng xã hội nhưng có phải anh cũng là một người nhạt nhẽo và có phần hơi vô duyên không? Vợ vào bếp nấu các món ăn ngon nhưng anh không khen động viên. Thiết nghĩ anh nên thay đổi bản thân, sống tích cực và tương tác với vợ nhiều hơn. Như vậy, vợ sẽ trò chuyện với anh nhiều hơn và cai dần mạng xã hội anh nhé!”.
Hình minh họa (Ảnh: ameblo.jp)
Có lẽ, mùa dịch này, rất nhiều người đang cảm thấy stress, bị chùn chân, bị bức bối và mạng xã hội là phương thức giải tỏa duy nhất. Nhờ nó, chúng ta có thể duy trì liên lạc với người thân, đọc những tin tức nóng hổi và chia sẻ cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, đàn ông trưởng thành và phụ nữ khôn ngoan đừng cái gì cũng đăng lên facebook, dù là khoe hoang hay là than thở. Khoe khoang nhiều quá thì thành ra phản cảm, than vãn nhiều quá thì gieo năng lượng tiêu cực cho bạn bè.
Những lời an ủi, động viên, hoặc tung hô chúng ta lên nóc đôi khi chỉ là giả tạo, thảo mai. Bạn cũng không thể nào lường trước được những hậu quả mà nó đem lại. Ví như có nhiều chị em thích khoe tiền bạc, của cải vật chất nhằm nhận được sự ngưỡng mộ, tán dương từ những người khác, nhưng cuối cùng lại rước trộm vào nhà, hoặc bị đồng nghiệp đố kỵ, ghen ghét, trở thành chủ đề tám chuyện của người khác.
Rồi có chị lại thích kể lể về nhà chồng, dù xấu hay tốt cũng khiến họ không cảm thấy hài lòng. Bởi lẽ, chẳng ai thích cô con dâu của mình suốt ngày nhiều chuyện trên mạng xã hội. Hơn nữa, chính người chồng càng cảm thấy không thoải mái, bởi có những sự riêng tư cần được giữ kín trong lòng.
Đặc biệt, các mẹ bỉm sữa rất thích khoe con, nếu khoe những hình ảnh dễ thương ngộ nghĩnh thì không nói, đằng này khoe hết thông tin cá nhân của con, rất dễ tạo điều kiện cho những kẻ đang rình rập gia đình bạn có cơ hội “b.ắ.t c.óc” trẻ nhỏ.
Suy cho cùng, phụ nữ khôn ngoan sẽ sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan. Không ai cấm các chị chia sẻ cuộc sống riêng tư, sở thích cá nhân, quan điểm sống. Nhưng hãy xem xét các yếu tố bên cạnh, nếu điều đó vô tình công khai cả sự riêng tư của người khác thì nên hỏi ý kiến của những người liên quan, dù là chồng con hay gia đình chồng, bạn bè, đồng nghiệp… thì đều cần được tôn trọng.
Nguồn: VNE