Gibran từng nói: “Ý nghĩa của cuộc sống nằm ở sự kết nối giữa người với người.” Ai cũng có lúc cần đến sự giúp đỡ của người khác. Thế nên, đừng tự “cách ly” mình khỏi xã hội, cũng đừng chỉ sống cho bản thân mình!
(01)
Tôi có một người bạn đại học, chỉ thích một mình và không muốn giao tiếp nhiều.
Một năm nọ, cậu ta tin lời một người anh họ, đồng ý giúp đứng tên mượn 300 triệu để cho anh họ làm ăn. Nhưng cậu ta lại không ngờ khi anh họ thất bại, làm ăn thua lỗ đã bỏ trốn.
Khoản nợ 300 triệu đột nhiên rơi xuống đầu cậu ta, cùng lúc trong nhà phát sinh biến cố.
Bố cậu ta tái phát bệnh cũ, phải nhập viện điều trị. Cậu ta phải bận rộn ngược xui chạy hai đầu giữa công ty và bệnh viện.
Cậu ấy rất sợ cứ tiếp tục thiếu tập trung như vậy sẽ bị công ty sa thải. Nhưng không ngờ sau đó vì một sai sót, cậu ta bị sa thải thật. Vì không thích giao tiếp, nên đồng nghiệp chẳng ai nói giúp, lúc cậu ta làm sai, cũng chẳng ai thèm nhắc nhở.
Xui xẻo ngập đầu, cậu ta bị mất ngủ, căng thẳng, và cuối cùng dẫn đến trầm cảm.
Vài đứa bạn cùng lớp chúng tôi nghe nói chạy bộ có thể giúp giảm áp lực, nên đã dành thời gian chạy bộ và chăm sóc bố giúp cậu ấy.
Mỗi đêm, chúng tôi kéo cậu ấy đi chạy bộ. Nếu cậu ấy muốn nói chuyện, chúng tôi sẽ lắng nghe. Nếu cậu ấy không thích nói chuyện, chúng tôi sẽ im lặng chạy theo cậu ấy.
Sau nửa năm, mọi chuyện dần ổn định trở lại, tình trạng của bố cậu ấy được cải thiện. Anh họ đem tiền làm ăn được từ nơi khác về trả nợ.
Sau tai nạn này, cậu ấy nhận ra bản thân dù sống nội tâm, cũng không nên tự “cách ly xã hội” như thế, ít nhất cũng phải tìm cách kết giao với vài người.
Có quan hệ xã hội tốt, vẫn đỡ hơn là lúc nào cũng tranh đấu một mình.
Trên đời này không ai có thể một mình mà biết hết hết tất cả mọi thứ.
(02)
Cho người khác hy vọng, cũng là cho mình hy vọng!
Bạn thân tôi là một bác sĩ, cô ấy rất chu đáo với bệnh nhân.
Một hôm, cô ấy gặp một bệnh nhân hen suyễn. Sau khi kiểm tra, cô ấy đã cho bệnh nhân uống thuốc và tình trạng bệnh của anh ta dần thuyên giảm. Nhưng vì lo lắng căn bệnh có thể tái phát lại, cô ấy đã yêu cầu anh ta ở lại bệnh viện thêm một đêm.
Bệnh nhân nói rằng anh ta thuộc hộ nghèo, thu nhập thấp nên không muốn tốn quá nhiều tiền chỉ để ở bệnh viện thêm một đêm, anh ta xin cô ấy có thể làm thủ tục xuất viện ngay bây giờ cho mình.
Nhìn anh ta chỉ mới 27 tuổi mà cứ như người trung niên 40 tuổi rồi, bạn tôi tin lời anh ta là thật. Đồng thời cũng lo lắng cứ tiếp tục như vậy, bệnh anh ta sẽ càng khó trị. Vì vậy đã tự dùng tiền riêng trả tiền viện phí cho anh ta.
Sau đó có một hôm nọ, bạn tôi vô tình vướng vào một vụ rắc rối.
Hôm đó cô ấy bị hư xe, đoạn đường này rất khó bắt taxi, xe bus thì đang đến. Nếu không đi ngay có thể trễ mất ca mổ đã sắp lịch hôm nay.
Cô ấy nghĩ dù sao cũng chỉ đi xe bus có một ngày nên đã không ngần ngại mà bước lên xe ngồi ở hàng ghế thứ ba. Có một người đàn ông ở cùng trạm lên xe cùng lúc với cô bạn tôi, hắn ta cũng ngồi ngay chiếc ghế bên cạnh cô ấy.
Đi được nửa đường thì người đàn ông kia bỗng nhiên la lớn đòi xuống trạm kế rồi kéo tay cô bạn tôi đi theo.
Cô bạn tôi hoảng hồn, nhưng cũng nhận ra kế hoạch của người này nên bình tĩnh kêu mọi người giúp đỡ, đồng thời bảo người kia nói tên, tuổi cô ấy xem có khớp với chứng minh nhân dân không?
Không ngờ người này tát cô ấy một cái thật mạnh, không cho cô ấy nói tiếp. Đồng thời, hung dữ nhìn người xung quanh gắt gỏng:
“Mẹ nó, chuyện nhà tao thì tụi bây đừng bày đặt xen vô.”
Nói rồi, hắn dùng sức kéo bạn tôi đến cửa xe. May sao khi đó có một người đàn ông từ hàng ghế cuối vội chạy lên kéo cô ấy lại bảo:
“Đây là em gái tôi, làm bác sĩ bệnh viện, thường ngày con bé hay đi xe riêng nên lúc nãy tôi không nhận ra, không ngờ lại đi cùng chuyến xe với con bé. Anh là ai, có buông tay ra không hay muốn lên công an làm việc…”
Hắn nghe thế liền thoáng chốc hoảng loạn, văng ra mấy câu chửi tục liền vội xuống khi xe dừng. Cô bạn tôi nhìn lên mới nhận ra là bệnh nhân cũ của cô ấy.
Cả một chiếc xe đầy người, vậy mà chẳng ai chịu vươn tay ra giúp đỡ, bởi vì họ sợ gặp phiền phức khi thấy người kia quá côn đồ.
May mắn thay cô ấy có thể gặp được người mình từng giúp đỡ, đúng là gieo nhân nào thì gặt quả đó. Nếu hôm ấy cô chưa từng giúp đỡ người bệnh nhân này, và nếu như hôm nay anh ta như những người khác không đứng ra giúp đỡ cô, thì có lẽ tình cảnh của cả hai giờ đây sẽ rất tồi tệ.
Thế nên, khi bạn có đủ năng lực, hãy kiên trì làm nhiều việc thiện. Bởi vì có thể sau này, lòng nhân từ trước đây chính là thứ sẽ giúp bạn vượt qua được nhiều khó khăn bất ngờ.
(03)
Nói như vậy cũng không phải kêu bạn trở thành loại người: có chuyện thì nhờ, xong việc thì phủi tay.
Xung quanh chúng ta chắc chắn sẽ có rất nhiều người như vậy, nhưng tôi mong rằng bạn đừng trở thành một người như vậy.
Khi học đại học, tôi từng rất vui mừng vì bản thân có nhiều bạn trong danh bạ, nào là bạn cấp hai, bạn cấp ba, bạn đại học, bạn kết giao ngoài xã hội…
Nhưng sau này khi đã tốt nghiệp và đi làm được 2 năm, tôi nhận ra có quá nửa số người trong danh bạ tôi là không cần thiết.
Trời nắng, bạn có thể cho người khác mượn mái hiên tá túc; nhưng trời mưa, mong rằng họ có thể cho bạn mượn dù. Đó là mối quan hệ bạn bè bình đẳng, không phải dùng để lợi dụng, mà để chia sẻ hoạn nạn, giúp đỡ nhau những lúc đối phương gặp khó khăn.
Nhưng nhiều người lại không chịu cư xử như vậy:
“Cậu giúp tớ cái này với!”
“Tớ đang kẹt, cho tớ mượn ít tiền đi…”
Đó là chủ điểm chính họ dùng trong các cuộc trò chuyện với bạn, không có sự bình đẳng, hỏi thăm giữa bạn bè, chỉ có lợi dụng và vụ lợi, đôi lúc nói cười một cách giả dối.
Bạn nên kết giao, nhưng không cần những người như vậy. Bạn cần chân thành, nhưng chỉ nên trao cho người xứng đáng.
Tìm đúng bạn cũng là một sự đầu tư đầy cam go. Đúng người, ngân hàng sinh lãi; sai người, để càng lâu, lỗ càng nhiều.
Hãy gieo một hạt giống thiện lành trong tâm, và giúp đỡ những ai đáng giúp, cũng như kết bạn với những người đáng kết bạn. Nó chính là bùa hộ mệnh để bạn thuận lợi đi trong xã hội sau này.
Thiên Tuyết
Theo Báo Dân Sinh