Nhiều sinh viên Úc phải “sống lần hồi” trong thời gian dài vì Covid-19

11

 

Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ làm trầm trọng hơn tình hình tài chính vốn đã rất eo hẹp của sinh viên tại Úc và những ảnh hưởng tiêu cực của nó có thể sẽ kéo dài nhiều năm.

Sinh viên – Nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất về tài chính

Theo Giáo sư Andrew Norton, chuyên gia giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), người làm việc ở những ngành nghề có tỷ lệ tiếp xúc công cộng cao sẽ phải đối mặt với nguy cơ việc làm cả trước mắt, trung hạn và lâu dài.

Sinh viên làm nhân viên bán hàng, bồi bàn, pha chế đồ uống là nhóm đối tượng có khả năng mắc bệnh cao do liên tục phải tiếp xúc với nhiều người trong khi làm việc.

Sinh viên Đại học New South Wales có thể tìm kiếm việc làm trong thời gian học với sự hỗ trợ của nhà trường. Ảnh: UNSW.

Dù mức độ nguy hiểm của virus đối với sinh viên, vốn là những người trẻ, khi bị nhiễm Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc sinh viên phải “sống lần hồi” trong một thời gian dài không được trả lương.

Trong khi đó, nếu bị phong tỏa như những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, Pháp và Tây Ban Nha, hàng quán, tiệm cà phê và nhà hàng sẽ phải đóng cửa để tránh bùng phát dịch bệnh. Điều đó cũng có nghĩa là thời gian không có thu nhập sẽ còn kéo dài.

Điều đáng quan tâm ở đây là rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề sẽ bị phá sản trong trường hợp bị phong tỏa dài ngày. Nếu tình huống đó xảy ra, sẽ phải mất nhiều năm để tái thiết lại nguồn thu nhập cho sinh viên.

Như vậy, Giáo sư Norton cho biết, “Dù có bị nhiễm bệnh hay không thì sinh viên cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất về mặt tài chính trong cộng đồng”.

Không đủ điều kiện để nhận trợ cấp thu nhập

Đảm bảo nhu cầu tài chính sinh viên là mối lo ngại ngày càng tăng đối với giáo dục đại học Úc. Thông tin tại cuộc hội thảo liên trường đại học Úc tổ chức vào Tháng 2 vừa qua cho thấy thu nhập sinh viên Úc đã giảm khoảng 20% từ năm 2014 đến 2019.

Trích dẫn số liệu năm 2016, Giáo sư Norton cho biết, 30% sinh viên làm việc toàn thời gian trong các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực và giải trí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm tập trung đông người. Khoảng 28% làm việc trong ngành bán lẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng khá tiêu cực.

Có một thực tế là khoảng 78% sinh viên làm việc toàn thời gian không được nghỉ phép nguyên lương khi ốm đau. Trong khi các công ty lớn cam kết trả nguyên lương cho lao động hợp đồng khi họ nhiễm Covid-19 thì phần lớn sinh viên lại làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ.

Tình hình của sinh viên quốc tế còn đáng lo ngại hơn bởi họ không đủ điều kiện để được nhận trợ cấp thu nhập và nhiều người trong số họ không có ai thân thích ở Úc

Tuy nhiên, nhìn về triển vọng xa hơn, một số khu vực việc làm cho sinh viên có thể được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này.

Ngày 13/3 vừa qua, Chính phủ Úc tuyên bố sẽ tạm bỏ hạn mức 40 giờ làm việc đối với sinh viên quốc tế được thuê xếp đồ trong các siêu thị lớn nhằm đảm bảo cho các cửa hàng không rơi vào tình trạng hết hàng khi người dân đổ xô mua sắm do lo sợ đại dịch bùng phát.

Cơ hội việc làm và giờ làm việc cũng sẽ tăng đối với nhóm nghề chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội. Nhưng Giáo sư Norton nhấn mạnh rằng, việc làm có triển vọng cho sinh viên như bán hàng, bồi bàn, phục vụ quầy bar… đều phải tiếp xúc với nhiều người.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh, một số trường đại học Úc đang có động thái nhằm giảm ảnh hưởng của đại dịch tới tình hình tài chính của các lao động hợp đồng.

Đại học ANU, Deakin và Monash đang nới rộng điều kiện nghỉ phép hưởng nguyên lương cho các đối tượng lao động này. Đại học Macquarie và Đại học Syney còn cam kết chi trả thêm nửa tháng tiền lương cho lao động hợp đồng trong trường hợp các trường học phải đóng cửa.

Theo Dân trí

SHARE