Giới đại gia Trung Quốc đang kiếm thật nhiều tiền rồi mang theo khối tài sản khủng ra nước ngoài sinh sống: Úc, Mỹ và Canada là điểm đến ưa thích

9

Ngày càng nhiều những người có giá trị tài sản ròng cao (high-net-worth individual – HNWI) tại Trung Quốc thông qua nhiều con đường để kiếm cho mình “thẻ xanh”, sau đó mang theo khối lượng tài phú không hề nhỏ để di cư ra nước ngoài sinh sống, làm việc.

Theo Báo cáo di cư của những người có giá trị tài sản ròng cao (high-net-worth individual – HNWI) trên toàn cầu năm 2019, độ tuổi trung bình của người đang nắm giữ lượng tài phú lớn của gia tộc tại Trung Quốc đang là 55 tuổi, với tài sản trung bình là 6,5 tỷ NDT (tương đương 1,01 tỷ USD – 23.073 tỷ VNĐ). Có thể thấy, trong hai thập kỷ qua, thế hệ những người giàu nhất Trung Quốc đã tích lũy được rất nhiều tài sản.

Để so sánh, theo Báo cáo Tài sản toàn cầu 2020 (The Global wealth report), năm ngoái, tổng tài sản toàn cầu đã tăng 36,3 nghìn tỷ USD và tài sản trên mỗi người trưởng thành đạt 77.309 USD.

Vậy, các gia tộc high-net-worth ở Trung Quốc đã xây dựng khối tài sản của họ như thế nào?

29% gia tộc chia sẻ rằng, tài sản của gia đình bắt nguồn từ ngành bất động sản, tiếp theo là ngành sản xuất hàng tiêu dùng không thiết yếu (16%) và ngành công nghiệp (13%).

Một vài gia tộc nắm giữ đa số quyền sở hữu hoặc toàn quyền sở hữu trong hoạt động kinh doanh chính. 2/5 doanh nghiệp gia đình đã thực hiện niêm yết cổ phiếu, mang lại sức sống mới cho quá trình kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển và mở rộng.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng về mặt tài sản lại song hành cùng với sự gia tăng số lượng HNWI di cư ra nước ngoài.

Số lượng HNWI Trung Quốc nhập cư nước ngoài đứng đầu thế giới

AfrAsia Bank chỉ ra rằng, năm 2018, tổng tài sản của những người giàu nhất thế giới sở hữu đạt 204 nghìn tỷ USD. Có 108.000 đại gia đã chọn di cư sang các nước khác, và 13,9% trong đó là từ Trung Quốc đại lục.

Năm 2018, tổng số HNWI Trung Quốc di cư ra nước ngoài là 15.000 người, tăng 50% so với 10.000 người năm 2017 và đứng đầu thế giới, gấp đôi vị trí thứ hai là Nga.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng giới nhà giàu Trung Quốc coi trọng quốc gia nào có các yếu tố như: Môi trường sống tốt, pháp lý lành mạnh, quản lý tài sản an toàn.

Do đó, bất chấp việc chính sách nhập cư tiếp tục được thắt chặt ở Úc, Hoa Kỳ và Canada trong năm 2018, 3 quốc gia này vẫn là điểm đến ưa thích nhất của các đại gia Trung Quốc.

Báo cáo cho thấy 10 quốc gia nhập cư hàng đầu được giới nhà giàu Trung Quốc ưa thích nhất là Australia, Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, UAE, Caribe, New Zealand, Singapore, Israel và Bồ Đào Nha.

Bên cạnh đó, có 30% HNWI di cư bằng thị thực nhà đầu tư, trong khi những người khác sử dụng các phương tiện truyền thống là thị thực lao động, thị thực gia đình và lấy hộ chiếu thứ hai thông qua người nhà.

Những người di dân sẽ hoàn toàn trở thành người nước ngoài? 

Vào những năm 1960, học giả truyền thông nổi tiếng người Canada Marshall McLuhan đã đề xuất khái niệm “ngôi làng toàn cầu” (Global village). Ông tin rằng với sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông đa dạng, khoảng cách giữa con người và giữa các quốc gia sẽ được rút ngắn lại. Mọi người có thể dễ dàng di chuyển xuyên quốc như như đi xuyên làng.

Giới đại gia Trung Quốc đã phần nào thể hiện khái niệm này khi họ thực hiện “di dân” chứ không “nhập tịch”. Trong khi vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc, họ nhập cư vào một quốc gia khác, có đủ điều kiện để thường trú tại đây, tự do làm việc, sinh sống và du lịch, nhưng vẫn sẽ trở lại Trung Quốc nếu có nhu cầu.

Đây cũng là lý do mà rất nhiều người Trung Quốc bắt đầu cuộc đua “săn tìm thẻ xanh” thông qua nhiều con đường như là bảo lãnh thành viên gia đình, bảo lãnh diện vợ chồng hoặc hôn phu/hôn thê, diện đầu tư và diện việc làm… Sau khi trở thành thường trú nhân của quốc gia đó, chỉ cần không nộp đơn xin nhập tịch thì người đó vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc của mình.

Chính vì vậy, giới thượng lưu chỉ coi đây là cơ hội để “hội nhập văn hóa”, và nhập cư là một cách để tránh môi trường cạnh tranh khốc liệt trong nước, tìm kiếm nơi có nguồn lực giáo dục, nguồn lực y tế, điều kiện làm việc, sinh sống… có lợi hơn.

Đối với họ, việc này cũng giống như bao người từ nông thôn phấn đấu lên các thành phố hạng nhất để hưởng những điều kiện tốt hơn, còn các HNWI từ những thành phố hạng nhất của quốc gia này phấn đấu để sinh sống, làm việc ở một quốc gia khác có điều kiện tốt hơn nữa. Nhiều gia đình xử lý nhập cư với mục đích cung cấp cho con cái của họ một môi trường giáo dục tốt hơn.

Đặc biệt là nhiều gia đình muốn “né” kỳ thi đại học ở Trung Quốc, một trong những kỳ thi khắc nghiệt bậc nhất thế giới, tạo áp lực căng thẳng rất lớn dành cho các lứa học sinh cấp 3 hàng năm. Họ muốn cho con cái học ngoại ngữ, sau đó tới quốc gia khác học tập, sau này khi đã có trình độ cộng với khả năng tiếng Anh, thích nghi và cạnh tranh tốt hơn thì sẽ xem xét cơ hội khi quay trở lại đất nước.

Xu thế di cư xuyên quốc gia ngày càng gia tăng

Xét trên tổng thể, nhập cư là một hiện tượng toàn cầu, di cư xuyên quốc gia trên toàn cầu chiếm 3,5% tổng dân số. Theo Báo cáo Di cư Thế giới năm 2020 do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố, người di cư xuyên quốc gia chiếm 3,5% dân số toàn cầu. Năm 2019, 272 triệu người trong tổng số 7,7 tỷ dân toàn cầu là người di cư xuyên quốc gia. 9 năm trước, con số này chỉ là 2,8%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong số tất cả người nhập cư xuyên quốc gia, hơn 40% người nhập cư sinh ra ở các nước châu Á. Ấn Độ là quốc gia có lượng người di cư xuyên quốc gia lớn nhất trong năm 2019 với 18 triệu người, tiếp theo là Mexico có 12 triệu người, Trung Quốc có 11 triệu người, Nga có 10 triệu người và Syria có 8 triệu người.

Dữ liệu khá lớn cho thấy di cư là một hiện tượng toàn cầu, và không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, các quốc gia khác cũng đang thực hiện “di cư dân số”. Sự di chuyển của dân số toàn cầu sẽ ngày càng năng động với tần suất cao dần lên.

Các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Úc… sẽ có nhiều người nhập cư mới tràn vào đất nước hàng năm, trong đó, số lượng HNWI là không hề nhỏ. Đây cũng là một nhân tố hữu ích giúp đôi bên cùng có lợi.

Các quốc gia này có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của những người mới, trong khi, những người nhập cư mới có thể đưa nhân viên hoặc lao động có trình độ học vấn cao, tay nghề cao đến làm việc, sinh sống và góp phần phát triển nền kinh tế của quốc gia này. Việc thu hút nhân tài lâu dài luôn là tiền đề quan trọng giúp quốc gia ngày càng phát triển về mọi mặt.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giới đại gia Trung Quốc sử dụng con đường nhập cư để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn, hoặc một môi trường sống phù hợp hơn với bản thân và con cháu mình trong tương lai.

nguồn tin : Phương Thuý Theo Trí thức trẻ

SHARE