Contents
Thời tiết cuối Xuân ấm dần, bài vở hết, thi cử xong, thay vì thu xếp về Việt Nam nghỉ Hè, nhiều du học sinh tại Úc kéo nhau đi “farm” làm nông.
Công việc “lãng mạn” ở Úc
Mùa Hè ở Australia bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm, đây là dịp để du học sinh Việt kiếm khoản thu nhập không nhỏ nhờ nông vụ.
Hái quả ở các nông trang được xem là công việc làm thêm lí tưởng, dễ tìm, dễ “hái” ra tiền ngay khi chưa có kinh nghiệm hay vốn tiếng Anh tốt; được nhiều bạn trẻ yêu thích không chỉ vì lương tương đối cao và ổn định mà còn là cơ hội để tìm hiểu đời sống nông thôn Úc.
Là sinh viên năm cuối khoa tiếng Anh, trường ĐH La Trobe (Úc), Hoàng Minh Tuấn đã có kha khá kinh nghiệm làm “farm” (nông trại).
Công việc làm xuyên suốt 7 ngày/tuần và việc làm quanh năm (hết thu hoạch nho sẽ có việc cắt cành, vén cành, tỉa lá, tỉa bông…) phù hợp cho người làm lâu dài.
Hiện Tuấn đang làm thêm tại nông trại vùng Robinvale, Victoria (cách Melbourne 450 km). Theo Tuấn, chỉ cần người hái nho chăm chỉ sẽ có thu nhập ổn định 100 – 120 AUD (đô la Úc) tuỳ vào tốc độ và sự siêng năng. Thậm chí, nếu là “cao thủ” bạn có thể bỏ túi 200 AUD /ngày.
Giả sử mỗi ngày trung bình kiếm được 100 AUD (mức thấp nhất), sau một tháng làm farm, một sinh viên Việt có thể kiếm được số tiền ít nhất lên tới 3.000 AUD (gần 50 triệu VNĐ).
“Nếu là sinh viên đã từng đi làm farm rồi thì hái nho khá là khỏe. Còn với những người chưa từng làm hoặc chỉ làm nhà hàng thì khá khó khăn, nếu muốn theo kịp thì cần có thời gian và ý chí. Sau khoảng 1 tuần quen dần với giờ giấc và công việc mà vẫn chịu được việc thì bạn đã sắp trở thành một nông dân “hái” ra tiền đều đặn”, Tuấn nói.
Nhiều du học sinh nói vui, hái nho là công việc… lãng mạn. Bởi lẽ, ngoài mức thu nhập ổn, bạn còn được hòa mình vào thiên nhiên ở những nông trại mênh mông chạy ngút tầm mắt về phía chân trời miền Nam nước Úc.
Bạn sẽ tha hồ thưởng thức hương vị trái quả còn tươi rói trên cây như nho, cherry, bơ, mâm xôi… Trời càng nóng gay gắt thì nho càng mọng ngọt. Nho nhiều tới mức những người hái “chán chẳng buồn ăn”.
Những giọt mồ hôi mặn…
Làm nông trại, dù vậy, không phải là câu chuyện lãng mạn hay cái mỏ đào vàng. Có bắt tay vào việc mới biết nó thực không đơn giản chút nào.
Đầu tiên, bạn phải tuân thủ vào “guồng” thời gian lao động nghiêm ngặt. Minh Tuấn cho biết, một ngày của du học sinh làm nông trại bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau đó, có xe đón đến nông trại (mỗi ngày như vậy phải trả cho lái xe 5 AUD), đến farm cũng là lúc trời vừa sáng.
Hiệu quả công việc phụ thuộc thời tiết và khả năng. Có bạn sau một thời gian đi làm về nhẩm lại thấy lỗ hoặc chỉ huề vốn (sau khi trừ đi phần tiền xe, ăn, ngủ).
Du học sinh Thu Hường (20 tuổi, ĐH Central Queensland University, Úc) tâm sự: “Do nho năm nay mất mùa nên giá nhân công cũng giảm theo. Năm ngoái, một thùng nho hái được chủ thầu trả 9 AUD thì nay chỉ 2-3 AUD, chưa kể những ngày thời tiết xấu phải nghỉ không công. Trong khi đó tiền thuê giường là 9 đôla Úc/ngày, chưa kể tiền ăn”.
Công việc thực tế rất vất vả và đòi hỏi sự dẻo dai. Hiện tại rất ít nông trại làm khoán theo ngày. Chủ trang trại trả công theo giờ đồng nghĩa với việc bạn phải năng suất từng phút, giây.
“Thường thì mỗi người có 1 cái trolly (xe đẩy có cân ở trên), bạn cần cắt nho, bỏ vào bịch, lấy bịch đó xếp vào thùng, thùng khoảng 10 kg, mỗi thùng 10 bịch. 1 ngày trung bình làm 40 – 70 thùng, những sinh viên làm lâu năm có thể đạt 70 -110 thùng. Trong thùng nho phải đẹp, không có sâu, thối, lép, xốp, rệp, lá; thường chủ farm hoặc chuyên viên sẽ đi kiểm tra hàng để tránh tình trạng sinh viên làm “láo”…”, Hường miêu tả.
Có làm nông mới thấu hiểu nỗi tủi thân khi kiếm tiền nơi xứ người. Các giỏ quả có khi đầy nặng lên đến hơn chục cân khiến người đeo, đặc biệt là các bạn nữ phải còng lưng.
Cô bạn kể: “Mùa hái nho tháng nhiệt độ lên tới khoảng 43 độ C vô cùng khắc nghiệt, nhiều khi làm quần quật trên ruộng nho đến giờ nghỉ không nuốt nổi cơm. Những người hái nho luôn phải đội trên đầu một chiếc khăn mặt ướt sũng nước rồi mới đội mũ vải lên, vậy mà chỉ sau mười lăm phút chiếc khăn đã khô cong”.
Hai tháng làm việc đã “cướp” đi của Hường làn da trắng mịn, cô cũng đành ngậm ngùi “chia tay” với thói quen ngủ nướng. Hơn nữa, việc ở nông trại nhìn chung buồn tẻ và ít giao tiếp vì ai cũng phải “hì hục” làm. Đặc biệt, chuyện chủ thầu quỵt tiền công không phải hiếm.
Minh Tuấn cho biết: “Thường chỗ mình chủ sẽ thanh toán tiền mặt (trốn thuế) vào thứ 6 hàng tuần, đầy đủ không thiếu 1 xu. Tuy nhiên, những trường hợp du học sinh “nai lưng” để làm nhưng sau đó bị quỵt tiền không thiếu. Làm nông trại trả bằng tiền mặt (trốn thuế) nên không thể nào kiện chủ vì không có… bằng chứng”.
Chịu rơi mồ hôi, nhiều du học sinh đã có những trải nghiệm quý, kiếm khoản thu nhập Hè không nhỏ để trang trải cuộc sống, học phí kì sau và biết trân trọng đồng tiền “mồ hôi nước mắt”… Tuy nhiên, kiếm tiền khó, “đốt” tiền dễ, không ít sinh viên lại “nướng” toàn bộ số tiền vất vả kiếm được chỉ sau một đêm cờ bạc.
Trùm kín mặt bằng khăn ướt, một trong những phương pháp để chống lại cái nắng gắt có thể lên tới 43 độ ở cánh đồng nho.
Lệ Thu
(Ảnh: NVCC)
Lê Trường